Tối 30-7, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt mang tên Miền xa thẳm, kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2024).
Chương trình do nhà báo Ngô Thanh - giám đốc Trung tâm các chương trình giải trí của Đài Hà Nội - làm tổng đạo diễn và tác giả kịch bản, nhằm tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc.
Những tâm huyết dành tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ
Chương trình cho thấy sự công phu, tâm huyết của toàn bộ ê kíp.
Ngoài Cung Hữu nghị Việt Xô, chương trình còn kết nối với 5 điểm cầu trên khắp cả nước: Đền thờ anh hùng liệt sĩ điểm cao 468 (Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).
Trong chương trình, xen kẽ giữa những ca khúc ngợi ca công lao và sự hy sinh to lớn của những người lính, ca ngợi quê hương đất nước… là những phóng sự, tiểu phẩm xúc động.
Đó là ca mổ đau đớn nhất trong đời người của bác sĩ Vũ Đình Tụng (bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh đầu tiên).
Đó là Vụ hành quyết Sài Gòn (nhân vật chính Bảy Lớp trong bức ảnh gây chấn động thế giới mang tên Vụ hành quyết Sài Gòn).
Đọc những trang thư báo ngày hòa bình của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, hay câu chuyện tình đẹp và nhiều mất mát, hy sinh của người vợ thủy chung ở hậu phương với người chồng đã ngã xuống ngoài mặt trận cho Tổ quốc…
Đặc biệt tiểu phẩm Bức tâm thư gửi cho hậu thế lấy đi nhiều nước mắt của khán giả xem trực tiếp tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô và xem qua truyền hình trực tiếp.
Đó là câu chuyện cảm động về bức thư được tìm thấy sau chiến tranh giữa rừng già Nam Bộ bên thi thể của ba người lính nằm trên võng.
Ba người lính ấy đã thay nhau viết bức thư gửi hậu thế trước thời khắc hy sinh trong rừng già.
Chương trình cũng mang đến những hình ảnh xúc động nhạc sĩ Trương Quý Hải hát cùng một người lính, một đồng đội, những bài hát do ông sáng tác để gọi về những đồng đội thân yêu.
Lần đầu trình diễn bản gốc ca khúc Hát Giang trường hận - tiền thân của bản Hồn tử sĩ
Cùng với những tiểu phẩm, phóng sự tài liệu, những bài hát đi cùng năm tháng về những anh hùng, những người lính, những thương binh, liệt sĩ đã mang lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho người xem.
Khán giả được nghe lại những ca khúc trữ tình cách mạng đã thành kinh điển và cả những sáng tác mới như: Màu hoa đỏ (Thuận Yến), Hát Giang trường hận, Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Lời anh vọng mãi ngàn năm, Dáng đứng Việt Nam, Bài ca bên cánh võng, Miền xa thẳm, Về đây đồng đội ơi, Hát cho người còn sống, Lũy đá bất tử, Bóng chiều Tây Nam, Tổ quốc gọi tên mình, Linh thiêng Việt Nam.
Các liên khúc: Người Mẹ của tôi - Huyền thoại Mẹ, Bế Văn Đàn sống mãi - Cùng anh tiến quân trên đường dài, Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh - Đồng đội ơi.
Lần đầu tiên bản gốc của ca khúc Hát Giang trường hận - tiền thân của bản Hồn tử sĩ nổi tiếng - được trình diễn như một tác phẩm độc lập, được phối khí hiện đại.
Ca khúc Bóng chiều Tây Nam của nhạc sĩ Trương Quý Hải hướng về những chiến sĩ tình nguyện đã hy sinh tại chiến trường Campuchia, khác với những ca khúc trước đây của ông thường gắn liền với hình ảnh những người lính bảo vệ biên giới phía Bắc.
Các nhạc phẩm đều được nhạc sĩ Thành Vương phối khí, dàn dựng công phu cho dàn nhạc bán cổ điển tạo lên cảm xúc hùng tráng hơn cho các bài hát quen thuộc.
Các tác phẩm được thể hiện bằng những giọng hát được yêu thích như NSND Tấn Minh, NSND Mai Hoa, NSƯT Vũ Thắng Lợi, Đông Hùng, Bảo Yến, Viết Danh, Dàn nhạc thính phòng Thăng Long…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận