14/03/2020 13:42 GMT+7

Khai thác nước ngầm mùa hạn: lợi bất cập hại!

KHẮC TÂM
KHẮC TÂM

TTO - Nắng hạn và xâm nhập mặn nên rất nhiều hộ dân ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đã khai thác nguồn nước ngầm triệt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Khai thác nước ngầm mùa hạn: lợi bất cập hại! - Ảnh 1.

Nông dân trồng rau màu thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng khai thác nước ngầm quá mức để tưới rau màu - Ảnh: KHẮC TÂM

Đặc biệt tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), hàng trăm hộ dân đã khoan giếng, lấy nước tưới cho gần 9.000ha rau màu.

Điều này có thể giải quyết cơn khát nước ngọt hiện thời nhưng sẽ để lại tác động xấu dài lâu.

Tưới nước lúc nửa đêm

Đang cùng mẹ kéo ống nước tưới 4 công hành tím, anh Lý Hoài Nam (ngụ ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) cho biết chưa bao giờ nước ngầm lại yếu như lúc này. Anh Nam cho biết giồng đất cát ở Vĩnh Châu giáp biển nên quanh năm nhiễm mặn. "Không kênh rạch, không nước ngọt nên cách duy nhất để có nước tưới cho rau màu là khoan giếng lấy nước ngầm" - anh Nam phân trần.

Tương tự, ông Tăng Sển (phường 2, thị xã Vĩnh Châu) ngày nào cũng thức lúc 3h sáng để tưới hành tím. Theo ông Sển, khu vực nhà ông có rất nhiều người khoan giếng để lấy nước trồng rau màu. Do vậy nếu không thức khuya dậy sớm, rất khó có đủ nước để tưới. "Nhờ đủ nước, 3 công hành tím giống của tôi xanh tốt, dự kiến khoảng 30 ngày nữa thu hoạch" - ông Sển cho biết.

Ông Lý Văn Sê (ấp Giồng Nổi, xã Vĩnh Hải) có 4.000m2 trồng ớt cũng phải khoan giếng để lấy nước ngọt tưới. Theo ông Sê, mấy năm gần đây mực nước ngầm lại bị tụt sâu nghiêm trọng. "Cứ đà này, không bao lâu sẽ hết nước. Kể ra cũng do bà con khai thác quá mức thôi" - ông Sê lo lắng.

Nguy cơ gây sụt lún, xâm nhập mặn

Ông Đặng Văn Ngọ - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng - cho biết tại thị xã Vĩnh Châu, đơn vị có đầu tư nhà máy nước ngầm, phục vụ sinh hoạt cho người dân. "So với khoảng 7 năm trước, mực nước ngầm tại Vĩnh Châu đã giảm từ 35-40m. Có năm ảnh hưởng mặn, vùng này thiếu nước ngọt nghiêm trọng" - ông Ngọ nói.

Đưa ra khuyến cáo, ông Trần Văn Thanh - nguyên phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng - cho rằng tình trạng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản đã đến mức báo động từ lâu. "Tôi cũng đã nói nhiều, cảnh báo nhiều nhưng chẳng ai chịu nghe, chịu làm theo" - ông Thanh trăn trở.

Theo ông Thanh, nông dân hoàn toàn có thể hạn chế và từng bước không sử dụng nước ngầm cho sản xuất nếu áp dụng mô hình đào ao trữ nước mưa. Mỗi nông hộ chỉ dành ít quỹ đất đào ao, phủ bạt nilông chống thẩm thấu thì có đủ nước tưới cho mùa khô. "Với cách này, nông dân hoàn toàn có nước sạch, không tốn thêm chi phí tiền điện sử dụng môtơ bơm nước ngầm, tránh gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm" - ông Thanh nói.

Theo Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng, hiện địa phương này có khoảng 107.000 giếng khoan, khai thác trên 338.000m³/ngày đêm. Sở TN-MT cũng đánh giá do nhu cầu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng, trong khi nguồn nước dưới đất có giới hạn nên thời gian qua trữ lượng cũng như chất lượng nước ngầm ngày càng suy giảm. Việc khai thác nước ngầm quá mức cũng dẫn đến nguy cơ sụt lún, sạt lở và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trong tương lai.

Nông dân miền Tây không ngồi bó tay, trồng cây thích nghi hạn, mặn Nông dân miền Tây không ngồi bó tay, trồng cây thích nghi hạn, mặn

TTO - Hạn, mặn xâm nhập Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp, bất thường. Để thích ứng lâu dài, nhiều nơi đang triển khai mô hình thích nghi hạn, mặn và bước đầu hứa hẹn sẽ cho trái ngọt.

KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên