13/02/2020 07:15 GMT+7

'Kháng thể' cho ngành du lịch

TRẦN TRUNG DÂN
TRẦN TRUNG DÂN

TTO - Các công ty du lịch lữ hành điêu đứng giữa mùa dịch bệnh. Hơn 7 tỉ USD là thiệt hại hữu hình, còn rất nhiều kiểu thiệt hại vô hình chưa thấy ngay được. Nhưng, nhìn tích cực hơn, đây là một liều thuốc để tăng cường sức khỏe cho ngành du lịch.

Kháng thể cho ngành du lịch - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham quan Bưu điện TP.HCM (Q.1) chiều 12-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thiệt hại lần này quá lớn, nhãn tiền, không có ngoại lệ và sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ. Dịch SARS cách đây gần 20 năm khiến ngành du lịch mất 9 tháng mới hồi phục, còn dịch Covid-19 thì sao?

Như "bom nổ chậm"

Dịch bệnh đến giữa mùa lễ hội, du xuân, hành hương. Hàng không vẫn hoạt động, các nhà hàng, tuyến điểm vẫn đón khách nhưng du khách Việt không đồng ý hoãn chuyến, chỉ muốn hủy tour và không chịu thiệt hại. Đồng nghiệp trong ngành đều trong tình cảnh chới với. 

Ngoài thiệt hại bằng tiền, còn lắm kiểu thiệt hại khác. Chẳng hạn như các doanh nghiệp đều căng mình với việc thương lượng với khách và giải quyết mọi thứ liên quan. 

Mất tiền đã đành, còn phải mất quá nhiều thời gian, tâm sức giải quyết mọi sự cố khi hủy tour. Cư xử không khéo, khách nổi giận sẽ thành "điểm xấu khó gỡ" cho uy tín của công ty lữ hành.

Lúc các doanh nghiệp chới với giữa khó khăn chồng chất cũng là lúc nhìn thấy rõ hơn hình ảnh của các nhóm "thượng đế" ngành du lịch. Có những chia sẻ, nhưng cũng không ít khách Việt làm quá, làm dữ... và doanh nghiệp cũng phải chiều chuộng để tránh điều tiếng ồn ào. 

Thiệt hại của ngành du lịch dù đã thấy trước mắt nhưng vẫn như "bom nổ chậm", tổn thất không của riêng ai. 

Tôi biết có những nhân viên làm du lịch nay chuyển sang đi bán dưa hấu, thậm chí bán khẩu trang. Có những công ty không tiền chi lương đã phải đi vay nhưng không thể cắt giảm nhân sự vì nếu cho nghỉ thì sau này tìm đâu ra người (và việc cho nghỉ việc cũng không đúng luật). 

Có doanh nghiệp mượn lại tiền thưởng tháng giêng của nhân viên để có kinh phí hoạt động trong mùa thưa vắng khách này.

Các lễ hội xô bồ, bát nháo nếu dừng luôn (thay vì tạm) càng tốt. Còn các điểm tham quan bình thường sao cứ phải đóng cửa từ chối khách? Thay vì hoảng hốt cấm cửa, nên chủ động phòng chống bằng các biện pháp tích cực như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.

"Giải cứu" du lịch: từ đâu?

Khó khăn có thật nhưng nếu nhìn tích cực sẽ thấy có những cơ hội cho ngành du lịch phục hồi. Có một thực tế đáng suy nghĩ: khách Việt không đi du lịch (ngay cả đi trong nước) nhưng khách Tây vẫn đi bình thường.

Đây không phải là dịch bệnh đầu tiên và không phải là cuối cùng có thể xảy đến. Việc phát hiện và điều trị bệnh dịch ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Nhiều ca bệnh được chữa trị thành công. Đóng băng du lịch nội địa có phải uổng phí không? 

Du lịch nước ngoài cũng vậy. Đây không hẳn là thời điểm không tốt để du lịch cả trong và ngoài nước. Đi du lịch mùa vắng, vừa được khuyến mãi giá rẻ hơn vừa được hưởng dịch vụ và chăm chút tốt hơn. 

Có thể không đi Trung Quốc hay những nơi có nguy cơ lây nhiễm. Nhưng nhiều nơi (như ĐBSCL chẳng hạn) chưa có ca lây nhiễm nào, vậy tại sao không đi?

Thật khó cho các đơn vị lữ hành khi khách Việt chọn ở nhà. Nhưng ai sẽ giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn này ngoài chính họ! 

Đây là một lần tổng duyệt ứng phó, cơ hội thử thách bản lĩnh của lãnh đạo doanh nghiệp du lịch và sự gắn bó, chung sức, sáng tạo, vượt khó của từng người làm du lịch. Sao chỉ kêu khổ? Kêu than cũng chẳng ích gì, phải tồn tại rồi mới tính chuyện phát triển. Đây cũng là lúc sàng lọc lại các doanh nghiệp du lịch.

Giữa tâm bão thiệt hại, có doanh nghiệp du lịch đã gửi tâm thư cho tất cả nhân viên, công ty chấp nhận lỗ. "Cam kết không cắt lương, không giảm nhân sự. Tất cả đồng lòng, chắt chiu cơ hội, tiết kiệm chi phí, huấn luyện nhân lực, dồn sức thực hiện các dự án để chuẩn bị tăng tốc khi hết dịch". 

Có bị bệnh mới biết quý sức khỏe, gian nan thử sức, khó khăn thử doanh nghiệp. Dịch bệnh corona là dịp các doanh nghiệp nhìn lại để điều chỉnh nhiều việc trong đơn vị mình trước hoàn cảnh mới.

Khách hàng là người thân

Anh bạn tôi, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành lớn tại TP.HCM, nói rằng công ty cố gắng ứng xử theo hướng xem khách hàng như người thân, trân trọng khách để cùng có lợi. Và "người thân" sẽ chia sẻ cùng nhau trong cảnh ngộ khó khăn. Nhường người thân một chút để khách không thiệt, trung thực với khách.

Du khách Việt hiểu biết sẽ chia sẻ những khó khăn chung, sẽ không khoát tay từ chối nếu họ thấy những nỗ lực của ngành du lịch như cách người Việt đã chung tay chia sẻ khó khăn khi nông dân điêu đứng vì nông sản không bán được.

Tái khởi động ban chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch Tái khởi động ban chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch

TTO - Hiệp hội Du lịch TP.HCM vừa tái khởi động ban chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch, chuẩn bị cho kế hoạch kích cầu lớn, giảm giá tour nhiều nhất có thể, tung ra ngay khi dịch nCoV kết thúc nhằm vực dậy thị trường.

TRẦN TRUNG DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên