06/09/2013 06:00 GMT+7

Khai trường chưa trọn vẹn

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TT - Không khí “ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” với biểu ngữ, cờ hoa, bóng bay và tiếng nhạc rộn rã như ngập tràn đường phố TP.HCM trong sáng 5-9.

e4DX2nXy.jpgPhóng to
Do trường chưa xây xong nên học sinh Trường THCS Tân Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM phải dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Phạm Văn Chiêu sáng 5-9 - Ảnh: Như Hùng

Chuyện tưởng là lạ nhưng rất phổ biến tại TP.HCM. Số dân nhập cư đông, trường lớp không xây kịp tiến độ gia tăng dân số cơ học, hầu hết trường học ở các quận đông dân đều quá tải. Việc một nửa học sinh phải ở nhà, ngồi hành lang, khai giảng nhờ ở trường khác... là chuyện lực bất tòng tâm của các ban giám hiệu.

* TP.HCM: mượn trường làm khai giảng

Phải rất vất vả giáo viên của Trường tiểu học An Hội, Gò Vấp mới sắp xếp và ổn định chỗ ngồi cho hơn 3.000 học sinh dự lễ khai giảng. Trường tiểu học được coi là “lớn nhất thành phố” với 93 lớp, 4.400 học sinh này phải tận dụng cả hành lang trước cửa các lớp học để làm chỗ ngồi. Một dãy ghế gỗ được bố trí ở phía sau để những học sinh ngồi cuối hàng có thể nhìn thấy sân khấu. 8g, nắng bắt đầu lên, học sinh được dời vị trí, ngồi nép vào những bóng cây bàng, cây phượng râm mát. Những học sinh lớp 1 không chịu ngồi yên, í ới gọi bạn như bầy ong đang chờ vỡ tổ. Mà gọi là đàn ong nhỏ cũng không sai, khi Trường An Hội năm học này có tới... 21 lớp 1 (tổng số gần 1.000 em) nhập học. Những học sinh được xếp vào lớp 1/20 và 1/21 chắc hẳn sẽ rất ấn tượng với tên lớp nghe rất... dài của mình. Trường quá đông nên chỉ học sinh lớp 1 và lớp 5 được dự khai giảng toàn bộ, các lớp 2, 3 và 4 chỉ cử đại diện mỗi lớp 20 em. Những em không được dự khai giảng sẽ được nhà trường “đền bù” bằng việc tham gia một ngày lễ lớn khác của trường (như 20-11 chẳng hạn). Ngày lễ kế tiếp, những học sinh lớp 2 đến lớp 4 đã dự khai giảng sẽ phải ở nhà để nhường chỗ cho bạn mình.

Như ở Trường tiểu học Trần Quang Khải ngay trung tâm quận 1, không học sinh nào được dự hết năm lễ khai giảng trong năm năm học tiểu học của mình. Năm này dự thì năm sau ở nhà, nhường cho những bạn khác. Sân trường chỉ chưa đầy 100m² nên dù một nửa số học sinh đã ở nhà, những học sinh còn lại vẫn phải xếp hàng chen chúc chứ không được đứng ngồi thoải mái. Thế nên lễ khai giảng dù có nhạc có hoa vẫn có chút gì chưa vui trọn vẹn đối với cả người lớn lẫn trẻ con.

Còn học sinh Trường THCS Tân Sơn, Gò Vấp đã cười ồ khi người dẫn chương trình trong lễ khai giảng giới thiệu khách mời của ngày lễ khai giảng là thầy hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Chiêu, bởi nói hiệu trưởng trường này là khách mời cũng đúng, mà là chủ nhà cũng đúng. Chậm tiến độ xây dựng nên Trường THCS Tân Sơn đã tuyển được 480 học sinh lớp 6 nhưng không kịp khánh thành. Học sinh phải tạm thời học nhờ tại Trường Phạm Văn Chiêu trong khi chờ Trường Tân Sơn xây xong (dự kiến hoàn thành vào học kỳ II của năm học này). Trường Phạm Văn Chiêu buộc phải khai giảng sớm từ trước hai ngày và nghỉ học toàn trường vào ngày 5-9 để nhường sân trường cho trường bạn tổ chức khai giảng. Một giáo viên tâm tư: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, hứa với tụi nó là qua học kỳ II sẽ được về trường mới nhưng chưa biết có kịp tiến độ không, mang đồng phục trường mình nhưng khai giảng ở trường bạn, vui thì vui nhưng vẫn có gì đó buồn buồn”.

* Hà Nội: đội mưa đi khai giảng

Hà Nội ngày 5-9 đã có những lễ khai giảng năm học mới khác thường. Mưa to kéo dài từ đêm khiến nhiều đoạn đường bị ngập nặng. Một số trường phải hủy lễ khai giảng. Tuy nhiên, một số trường khác vẫn tìm cách xoay xở để tổ chức lễ khai giảng vì “muốn những học sinh lần đầu tiên vào trường được dự lễ khai giảng năm học mới”.

Tại Trường tiểu học Tây Sơn - Hà Nội, lễ đón học sinh lớp 1 không thể thực hiện được dù nhà trường đã lùi thời gian tổ chức gần hai giờ. Các bé lớp 1 tay cầm cờ, hoa xếp hàng dọc hành lang các lớp học để được các thầy, cô, anh chị lớp lớn vỗ tay chào đón. Tại các trường Nghĩa Tân, Thịnh Quang, Chu Văn An..., lễ khai giảng cũng diễn ra với việc bố trí học sinh tập trung tại cửa lớp, hành lang các khu nhà. Thay vào việc được chứng kiến trực tiếp buổi lễ, học sinh chỉ lắng nghe tiếng thầy, cô đọc diễn văn khai giảng, đọc thư của Chủ tịch nước và tiếng trống trường đầu tiên vang lên dưới trời mưa. Ở một số trường đã kịp chuẩn bị bạt rộng cả trăm mét vuông đủ cho học sinh đứng chào cờ. Nhưng hầu hết các trường khai giảng hôm nay ở Hà Nội học sinh đều chào cờ, hát quốc ca tại lớp học.

yQlfc7ih.jpgPhóng to
Do trời mưa lớn nên học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) phải tổ chức lễ khai giảng trong nhà - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Đà Nẵng: nhiều học sinh không được dự khai giảng

Sáng 5-9, gần 200.000 học sinh các cấp của Đà Nẵng tham dự lễ khai giảng năm học mới 2013-2014. Tuy nhiên, có nhiều học sinh không tham dự được ngày ý nghĩa này. Nhiều học sinh học tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu) đã không được tham dự ngày khai giảng vì nhà trường chỉ chọn một phần học sinh đi dự lễ. Còn tại Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) cũng chỉ có 1.800 trong tổng số gần 3.000 học sinh được tham dự buổi khai giảng năm học. Đại diện Trường tiểu học Phù Đổng phân trần nguyên nhân là diện tích nhà trường không đủ và khá chật chội nên chỉ huy động 100% học sinh khối lớp 1, lớp 5 tham dự, khối 2, 3, 4 chọn mỗi lớp 20 học sinh đi dự ngày khai giảng.

Ông Nguyễn Đăng Ngưng - trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu - cho biết chỉ có Trường tiểu học Phù Đổng đã có báo cáo gửi Phòng GD-ĐT về vấn đề này, do diện tích của trường hẹp nên không thể tổ chức cho tất cả học sinh dự khai giảng được. Về trường hợp Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Phòng GD-ĐT đã nhận được thông tin và đang cho xác minh lại.

HajCIk5A.jpgPhóng to
Thầy trò Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã tổ chức lễ khai giảng đón chào năm học mới và trồng cây bàng trái vuông Trường Sa. Cũng trong sáng 5-9, trường đã được UBND TP.HCM công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 (cấp độ cao nhất trong đánh giá tiêu chuẩn chất lượng trường phổ thông) - Ảnh: HÀ BÌNH

Sáng 5-9, đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT Marie Curie, bà Nguyễn Thị Thu Hà - ủy viên trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP.HCM - phát biểu: “Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương Trường THPT Marie Curie đã đạt được thành tích và kết quả cao trong năm học vừa qua. Tôi mong rằng các thầy cô giáo tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng dạy chữ đi đôi với dạy làm người; coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho học sinh”. Sáng cùng ngày, tập thể Trường TH - THCS - THPT Nam Sài Gòn nô nức đón chào năm học 2013-2014, đến tham dự lễ khai giảng có ông Phạm Đức Hải - thành ủy viên, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.

Khai giảng ở ngôi trường 251 tỉ đồng

2eDOf2OA.jpgPhóng to
Bể bơi của trường dài 30m với sáu làn bơi đạt tiêu chuẩn - Ảnh: V.Dũng

Với khuôn viên rộng 5,6ha, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) vừa được đầu tư xây mới với kinh phí 251 tỉ đồng. Trường có 52 phòng học mới với nhiều phòng thí nghiệm sinh học, vật lý, hóa học, các phòng học thực hành hiện đại. Ngoài thư viện, phòng đọc sách, trường có phòng máy tính với 72 máy kết nối Internet phục vụ dạy học, nghiên cứu. Sân vận động và nhà thi đấu đa năng của trường được trang bị hiện đại. Nhà thi đấu có đầy đủ trang thiết bị luyện tập cho các môn bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, với sức chứa 500 khán giả. Bể bơi của trường dài 30m với sáu làn bơi đạt tiêu chuẩn. Các công trình khu thể chất sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong dịp khai giảng năm học. Cùng với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đây là ngôi trường thứ hai hiện đại nhất Hà Nội.

Trường chuyên Nguyễn Huệ là một trong bốn trường chuyên của Hà Nội có tỉ lệ đỗ đại học hằng năm trên 90%. Năm học 2012-2013, trường có năm thủ khoa đại học trong số 34 thủ khoa của toàn thành phố.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên