29/01/2017 09:52 GMT+7

Cầu Kho, vùng đất và người Sài Gòn xưa trước khi Pháp vô

TS HỒ TƯỜNG
TS HỒ TƯỜNG

TTO - Có thể nói Cầu Kho là một trong những vùng đất xưa nhất của Bến Nghé (sau này là Sài Gòn, hiện là trung tâm TP.HCM) với những cư dân Việt đầu tiên định cư ở Sài Gòn với nhiều tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử...

Không ảnh cầu Kho 1955 cho thấy cầu Kho bắc ngang một con rạch nhỏ (nay là đường Hồ Hảo Hớn, Q.1, TP.HCM), nối ra đại lộ Võ Văn Kiệt chạy dọc rạch Bến Nghé hiện nay - Ảnh tư liệu 

Trong sách Bến Nghé xưa, nhà văn – nhà nghiên cứu Sơn Nam viết: “Cầu Kho là tên cây cầu bắc ngang qua con rạch ăn vào kho Quản Thảo”.

Tác giả “đoán chắc vị trí kho Quản Thảo thời xưa ở vị trí nhà thờ Cầu Kho ngày nay, trên nền đất còn cao ráo”…

Đất khởi dựng Bến Nghé xưa trước khi người Pháp vô hàng trăm năm

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, viết trong sách Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, cho biết rằng kho Quản Thảo lập bao giờ, không thấy sử ghi.

Sử chỉ ghi đại khái là trong miền Nam, đất mới, dân chúng khẩn hoang lập ấp còn thưa thớt, triều đình Chúa Nguyễn chưa thiết lập bộ máy hành chánh rõ ràng, nên mới lần hồi lập chín kho để thâu thuế rải rác từ Mỹ Tho tới Biên Hòa.

Đến năm 1741, mới thấy ghi đủ tên 9 kho là: Tân Thạnh, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Qui An, Qui Hóa, Tam Lạch, Bả canh, Hoàng Lạp và Quản thảo.

Quản Thảo là 1 trong 9 kho, và có lẽ là kho được lập đầu tiên.

Vị trí kho Quản Thảo (hay kho Giản Thảo) trên bản đồ Trần Văn Học 1815
Nhà thờ Cầu Kho đuộc phỏng đoán xây trên nền kho Quản Thảo xưa - Ảnh tư liệu

Trước năm 1788, kho này mang tên Quản Thảo dành riêng cho trấn Phiên An. Năm Mậu Thân (1788) mở rộng thêm ra làm kho chung cả 4 trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh và Định Tường “để thâu trữ thuế khóa, chi cấp lương bổng” (Trịnh Hoài Đức - Gia Định Thành Thông Chí, tập hạ).

Kho Bốn Trấn là tên mới của kho Quản Thảo, cách phía nam thành Gia Định 4 dặm rưỡi, ở một vị trí trung tâm và thuận tiện giao thông của Sài Gòn xưa.

Năm Ất Sửu 1805, nhà Nguyễn cho làm 6 dãy kho ngói cho kho Quản Thảo, ở giữa làm đền Tư Thương để thờ thần. Mặt tiền kho Quản Thảo có 4 cửa, hai bên tả hữu và mặt sau đều có 1 cửa, ngoài trồng rào tre, trước mặt giáp sông xây đá ong làm bờ cừ, hai bên trái phải và phía sau có sông nhỏ bao quanh.

"Kho Cẩm Thảo chứa thuế vua, mạch nước sữa dân ai dám phá" (Phú Cổ Gia Định - làm khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19).

Con sông nhỏ bao quanh kho Quản Thảo bắt nguồn từ khuôn viên công viên 23/9 gần đường Lê Lai ngày nay, chảy song song với đường quan lộ, đường cái quan xưa cổ (nay là đường Nguyễn Trãi), rồi quặt ra sát kho Bốn trấn để thông ra rạch Bến Nghé hiện nay.

Các cơ quan quân sự và hành chánh xưa nhất của Gia Định, chẳng hạn như dinh Điều Khiển… đều nằm trên khúc đường gần sông nhỏ Cầu Kho này. Kho Quản Thảo được vẽ rõ trên bản đồ Trần Văn Học 1815, ở một vị trí trung tâm và thuận tiện giao thông của Sài Gòn xưa.

Trịnh Hoài Đức, trong sách Gia Định Thành Thông Chí (viết khoảng đầu những năm 1820) ghi nhận: "Thời kỳ lưu dân mới tới mở đất, cho dân tùy tiện khai hoang lập ấp, để canh tác nông nghiệp khắp nơi, rồi tùy theo nghề nghiệp mà thu thuế “biệt nạp”.

Thuế biệt nạp là thuế công thương tính theo số hàng hóa quá cảnh hay số thợ từng nghề, từng nhóm. Thuế biệt nạp thâu bằng tiền và bằng hàng hóa. Ngay cả thuế ruộng đất cũng thu theo hình thức thuế biệt nạp.

Những cư dân đầu tiên trên đất Cầu Kho

Vùng đất có kho Quản Thảo từ lúc mới thành lập cho đến khi Sài Gòn, Gia Định bị người Pháp chiếm đóng vào năm 1859, ngoài quan lại và binh lính bảo vệ kho, còn lại chủ yếu là dân nghèo người Việt từ miền Trung vô mưu sinh trên vùng đất mới.

Những cư dân Việt sống xung quanh kho Quản Thảo lúc ấy chủ yếu sống bằng nghề khuân vác để đưa lúa, gạo ra vào kho. Họ sống trong những căn nhà sàn lợp lá ven sông rạch chung quanh Kho Quản Thảo, gọi chung là xóm Lá.

Ca dao Sài Gòn xưa: Kể từ chợ Sỏi trở vô - Xóm Lá là chợ, Thị Đô là cầu (xóm Lá hiện không còn, cầu Thị Đô nay là cầu Bà Đô trên đại lộ Võ Văn Kiệt).

Việc khuân vác lúa gạo không chiếm hết thời gian, chỉ tập trung cuối năm, khi vô mùa gặt nên những lưu dân người Việt một số sống thêm nghề làm thuê cho các điền chủ của đất Gia Định hay những chủ ghe thương hồ tới lui vùng Bến Nghé (khu vực trung tâm TP.HCM hiện nay).

Cũng có một số thợ thủ công từ bỏ quê cha, đất tổ Ngũ Quảng để mạo hiểm mưu sinh trên vùng đất mới, lập ra xóm nghề thủ công cho đất Bến Nghé, làm cốm, chế biến bắp…

Bài Phú Cổ Gia Định có nhắc đến xóm nhỏ nằm ngay trong khu vực Cầu Kho vốn là một xóm nghèo, tập trung nhiều người Việt sống tha hương cầu thực bằng nghề hành khất, cho nên mới có tên gọi xóm Cầu Khất: “Dưới đường đi cầu Khất, bỏ chi con trẻ lạc loài…”.

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã chào đời năm 1822 tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, được các nhà nghiên cứu khẳng định rằng làng Tân Khánh này ngày nay thuộc khu vực Cầu Kho.

Học giả Vương Hồng Sển viết trong sách Sài Gòn Năm Xưa rằng: khu vực Cầu Kho có gia đình họ Võ hứa gả con gái là Võ Phi Loan cho Nguyễn Đình Chiểu, nhưng sau không gả vì Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa sau khi hay tin mẹ mất.

Hồi làm ở Nhà truyền thống quận 1 những năm 1986-1987, đi thực địa khu vực Cầu Kho, chúng tôi ghé một con hẻm lớn ở đường Trần Đình Xu - con đường trung tâm của phường Cầu Kho hiện nay, thuộc Q. 1, TP.HCM), bà con tại chỗ chỉ chúng tôi vô một căn nhà xưa, cất theo lối năm gian, hai chái, mái lợp ngói âm dương rêu phong, trong nhà còn nhiều đồ đạc cổ xưa.

Người giữ nhà lúc đó chỉ là người làm còn chủ nhà thuộc dòng họ Võ đã định cư nước ngoài. Người giữ nhà cho biết đó đúng là căn nhà xưa kia từng kết thông gia với cha mẹ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhưng sau đã từ hôn.

Sau này, vào năm 1993, khi thực hiện công trình khảo sát kiến trúc cơ sở tín ngưỡng cho Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM, chúng tôi có trở lại thăm căn nhà họ Võ ở khu vực Cầu Kho, nhưng căn nhà đã bị phá đi, xây mới...

Nhìn chung, Cầu Kho là tên gọi của vùng đất xưa từng có cây cầu bắc ngang qua sông rạch để vô kho Quản Thảo được lập dưới thời các Chúa Nguyễn. Trên vùng đất đó, cùng với những cư dân nghèo của vùng đất Ngũ Quảng vô lập nghiệp, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã cất tiếng khóc chào đời...

... Ngày nay, tên Cầu Kho vẫn còn, nhưng chỉ còn là tên của một phường thuộc Q.1, TP.HCM.

 

Đón đọc bài 2: Đất và người Cầu Kho khi người Pháp thời Pháp hạ thành Gia Định 1858

TS HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên