13/09/2022 10:54 GMT+7

'Khát' điều dưỡng, hộ lý: 1 đêm trực 2 điều dưỡng chăm sóc 70 bệnh nhân

XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU
XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU

TTO - Chưa lúc nào ngành y tế lại "khát" điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật y như hiện nay. Họ như cánh tay nối dài của bác sĩ, nếu thiếu họ ắt bác sĩ sẽ "bó tay" và việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Khát điều dưỡng, hộ lý: 1 đêm trực 2 điều dưỡng chăm sóc 70 bệnh nhân - Ảnh 1.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hiện tỉ lệ điều dưỡng trung bình của Việt Nam là 11,4/10.000 dân - thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2030, Việt Nam sẽ đối mặt nguy cơ thiếu 40.000 - 50.000 điều dưỡng.

Trước thực trạng đó, sở y tế TP.HCM, Hà Nội vừa yêu cầu các cơ sở y tế công lập khảo sát nhanh thực trạng và nhu cầu bổ sung điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y tại các đơn vị nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Lực lượng quan trọng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Thiên Trung, khoa cấp cứu Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM), cho biết hiện nhân sự khoa cấp cứu của bệnh viện có 30 người, trong đó có 11 bác sĩ, 18 điều dưỡng, 1 hộ lý. Áp lực công việc khoa cấp cứu rất nặng khi đây là nơi "đầu sóng ngọn gió". "Đặc thù khoa cấp cứu là không cho người nhà bệnh nhân vào nhiều nên điều dưỡng làm việc rất nhiều. Do khoa cũng chỉ có một hộ lý nên điều dưỡng phải làm luôn công việc của hộ lý như dọn ối, thay drap giường...", bác sĩ Trung nói.

Bác sĩ Trung cho biết thêm cơ số giường tại khoa cấp cứu là 20, trong mỗi kíp trực có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng. Như vậy mỗi điều dưỡng phải chăm lo cho 5 bệnh nhân, nhưng thực tế có thời điểm số lượng bệnh nhân cấp cứu nhiều hơn. Để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, theo bác sĩ Trung, cần tăng cường lực lượng điều dưỡng. "Điều dưỡng là bộ phận rất quan trọng, không thể tách rời được. Họ hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong quá trình thăm khám bệnh nhân, thực hiện y lệnh bác sĩ và chính họ là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiều hơn bác sĩ", bác sĩ Trung chia sẻ.

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho rằng còn nhiều người nghĩ rằng bác sĩ là người có quyết định "sống còn" trong việc điều trị cho bệnh nhân. Thế nhưng nếu không có sự phối hợp giữa bác sĩ với điều dưỡng thì không thể điều trị cho người bệnh. Hằng ngày điều dưỡng có nhiệm vụ tiêm truyền, hướng dẫn bệnh nhân thăm khám, theo dõi các chỉ số... theo sát chặt chẽ bệnh nhân. Đặc biệt đối với những bệnh nhân ở khoa nội, những thực đơn dinh dưỡng, theo dõi các chỉ số là vô cùng quan trọng.

"Nếu không có điều dưỡng, bác sĩ không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình", bác sĩ Tiến nói.

"Rơi rụng dần" vì lương thấp, áp lực cao

Theo bác sĩ Trung, các bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề lâu năm ít khi trụ lại ở khoa cấp cứu vì áp lực công việc lớn. Bên cạnh đó với thu nhập của bác sĩ còn thấp, thu nhập điều dưỡng hiện nay phải gọi là... lao đao.

Trong buổi gặp gỡ và động viên cán bộ nhân viên y tế tại TP.HCM đầu tháng 8 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhấn mạnh sự biến động nguồn nhân lực tại các bệnh viện công lập ở TP.HCM là một trong những khó khăn, thách thức của ngành y tế TP.HCM. 

Theo thống kê, số người làm việc vào cuối năm 2021 tại các cơ sở y tế công lập là 42.914 người, thì đến thời điểm hiện nay là 42.608 người, như vậy chênh nhau 306 người. "Con số 306 người tưởng là ít nhưng thật sự gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở khám chữa bệnh bởi vì đa số họ là người có thâm niên, kinh nghiệm", ông Thượng nói.

Về tình hình chung trên cả nước, đại diện Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá tỉ lệ điều dưỡng, hộ lý tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên vẫn ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. 

"Nhiều bệnh viện có thể có nhu cầu về điều dưỡng, hộ lý, nhưng không đủ khả năng tài chính để chi trả. Nếu tăng nhân lực cần phải tăng giá dịch vụ y tế lên, như vậy sẽ rất khó khăn cho người dân. Hiện bộ cũng đang xây dựng đề án trình Chính phủ về lộ trình và giải pháp cụ thể để cải thiện tỉ lệ điều dưỡng tại Việt Nam", vị này cho hay.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Tác, cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), khẳng định hiện nay nguồn điều dưỡng qua đào tạo không thiếu, thậm chí Việt Nam đang là nước xuất khẩu điều dưỡng sang nhiều nước khác. Hiện nay có 43 trường ĐH đào tạo trên 5.000 điều dưỡng; 100 trường CĐ mỗi năm đào tạo 30.000 điều dưỡng; 50 trường trung cấp đào tạo khoảng 15.000 điều dưỡng.

"Tuy nhiên, theo khuyến cáo của WHO thì thế giới quy định có 3,5 - 4 điều dưỡng/bác sĩ trong khi hiện Việt Nam mới có khoảng 1,7 điều dưỡng/bác sĩ. Mặc dù chúng ta đã có những mục tiêu nâng cao số điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách nên số lượng điều dưỡng chưa thể tăng lên như khuyến cáo của WHO", ông Tác nói.

Khát điều dưỡng, hộ lý: 1 đêm trực 2 điều dưỡng chăm sóc 70 bệnh nhân - Ảnh 2.

Nguồn: Hội nghị khoa học điều dưỡng bệnh viện năm 2022 và Hội điều dưỡng Việt Nam được công bố vào cuối tháng 8-2022 - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Phải đủ điều dưỡng nhưng ai trả tiền?

Theo ông Tác, để số lượng điều dưỡng trong bệnh viện tăng lên, hướng tới chăm sóc toàn diện cho người bệnh thì phải tháo gỡ những vướng mắc về nhân lực, tài chính cho các bệnh viện.

Ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho rằng ở các nước, bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, tất cả đều do điều dưỡng đảm nhiệm. Người nhà bệnh nhân không phải làm bất kỳ việc gì, chỉ đến thăm theo giờ. "Nếu chúng ta đang xây dựng một ngành y tế chăm sóc toàn diện như vậy thì đang thiếu nhân lực điều dưỡng. Còn nếu chỉ phục vụ nhu cầu người dân như hiện nay thì không quá thiếu", ông Thường nói.

Theo các chuyên gia, vì chưa hướng đến sự chuyên nghiệp này nên nhiều người nhà thuê người từ bên ngoài để chăm sóc bệnh nhân, điều này làm lộn xộn, gây nhiễm trùng chéo... Trong khi đó bệnh viện tự lo cho sức khỏe cộng đồng, chứ không thể để người nhà thuê người. Khuyến cáo của WHO là hoàn toàn đúng vì bệnh viện phải chuyên nghiệp xanh - sạch - đẹp.

Nếu muốn tuyển thêm điều dưỡng cho các bệnh viện, theo ông Thường, là chuyện không phải dễ vì không đúng chỉ tiêu, không có pháp lý. "Chúng ta đang "cảm tính" với nhau, trong khi đó điều cần thiết là phải dựa vào văn bản pháp lý để tuyển dụng chứ nguồn lực được đào tạo không hề thiếu", ông Thường nói.

Cái khó là theo các chuyên gia, tuyển dụng rồi thì ai trả chi phí, bệnh viện hay người bệnh, chưa kể giá khám chữa bệnh hiện đang quá thấp. Thêm vào đó, việc cần điều dưỡng để chăm sóc toàn diện cũng cần phải có quy định rõ ràng vì có thể một số khoa, phòng cần có chỉ tiêu điều dưỡng cao hơn. Không có những quy định cụ thể như trên thì rất khó tìm điều dưỡng để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân.

Điều dưỡng "bơ vơ"

Ông Phạm Văn Học, phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho rằng số lượng điều dưỡng tại các bệnh viện chỉ được đánh giá là tạm đủ khi có sự tham gia chăm sóc bệnh nhân từ người nhà. Tuy nhiên người nhà chăm sẽ không tốt như những người đã được đào tạo, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ.

Vấn đề là nếu phải thuê điều dưỡng thì ai trả chi phí cho việc chăm sóc toàn diện này là vấn đề mấu chốt chứ hiện vấn đề này "bơ vơ". Bệnh viện công không có cơ chế để người nhà chi trả cho điều dưỡng.

Hiện nay ngân sách không cấp, kinh doanh không cho thì không thể nâng số lượng điều dưỡng lên được.

1 đêm trực, 2 điều dưỡng chăm sóc 70 bệnh nhân

Anh 4 xuanmai 1(Read-Only)

Điều dưỡng khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tranh thủ giờ nghỉ trưa để hoàn thành hồ sơ bệnh án của bệnh nhân - Ảnh: XUÂN MAI

Gắn bó với nghề điều dưỡng 10 năm tại một bệnh viện công lập tuyến cuối ở TP.HCM, chị N.T.P. đành viết đơn nghỉ việc cách đây hai tháng và sau đó xin vào làm việc hành chính ở một bệnh viện khác trên cùng địa bàn với mức lương 8 triệu đồng/tháng. "Tôi đâu thể dễ dàng bỏ công việc đã gắn bó suốt 10 năm. Trước một tuần nghỉ việc, tôi rất trăn trở, nghĩ thương bệnh nhân nhiều nhưng hoàn cảnh của mình cũng không ai chia sẻ được", chị P. tâm sự.

Nhắc lại chuyện nghề, chị P. chia sẻ, theo quy định, công việc bắt đầu từ lúc 7h và kết thúc lúc 16h, được nghỉ trưa một tiếng nhưng thực tế mới 6h30 đã có mặt, không được nghỉ trưa mà còn lại về trễ. Tại khoa, trung bình một điều dưỡng chăm lo cho khoảng 20 - 25 bệnh nhân. Những hôm trực đêm chỉ có hai điều dưỡng và chăm sóc cho hơn 70 bệnh nhân. "Điều này quá sức chịu đựng, có đồng nghiệp lao lực. Không chỉ tôi và nhiều điều dưỡng khác cũng nghỉ việc", chị P. nói và cho biết dù có mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng nhưng vất vả muôn phần.

Tương tự, chị N.T.T. (30 tuổi), từng là điều dưỡng làm việc tại bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội, cho hay chị được ký hợp đồng làm việc dài hạn với tổng thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng. Công việc hằng ngày là hướng dẫn bệnh nhân đến các phòng, khoa khám bệnh. "Nghe công việc có vẻ đơn giản vậy, nhưng hằng ngày tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân, cảnh làm dâu trăm họ", chị T. nói. Sau bảy năm không tăng lương, không tăng thu nhập do không có biên chế chính thức trong khi chi phí cuộc sống ngày càng tăng, chị T. đã xin nghỉ việc hai tháng trước. Hiện tại, chị làm việc ở một phòng khám tư với mức lương khởi điểm là 8 triệu đồng/tháng.

Cũng là điều dưỡng tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, chị K.P. (46 tuổi) cho hay nhiều lúc với những ca bệnh nặng, điều dưỡng luôn phải toàn diện trong khi mỗi điều dưỡng viên cũng phải tham gia vào quá trình quản lý nhiều bệnh nhân. Chỉ việc thực hiện y lệnh điều trị của bác sĩ đã không còn thời gian chăm sóc cho bệnh nhân.

Bác sĩ Đinh Hữu Hào, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), nói nguyên tắc khi thiếu điều dưỡng thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc bệnh nhân không ít thì nhiều. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định số bệnh nhân nhiều, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng nên yêu cầu công việc của điều dưỡng sẽ cao hơn.

Cũng theo bác sĩ Hào, tình trạng thiếu hụt điều dưỡng tại bệnh viện thường xuyên xảy ra. "Đa số điều dưỡng là nữ, khi họ có con nhỏ mà không được sự hỗ trợ từ gia đình thì thường chọn con đường nghỉ việc hay chuyển sang nơi khác mà không phải trực để cân bằng giữa việc nhà và công việc", bác sĩ Hào chia sẻ.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), ông Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc bệnh viện, cho hay sau dịch COVID-19, bệnh viện đối diện tình trạng thiếu hụt điều dưỡng vì họ xin nghỉ việc. Khó khăn của phần lớn điều dưỡng là lương còn thấp, không đủ chi trả trong sinh hoạt hằng ngày nhưng đảm đương nhiều việc. Trước tình trạng này, song song với việc tuyển điều dưỡng mới thì bệnh viện ra "cơ chế" tăng cường nhân lực. Người được tăng cường sẽ làm theo giờ và sẽ được tăng thêm thu nhập.

Nghề điều dưỡng cần lắm sự tỉ mỉ và tâm huyết Nghề điều dưỡng cần lắm sự tỉ mỉ và tâm huyết

TTO - Qua đại dịch, chúng ta có thể nhận thức được một điều rằng, không có hệ thống điều dưỡng thì sẽ không biết bao nhiêu sinh mạng mất đi trong giai đoạn đầu của chủng Delta vì chưa được tiêm vắc xin.

XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: điều dưỡng hộ lý