30/12/2016 09:31 GMT+7

Khẩn cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

T.PHÙNG - Đ.DÂN - L.KIÊN
T.PHÙNG - Đ.DÂN - L.KIÊN

TTO - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định có thể tăng gấp đôi năng lực cho sân bay. Hàng loạt dự án mở rộng, giải tỏa ách tắc cho cảng hàng không đông nhất cả nước này đã được công bố.

Máy bay xếp hàng đợi lấy khách tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.T.D.
Máy bay xếp hàng đợi lấy khách tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.T.D.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm nhưng năm 2016 đã đạt 32 triệu hành khách/năm (tăng 28%). Trong khi đó, đến năm 2025 mới có thể khai thác sân bay Long Thành.

Gấp rút tăng năng lực cho Tân Sơn Nhất

Ngày 29-12, tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp với các bên liên quan về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 30-12.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM khẩn trương làm quy hoạch mở rộng sân bay này.

“Hiện sân bay Tân Sơn Nhất quá tải trầm trọng, phải nâng công suất lên 40-50 triệu khách/năm, điều này hoàn toàn có thể làm được” - Phó thủ tướng nói.

Trả lời Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận để Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng không trong khi chờ Long Thành là bài toán lớn và Chính phủ đang phải vào cuộc rất mạnh mẽ. Bởi Tân Sơn Nhất có vai trò quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Ông Thanh cho biết thuận lợi lớn nhất là sau khi có quyết định của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng đã di dời hoạt động bay huấn luyện quân sự ra khỏi các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài.

Tại Tân Sơn Nhất, hiện toàn bộ hoạt động bay huấn luyện của không quân đã chuyển về sân bay Biên Hòa để ưu tiên cho hoạt động bay dân dụng nên năng lực vùng trời tăng lên.

Ngành hàng không cũng thực hiện đường bay song song Bắc Nam, áp dụng phương thức dẫn đường, điều hành bay mới, từ bay bằng thiết bị sang bay vệ tinh từ đầu tháng 11-2016. Điều này đã giảm được 24% số chuyến bay chờ, giảm 42% thời gian phải bay chờ.

Tuy nhiên, do hạn chế cấu hình khu bay (gồm khu cất hạ cánh và các sân đỗ máy bay) nên Tân Sơn Nhất vẫn bị ách tắc. Lý do, khu bay hiện nay không thoát được máy bay dưới đất nhanh nên máy bay bên trên không xuống nhanh được.

Vì vậy, “dù có 3 nhà ga thì Tân Sơn Nhất cũng chỉ khai thác được 35 triệu hành khách/năm” - ông Thanh nói và nêu Bộ GTVT đã báo cáo chủ trương xây thêm một đường lăn song song bên cạnh 2 đường lăn hiện tại.

“Các đường lăn này hoàn thành thì máy bay không phải đợi nhau ra - vào như hiện nay. Khi đó sẽ đảm bảo nâng công suất Tân Sơn Nhất dần dần lên 38 triệu hành khách vào năm 2019” - ông Thanh nói.

Việc còn lại là phải lo đầu tư. Ông Thanh khẳng định ngành hàng không đang cố gắng “giật gấu vá vai” để nâng công suất cả nhà ga nội địa và quốc tế của Tân Sơn Nhất.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách quốc tế T2 Tân Sơn Nhất, nâng công suất từ 10 triệu hành khách/năm lên 13 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành tháng 12-2016, nâng tổng công suất hệ thống hai nhà ga T1 và T2 lên 28 triệu khách/năm (hiện là 25 triệu khách/năm).

Thủ tướng đã đồng ý chủ trương bàn giao khu 21ha quân sự cho Bộ GTVT để mở rộng sân đỗ máy bay.

Tuy nhiên, ông Lại Xuân Thanh công nhận hiện Bộ GTVT mới đang làm việc với Bộ Quốc phòng để... nhận bàn giao. Sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng vị trí đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất đạt 96 vị trí.

Các phương án giải quyết tình trạng kẹt xe và quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất - Đồ họa: Vĩ Cường
Các phương án giải quyết tình trạng kẹt xe và quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất - Đồ họa: Vĩ Cường

Thêm nhà ga mới cho Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không cho biết Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương cho triển khai dự án xây dựng nhà ga lưỡng dụng công suất 10 triệu hành khách/năm trên khu đất 3ha được bên quốc phòng bàn giao.

Hiện Công ty cổ phần lưỡng dụng Ngôi Sao Việt đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, được Cục Hàng không góp ý, Quân chủng phòng không không quân thẩm định và đã báo cáo Bộ Quốc phòng.

Theo tiến độ dự kiến, dự án khởi công trong quý 1-2017 và hoàn thành trong 12 tháng. Tổng công suất thiết kế của nhà ga T1, nhà ga T2 và nhà ga lưỡng dụng sẽ đạt 38 triệu hành khách/năm.

Đặc biệt, theo Cục Hàng không, với khu vực hàng không dân dụng, phương án điều chỉnh quy hoạch đã đặt ra việc xây mới nhà ga hành khách T4 tại khu đất của sư đoàn 370, trung đoàn 918 đang quản lý sử dụng.

Với diện tích khu đất khoảng 15ha, dự kiến sẽ xây dựng được nhà ga T4 công suất đạt khoảng 10 triệu hành khách/năm. Nâng tổng công suất toàn bộ nhà ga theo thiết kế tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất đạt khoảng 48 triệu hành khách/năm.

Để có giao thông tiếp cận nhà ga T4, các cơ quan liên quan cũng thống nhất sử dụng đường từ đường Cộng Hòa qua sư đoàn 370 để làm đường tiếp cận ra - vào nhà ga.

Đoạn đường này đang là đường nội bộ sư đoàn 370 với chiều rộng làn đường khoảng 10,5m, kết cấu bêtông nhựa và đang hoạt động tốt.

Đề nghị làm trạm trung chuyển ngoài sân bay

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết để thực hiện điều chỉnh quy hoạch nhằm nâng công suất Tân Sơn Nhất, việc cần làm trong thời gian tới là khảo sát, đánh giá lại quỹ đất, phương án đền bù cho các đơn vị đóng trên đất quốc phòng.

Tuy nhiên, để nâng được công suất sân bay còn phụ thuộc việc TP.HCM đầu tư, cải thiện giao thông kết nối với sân bay.

“Việc xây dựng thêm nhà ga, sân đậu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì không khó vì có nhiều nhà đầu tư muốn làm. Nhưng quan trọng nhất là bố trí được quỹ đất và giải tỏa được để làm thêm đường giao thông bên ngoài tăng cường kết nối với sân bay” - ông Nhật cho biết.

Theo ông Trần Doãn Mậu - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cơ quan này đã đề xuất làm các trạm trung chuyển vệ tinh ở khu vực công viên Gia Định và đường Hoàng Hoa Thám (chỉ cách sân bay 500m).

Theo ông Mậu, các trạm trung chuyển này khách có thể mua sắm, đợi giờ bay, làm thủ tục check-in, ký gửi hành lý... Từ đó, xe buýt và xe điện sẽ đưa khách thẳng ra sân bay để bay ngay.

Tại đây có thể kết hợp bãi đậu xe cao tầng cho khách, có điểm để taxi, xe điện, xe buýt đón khách. Nhà ga vệ tinh cũng giúp giải tỏa được lượng khách, taxi vào sân bay.

“Bãi để xe chỉ cần 6-7 tháng là xong, như nhà để xe chúng tôi đã triển khai làm nổi ở sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 6 tháng là xong. Quy mô đầu tư các trạm trung chuyển này chỉ tầm 500-700 tỉ là thực hiện được, trong khi làm nhà ga thì mất 3.000-4.000 tỉ và phải mất 2-3 năm trời” - ông Mậu nói.

Vẫn khó tránh ách tắc tết này?

Dù nhiều kế hoạch được đưa ra, nhưng trong dịp tết này tình hình ùn tắc vẫn nhiều nguy cơ căng thẳng. Theo ACV, để đáp ứng khai thác Tân Sơn Nhất dịp tết, đơn vị này đã tăng cường công tác chuẩn bị phục vụ.

Theo đó, tại nhà ga quốc nội đã quy hoạch lại khu kinh doanh ở sảnh B giúp tăng diện tích phòng chờ lên... 400m2, lắp đặt thêm 3 máy soi chiếu hành lý xách tay, 3 cổng từ (tổng cộng là 8 vị trí an ninh soi chiếu) và bổ sung 250 ghế (tổng cộng 1.000 ghế) tại khu vực sảnh B và các khu vực phòng chờ...

Ngoài ra, ACV cũng lắp đặt thêm các quầy check-in (làm thủ tục chuyến bay) tự động ở khu vực làm thủ tục của Vietnam Airlines và Vietjet, tổng cộng sẽ có 21 máy check-in tự động (Vietnam Airlines 8 máy, Vietjet 13 máy). Tại sảnh đi nhà ga quốc tế cũng sẽ lắp 13 quầy check-in tự động.

Đặc biệt, ACV nêu sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 13-1 đến hết ngày 6-2-2017 của các quầy hàng tại khu vực đảo A-B, đồng thời sẽ lắp đặt thêm 2 quầy trợ giúp thông tin cho hành khách.

Để đảm bảo chất lượng, dịch vụ phục vụ hành khách, ACV huy động 100% quân số trực, không giải quyết nghỉ phép, nghỉ bù trong giai đoạn 2 tuần trước và sau tết. Nhân lực vận hành trang thiết bị băng chuyền, hệ thống điện, kiểm tra an toàn thực phẩm... cũng sẽ được tăng cường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sẽ vẫn khó loại trừ khả năng ách tắc cục bộ dịp tết này. Và sẽ phải có phối hợp rất tốt, huy động tổng lực các phương tiện, con người mới tránh được khả năng ách tắc, ùn ứ tại Tân Sơn Nhất.

Tăng hơn 11.000 khách/ngày dịp tết ở Tân Sơn Nhất

Căn cứ lịch bay của các hãng hàng không từ ngày 20-1 đến 10-2-2017, ACV dự kiến tổng lượng hành khách qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất vượt hơn 2,5 triệu hành khách, Nội Bài hơn 1,506 triệu, Đà Nẵng hơn 600.000...

Số chuyến bay dịp trước tết ở Tân Sơn Nhất dự kiến tăng rất mạnh. Theo ACV, các ngày cao điểm dịp trước tết (từ 26 đến 28 tháng chạp) sẽ có tới 742 - 748 lượt chuyến bay/ngày (tăng 68 lượt so với tết 2016).

Ngày 27 tháng chạp, Tân Sơn Nhất ước tính sẽ có tới 108.340 khách (tăng 9.849 hành khách so với ngày cao điểm nhất năm 2016).

Sau tết tình hình còn “căng” hơn. Ngày cao điểm theo tính toán rơi vào mùng 6 và 7 tháng giêng, sẽ có khoảng 770 - 799 lượt chuyến bay/ngày (tăng 70 - 73 lượt so với ngày cao điểm nhất năm 2016), ước tính lượng hành khách trong 2 ngày này ở Tân Sơn Nhất sẽ trên 123.000 hành khách (tăng trên 11.222 hành khách so với ngày cao điểm nhất năm 2016).

TUẤN PHÙNG

T.PHÙNG - Đ.DÂN - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên