02/12/2011 09:18 GMT+7

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ 1: Khát khao sống thật

TIẾN HÙNG - MAI VINH
TIẾN HÙNG - MAI VINH

TT - Khi mà phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã thành công vang dội, mở ra cánh cửa đối với người bị vô sinh có khả năng tài chính khá, thì tại Bệnh viện Bình Dân, ông và đồng nghiệp âm thầm mở tiếp một cánh cửa khác: vi phẫu thuật trị vô sinh, mở ra hi vọng cho hàng triệu đàn ông hiếm muộn với chi phí ít hơn.

Ông được xem là một trong những người kế tục và phát triển ngành nam khoa ở Việt Nam.

ug8aPrwd.jpgPhóng to
BS Như (giữa) trong một buổi hội chẩn nam khoa - Ảnh tư liệu

Năm 2006, bác sĩ Nguyễn Thành Như tiếp một ca đặc biệt. Chàng thanh niên cao to đẹp trai chỉ nói một nguyện vọng duy nhất của mình: “Bác sĩ làm ơn giúp để sau này em có thể qua đời như một người đàn ông!”. Đối với ông, những lời kêu cứu đó như tiếng vang của một khát khao bình thường nhất của con người.

Bác rất muốn giúp con...

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Như tốt nghiệp chuyên ngành ngoại - sản, Đại học Y dược TP.HCM năm 1988. Được đào tạo chuyên ngành tiết niệu tại Bệnh viện Bình Dân và Đại học Y dược TP.HCM từ 1988-1992, sau đó học và nghiên cứu tiếp tại Pháp, Thụy Sĩ, Anh và Hà Lan. Lĩnh vực hoạt động chính của ông từ năm 1999 là nam khoa. Thành quả lớn nhất là việc áp dụng hiệu quả vi phẫu thuật trong điều trị vô sinh nam, xây dựng và phát triển thành công khoa nam học (đầu tiên ở Việt Nam) tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM.

...”Hơn hai năm trước, cháu hằng tuần ghé Bệnh viện Bình Dân gặp bác để làm hội chẩn, để làm xét nghiệm và đủ thứ thủ tục khác. Có lẽ bác cũng không nhớ cháu đâu, vì bác có hàng ngàn bệnh nhân khác. Cháu là X., một trường hợp bị rối loạn giới tính, có mong muốn làm phẫu thuật để được sống thật với chính mình.

Cháu phải sống từ nhỏ trong lốt một người con gái, để rồi mỗi ngày tự nhìn vào gương, cháu thấy lòng quặn thắt khi không biết mình thuộc giới tính nào và tại sao cháu phải chịu những nỗi giày vò như thế. Cháu từng tự tử nhưng không thành. Cháu cứ nhớ hoài những lời bông đùa, trêu chọc của những người cháu gặp tại TP.HCM. Họ là những nhân viên giữ xe, người bán hàng, hay thậm chí là gia đình và bà con hàng xóm. Họ bảo cháu pêđê, đồng tính, bệnh hoạn.

Có lẽ không ai có thể hiểu được cảm nhận của cháu mỗi khi nỗi đau của mình bị người khác chà đạp, bỡn cợt như thế. Và cháu đã tìm đến bác sĩ với hi vọng thật nhiều. Sau khi làm xét nghiệm karyotype tại nhiều nơi, cháu có đưa mẹ đến gặp bác sĩ theo lời đề nghị. Sau cuộc gặp đó, cháu không xuất hiện nữa. Gia đình cháu không ủng hộ cháu trong chuyện này và sau đó cháu đi Mỹ du học. Ở Mỹ, cháu có thể bộc lộ sở thích ăn mặc, đi đứng, nói năng của mình một cách thoải mái. Mọi người ở đây cũng rất cởi mở, thân thiện. Nhưng rồi khi nhìn lại, cháu vẫn đau đáu với sự trớ trêu về giới tính của mình.

... Trước đây, cháu tin bác sĩ là người có thể giúp đỡ cháu, kéo cháu ra khỏi vũng lầy đau khổ này. Nhưng rồi cháu đã phải vùi mình trong sự thất vọng tột cùng. Nhưng cháu không hiểu tại sao, cho đến tận giây phút này, hình ảnh ông bác sĩ trung niên với giọng nói ấm áp và ánh mắt nồng hậu ấy vẫn còn trong ký ức cháu. Ở một khoảnh khắc nào đó, dường như bác sĩ muốn nói với cháu rằng: “X., bác rất muốn giúp con, nhưng pháp luật không cho phép”.

Tháng 5-2011, bác sĩ Như nhận được một email đầy chân thành của cô gái này. Làm sao ông không nhớ được một cô gái xinh đẹp, hiền lành, học hành rất giỏi. Hai năm trước, cô đến khoa nam học một mình, mang theo một ước nguyện rằng cô muốn có được giới tính thật của mình. Câu chuyện mạch lạc, rõ ràng và dứt khoát. Bác sĩ Như lẳng lặng lắng nghe. Ông thấy trong cô gái ấy có cả một niềm kiên quyết tột cùng. Và, như bao ca khác, ông đề nghị được gặp mẹ cô gái. Người mẹ, một nữ trí thức, có địa vị xã hội khá cao. Bà lắng nghe bác sĩ Như với thái độ chân thành. Nhưng rồi câu chuyện không thể tiến triển được: tại VN, thầy thuốc lắc đầu trong chuyện chuyển giới, không phải vì khả năng chuyên môn mà vì pháp luật không cho phép.

Còn gia đình cô gái, họ hiểu và thông cảm hoàn toàn với con gái mình nhưng trong dòng tộc, cô là một sự kỳ vọng. Với đàn em, cô là tấm gương được nêu ra về sự giỏi giang và cố gắng. Áp lực đó đã đóng khuôn hình ảnh và thân phận cô gái này. Chọn con đường du học nhưng ở Mỹ, chính cô lại gửi gắm kỳ vọng và lời cầu cứu về lại cho vị bác sĩ của mình. Ông trở thành nhịp cầu mở ra niềm hi vọng. Ông giới thiệu cô với những người thầy bác sĩ hàng đầu về chuyển giới ở Hà Lan và Mỹ. Cô gái có nói với ông rằng cô sẽ dùng khả năng của mình để làm cho xã hội phải hiểu, cảm thông và chấp nhận về sự xuất hiện của những người như cô.

Câu chuyện số phận

Với bác sĩ Như, những câu chuyện đầy tính thân phận con người luôn luôn xuất hiện. Tất cả hiện ra trên bàn mổ, trên những ca tư vấn đặc biệt hay những dòng tin trên báo chí. Một ngày nào đó, ông mở cửa và thấy những học sinh cấp III hoặc thậm chí cấp II lặng lẽ đến bảo với ông rằng: “Cháu là người đồng tính bác sĩ ơi!”. Sau những giờ tư vấn, ông đều yêu cầu gặp cha mẹ cháu bé. Có nhiều cháu về đưa cha mẹ tới, có em lặng lẽ rút lui sau cái lắc đầu: “Ba má cháu không hiểu đâu bác ơi!”.

Những bậc cha mẹ mà ông gặp, đầu tiên là sự giận dữ hoặc không thể hiểu được, rồi sau đó ra về với sự cảm thông. Nhưng có những câu chuyện kết thúc theo một hướng khác. Một anh chàng cao to đến nhờ ông phẫu thuật chuyển giới. Khi biết rằng việc đó sẽ không bao giờ thực hiện được vì luật không cho phép, năm năm sau ông nghe tin cậu qua đời. Rất nhiều bi kịch có thể diễn ra một khi có trục trặc về giới tính. Những câu chuyện, những tiếng kêu trớ trêu của số phận luôn là một thách thức mà nhiều khi một bác sĩ như ông chỉ có thể bất lực đứng nhìn.

Hỏi ông một định nghĩa dễ hiểu về nam khoa, BS Như nói đơn giản: Nam khoa giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến cơ quan sinh dục. Nếu hai chức năng sinh sản và tình dục có vấn đề bất thường, nó sẽ là chuyện của nam khoa. Và đó là cả một câu chuyện có thể bao trùm cuộc sống con người.

Nhưng với bác sĩ Như, quan điểm của ông là sự dứt khoát: “Công việc của tôi là trị bệnh, giải quyết những nhu cầu có thật của con người. Bác sĩ sẽ làm cho một người đàn ông dị tật, bất lực hoặc vô sinh... có thể phục hồi để trở về với câu chuyện gia đình mình. Dứt khoát nó không phải là câu chuyện “lấy le” hoặc làm đỏm”. Ông không thích ai đề cập chuyện “kéo dài” hoặc làm vài trò phẫu thuật gì đó để đáp ứng nhu cầu quái dị. Đối với ông, những bệnh nhân sắp hàng trước cửa khoa kia, họ cần nhiều thời gian hơn cho những khát khao con cái, khát khao được trở thành một người đàn ông bình thường giữa cuộc sống này...

------------------------------------------------------

Thành lập khoa nam học, sứ mệnh mà BS Như và đồng nghiệp nỗ lực là thực hiện vi phẫu để trị vô sinh nam, mở ra một cánh cửa hi vọng cho hàng triệu con người.

Kỳ tới:Cánh cửa vi phẫu

TIẾN HÙNG - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên