Tôi có con trai sinh năm 2019 tại Hàn Quốc và được Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cấp giấy khai sinh gốc.
Hiện gia đình tôi đang sống tại Việt Nam. Vì hiện tại cháu đi học nên nhà trường yêu cầu phải có bản sao giấy khai sinh. Vậy tôi phải làm bản sao giấy khai sinh ở đâu và cần chuẩn bị giấy tờ gì?
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Theo quy định tại khoản điều 2 Luật Hộ tịch 2014, hộ tịch được hiểu là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết.
Các sự kiện gồm: khai sinh, kết hôn, ly hôn, giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử…
Trong đó, đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện của cá nhân được liệt kê nói trên nhằm tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.
Căn cứ điều 1, điều 2; khoản 1, điều 18 thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30-6-2016 của Bộ Ngoại giao - Bộ Tư pháp, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài có thẩm quyền thực hiện đăng ký việc hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.
Trường hợp cá nhân đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nay về cư trú tại Việt Nam có thể trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính nộp hồ sơ đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch tại Bộ Ngoại giao.
Như vậy, con trai bạn đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cấp giấy khai sinh và hiện tại đã về sinh sống tại Việt Nam, bạn có thể đến nộp hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính đề nghị cấp bản sao giấy khai sinh cho con tại Bộ Ngoại giao.
Hồ sơ xin cấp trích lục bản sao giấy khai sinh gồm:
- Tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch theo mẫu, ban hành kèm theo thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16-11-2015 của Bộ Tư pháp (được sửa đổi bởi công văn 1288/HTQTCT-HT năm 2016).
- Bản sao y giấy khai sinh.
- Bản sao y chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế khác của người đi nộp hồ sơ.
- Giấy ủy quyền (nếu là nộp thay) hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình với người yêu cầu. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh chị em ruột của người ủy quyền thì không phải có văn bản ủy quyền nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận