01/03/2009 05:20 GMT+7

Khai phá tứ giác Long Xuyên - Kỳ cuối: Khai phá vùng đất máu thịt

NGUYỄN MINH NHỊ(HOÀNG TRÍ DŨNG - MINH GIẢNG ghi)
NGUYỄN MINH NHỊ(HOÀNG TRÍ DŨNG - MINH GIẢNG ghi)

TT - Cách nay 20 năm, vùng tứ giác Long Xuyên là một vùng nhiễm phèn và hoang hóa, khắp nơi chỉ có cây tràm và cỏ dại. Chương trình khai phá vùng đất này bắt đầu từ năm 1988 và kéo dài hơn mười năm mới hoàn thành.

Một trong những người gắn bó ngay từ những ngày đầu với chương trình này là ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo khai thác vùng tứ giác Long Xuyên của An Giang. Với ông, ký ức về những ngày đi khai phá vùng đất này vẫn còn nguyên.

FDCCdlYW.jpgPhóng to
Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng tứ giác Long Xuyên (khu vực đầu nguồn An Giang). Nơi ông đứng (trong ảnh) cũng là nơi ông quyết định khởi công xẻ tuyến kênh T5 và cả hệ thống kênh thủy lợi thoát lũ ra biển Tây -Ảnh: Quang Vinh
vY0xUxXi.gifPhóng to Nghe đọc toàn bài

Quyết tâm khai phá

Tháng 3-1988, tôi về làm giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, đồng thời là ủy viên Ban chỉ đạo khai thác tứ giác Long Xuyên của tỉnh. Lúc bấy giờ chương trình khai thác Đồng Tháp Mười đã thực hiện, trong khi An Giang mới chỉ manh nha bắt đầu. Sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người trực tiếp chỉ đạo việc khai phá hai khu vực này. Để tăng tính hiệu quả, tại Đồng Tháp Mười một nhóm chuyên gia Hà Lan đã được mời tư vấn và họ khuyên không nên khai thác vùng này bởi kết quả sẽ không như mong đợi. Dẫu vậy chương trình vẫn được triển khai và mang lại những kết quả rất to lớn. Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi cùng các đồng chí ở tỉnh An Giang bắt tay vào việc khai phá vùng tứ giác Long Xuyên.

Khi triển khai chương trình khai phá vùng tứ giác Long Xuyên (thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang), nhiều người đã “bỏ của chạy lấy người” bởi họ cho rằng vùng này phèn rất nặng, không cách nào có thể giải quyết được. Ngay cả các nhà khoa học lúc bấy giờ cũng khuyên chỉ nên trồng tràm, không nên làm lúa bởi sẽ rất khó thành công nếu không muốn nói là cầm chắc thất bại. Tôi sống ở vùng đất này từ nhỏ, uống nước phèn mà lớn lên. Đi theo cách mạng cũng tại đây.

Lúc còn nhỏ tôi được cha chỉ cho kinh nghiệm phải làm thế nào để bắt con cá, trồng củ khoai, hạt lúa trên mảnh đất này. Tứ giác Long Xuyên đã là máu thịt của tôi. Một câu hỏi lớn và cũng là nỗi băn khoăn của tôi lúc bấy giờ: Chúng ta đang cần lương thực, vùng đất này rộng mênh mông tại sao chúng ta không cải tạo, vừa mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lương thực vừa giúp giải quyết nhiều vấn đề dân sinh ở đây? Hơn nữa bên Đồng Tháp Mười làm được, tại sao tứ giác Long Xuyên lại không thể? Thế là tôi lãnh trách nhiệm với tỉnh và Thủ tướng quyết tâm làm.

Khi bàn về việc phục hóa, khai hoang vùng đất này có ba vấn đề cần phải giải quyết. Thứ nhất, làm sao giải quyết tốt bài toán về quyền sử dụng đất (giữa chủ cũ, chủ mới, đất mới khai hoang) để khai thác tối đa diện tích lúa mùa, phục hóa và khai hoang hết diện tích. Thứ hai, đào và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ việc cải tạo đất và sản xuất. Thứ ba và cũng là khó nhất, vấn đề xử lý phèn.

Việc khai phá bắt đầu từ huyện Thoại Sơn và Châu Thành. Đều đặn thứ bảy hằng tuần tôi đều vào các xã luân phiên để họp. Lúc đó đường sá khó khăn, phải đi tắc ráng từ 4g sáng, nhiều khi 11g đêm mới về tới nhà. Vụ đông xuân 1988-1989, cơ bản đã khai phá xong khu vực này và chuyển qua Tịnh Biên, Tri Tôn. Để thực hiện việc này, chúng tôi lập chợ, làm đường, thành lập xóm ấp và đưa dân từ các huyện khác vào ở. Năm 1997, việc khai khẩn và cải tạo đất tại các huyện này cũng cơ bản xong với tổng diện tích khoảng 100.000ha. Riêng khu vực rốn phèn (khoảng 9.000ha giáp với Kiên Giang) phải mất mười năm (1991-2001) mới cải tạo xong.

Trái đắng và quả ngọt

yBkdBdXU.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Minh Nhị -Ảnh: Quang Vinh

Ở vùng khai hoang thời ấy tập trung đủ mọi cái nhất: nghèo nhất, khổ nhất, thiếu vốn nhất, thiếu kinh nghiệm nhất... Việc cải tạo và cấp đất, khử phèn cơ bản hoàn thành, nhưng ba năm đầu mùa màng thất bát dữ lắm do phèn vẫn còn cao. Dân nghèo thì không có vốn, người khá hơn sau mấy năm liên tục lỗ cũng đâm ra chán nản.

Tại Tri Tôn, có lần tôi vào đứng giữa ruộng của bà con mà không cầm được nước mắt. Những cánh đồng lúa quéo rễ khô cháy do phèn còn cao, công sức bỏ ra chẳng thu về được gì. Tôi nhớ mãi có người phụ nữ hai lần lội bộ từ Tri Tôn ra nhà tôi vừa khóc vừa hỏi bây giờ phải làm thế nào. Lúc đó tôi cảm thấy bất lực và hoang mang. Tôi cũng có làm thử hai mùa trong đó nhưng thất hết, thế mới biết cảnh bà con khổ sở thế nào. Tôi về năn nỉ ngân hàng giãn nợ cho bà con nhưng cuối cùng ngân hàng cũng phải xiết đất của những người nông dân cơ cực đó. Có người bạn thời kháng chiến không ngại bom đạn, chết chóc giờ đành bất lực trước những vụ mùa trắng tay, 15 công ruộng có nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ.

Sau ba năm thất bát, những công trình thủy lợi, những giải pháp kỹ thuật trị phèn đã phát huy tối đa tác dụng, đẩy những con nước đỏ ngầu lùi xa ra những cánh đồng. Sản lượng lúa liên tục tăng lên. Đất từ chỗ cho không ai lấy đã lên cả chục triệu đồng mỗi công. Mỗi năm hai vụ lúa mùa, vùng tứ giác Long Xuyên đã đóng góp hàng triệu tấn lúa góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Từ một vùng đất phèn khỉ ho cò gáy, tứ giác Long Xuyên đã trở thành một trong hai vùng trọng điểm sản xuất lúa của đồng bằng sông Cửu Long (vùng còn lại là Đồng Tháp Mười). Hiện mỗi năm trong tổng sản lượng hơn 3,5 triệu tấn lúa của An Giang, vùng tứ giác Long Xuyên đóng góp gần 2 triệu tấn (sản lượng lúa của hai tỉnh Kiên Giang, An Giang gần 7 triệu tấn/năm).

Nhìn bác nông dân dùng trâu trang miếng ruộng bốn mẫu bằng như tấm ván mà lòng khấp khởi. Họ đã có động lực sản xuất, ra sức chăm chút cho miếng ruộng của mình để mong có những vụ mùa bội thu hơn. Họ đã kề vai sát cánh trong lúc khó khăn với mình, giờ thấy công sức họ bỏ ra bắt đầu có thành quả mình cũng vui lây. Khi việc khai phá hoàn thành tôi nhẹ nhõm hẳn, trước đó lúc nào cũng cảm thấy áp lực nặng nề bởi trách nhiệm và những trái đắng đầu mùa, những số phận nông dân mà tôi đã gặp. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm vùng tứ giác Long Xuyên, đứng giữa cánh đồng xanh ngút mắt tôi còn xin Thủ tướng 15.000ha của Kiên Giang để làm tiếp. Tôi đề xuất: Thủ tướng giao cho tôi, tôi cam kết sẽ hoàn thành rồi nghỉ hưu. Và sau đó Thủ tướng đã gật đầu giao cho An Giang hơn phân nửa diện tích.

Hơn mười năm, một thế hệ những người đi khai phá vùng đất này giờ cũng không còn trẻ nữa. Có người đã gửi cả tuổi thanh xuân của mình trong ấy để rồi khi trở về họ phải chấp nhận cuộc sống độc thân. Công sức những người nông dân bỏ ra để tạo lập mảnh đất này rất nhiều. Ở thời điểm khó khăn của đất nước, họ đã góp tay cải tạo vùng đất này đưa sản lượng lúa tăng nhanh, đưa VN trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo. Tâm nguyện của tôi là xây dựng một văn bia để ghi nhận công lao khai phá tứ giác Long Xuyên của những người nông dân. Vùng đất này sẽ không trù phú như ngày hôm nay nếu không có bàn tay và sự cần lao của những người dân nơi đây, nhưng chưa làm được...

______________________________________

Đón đọc số tới: Trên từng tấc đất biên cương

Từ độ cao 1.535m của đỉnh Lũng Cú, cột cờ cao 12m, cộng thêm 7m của cột làm cán cờ là 19m. Lá cờ rộng 6m, dài 9m như một ngọn lửa rực cháy tin yêu và kiêu hãnh nơi địa đầu đất nước. Giữ cho cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú này luôn đỏ thắm, luôn tung bay là nhiệm vụ của những người lính biên phòng.

Từng ngày từng giờ họ đối đầu với thời tiết khắc nghiệt, giữ bình yên cho từng bản làng hẻo lánh, giữ chủ quyền Tổ quốc trên từng cột mốc biên cương…

NGUYỄN MINH NHỊ(HOÀNG TRÍ DŨNG - MINH GIẢNG ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên