Đình Vĩnh Hội của thôn Vĩnh Hội (nay thuộc quận 4, TP.HCM) - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Ngày 11-2-1859 (mùng 8 tết Kỷ Mùi), 2.000 lính liên quân Pháp – Tây Ban Nha (trong đó có 450 quân Philippines) và 8 tàu chiến vất vả tiến vô sông Cần Giờ…
Cuộc tiến quân vất vả do sự phản kháng dữ dội của hàng chục đồn trại của quân dân Việt trên sông Cần Giờ - dù mỗi đồn chỉ vài chục đến 100 quân dân. Khoảng 100km phải mất gần 5 ngày.
Chiều tối 15-2-1859 (13 tháng giêng tết Kỷ Mùi), hai pháo đài cửa ngõ vô thành Gia Định là Vàm Cỏ (còn gọi là đồn Hữu Bình) và Cá Trê (còn gọi là đồn Tả Định, bên cạnh rạch Cá Trê ở Thủ Thiêm - nay thuộc quận 2, TP.HCM) đấu pháo dữ dội suốt đêm với các tàu chiến hiện đại của liên quân.
Quân dân đồn Hữu Bình còn dự tính đánh hỏa công bằng thuyền gỗ chở thuốc súng và rơm, nhưng bị liên quân phát hiện đốt trước khi thuyền hỏa công đến gần tàu chiến của họ. Cuộc đấu pháo diễn ra mãi cho đến tận trưa hôm sau, 16-2-1859 sau 2 đồn Tả Định và Hữu Bình mới thất thủ. Tàu liên quân tấn công thành Gia Định vào rạng sáng 17-2-1859 (nhằm ngày rằm tháng giêng tết Kỷ Mùi), đến trưa cùng ngày thì thành Gia Định thất thủ.
Đồn Hữu Bình nằm ở vị trí chân cầu Tân Thuận 1 ngày nay, trên địa bàn thôn Khánh Hội (thuộc huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định). Khánh Hội và Vĩnh Hội là 2 thôn xưa của đất Gia Định, nay nằm gọn trên địa bàn quận 4, TP.HCM.
Tranh của Pháp về tàu chiến Pháp nã súng tấn công thành Gia Định rạng sáng 17-2-1859 - Ảnh: Tư liệu
Khánh Hội - Vĩnh Hội xưa vẫn còn đây!
Theo Gia Đình Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thôn Khánh Hội là nơi tọa lạc miếu Thành Hoàng của tỉnh Gia Định, khá lớn, hăng năm đều có đại lễ cầu quốc thái dân an do các quan văn quan võ của tỉnh Gia Định chủ trì.
Theo các cụ bô lão trong ban quản trị đình Khánh Hội, miếu Thành Hoàng của tỉnh Gia Định nay là đình Khánh Hội (hiện ở 71- 73 Nguyễn Tất Thành, quận 4). Kiến trúc đình Khánh Hội hiện tại được xây lại vào khoảng năm 1930. Lễ kỳ yên của đình diễn ra theo cổ lệ: 14, 15 tháng 2 âm lịch hằng năm, có tế lễ cổ truyền và bà con cúng bái khá đông đảo.
Đường Xóm Chiếu ngày nay, không còn là xóm dệt chiếu bên cạnh khu đất sình lầy trồng cói nữa- Ảnh: HỒ TƯỜNG
Nếu thôn Khánh Hội nằm ven sông Sài Gòn thì thôn Vĩnh Hội ở phía Tây của thôn Khánh Hội, có trung tâm là đình Vĩnh Hội (242 Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM). Kiến trúc hiện nay cất lại khoảng năm 1970, còn giữ lệ kỳ yên vào ngày 12, 13 tháng 2 âm lịch.
Tuy nhiên, khi người Pháp đào kinh Tẻ, thôn Vĩnh Hội bị cắt ra, một phần thuộc quận 8, cho nên ngày nay trên địa bàn quận 8 có đình Vĩnh Hội với kiến trúc cổ xưa hơn. Có lẽ đình Vĩnh Hội ở quận 8 là ngôi đình xưa của thôn Vĩnh Hội nhưng do dòng kinh Tẻ làm cho ngôi đình thuộc địa bàn quận 8.
Nhà thờ Xóm Chiếu ngày nay khởi dựng từ năm 1856 trên vùng đất sình lầy trồng cói để dệt chiếu - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Cả hai thôn Khánh Hội và Vĩnh Hội ngày trước đều là vùng đất kinh rạch chằng chịt, hầu hết nhà ở của dân cư đều xây dựng theo kiểu nhà sàn cất cao ngay trên kinh rạch. Chỉ có một số nhà xây dựng trên mặt đất có ruộng lúa nhỏ hẹp bao quanh.
Một di tích xưa trên địa bàn thôn Khánh Hội còn lại đến ngày nay là nhà thờ Xóm Chiếu. Lịch sử của nhà thờ ghi nhận rằng nhà thờ đã được xây dựng trên khu vực trồng cỏ cói để dệt chiếu nên mới có tên gọi là Xóm Chiếu.
Pháp nhận thấy được sự thuận lợi của sông Sài Gòn và vùng đất Bến Nghé nên đã thành lập Thương cảng Sài Gòn ngày 22-2-1860, ngay trên vùng đất bờ sông của thôn Khánh Hội. Cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn, cách biển 45 dặm (83 km) với tổng diện tích 3.860.000 m2vào gồm 5 khu vực, với 20 cầu tàu; trong đó địa bàn bờ sông Sài Gòn thuộc thôn Khánh Hội có đến 11 cầu tàu.
Dân lao động tứ xứ đã kéo về Khánh Hội, Vĩnh Hội cư trú trong những nhà dựng kênh rạch chằng chịt khắp khu vực, để kiếm sống, như bốc xếp hàng hòa từ kho lên tàu hay ngược lại…Đến năm 1939, Sài Gòn trở thành cảng đứng hàng thứ 7 trong số các thương cảng của đế quốc Pháp.
Khu vực đồn Hữu Bình xưa, nay là đường Nguyễn Tất Thành, chân cầu Tân Thuận 1, thuộc quận 4, TP.HCM - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Đình Khánh Hội ở số 71 -73 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM vốn của thôn Khánh Hội, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định thời nhà Nguyễn - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Cầu Khánh Hội nối quận 1 với quận 4, xưa có tên gọi là cầu Quay, vì mỗi ngày phải quay khúc giữa cầu ngang qua để tàu bè qua lại - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Địa danh Khánh Hội còn đi đôi với sản phẩm "Giày Khánh Hội" nổi tiếng từ những năm 1940, khi vùng đất này đón nhận nhiều thợ giày tay nghề cao từ miền Bắc vào sinh sống.
Từ năm 1990 trở lại đây, cùng với sự thay đổi của đất nước, 2 thôn Khánh Hội và Vĩnh Hội thay đổi một cách thần kỳ, các kênh rạch đã được lấp đi, thay vào đó là nhà cao tầng, từng bước biến quận 4 thành quận ven có tầm cỡ, chứ không như xưa: xóm bùn lầy, nước đọng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận