21/09/2017 11:15 GMT+7

Hội nghị APEC về quản lý thiên tai khai mạc tại Nghệ An

Q. TRUNG
Q. TRUNG

TTO - 9h sáng 21-9, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 (SDMOF 11) chính thức khai mạc tại TP Vinh, Nghệ An.

Hội nghị APEC về quản lý thiên tai khai mạc tại Nghệ An - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 (SDMOF 11) tại TP Vinh sáng 21-9 - Ảnh: Q.TR

SDMOF 11, diễn ra trong hai ngày 21, 22-9, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN &PTNT) chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. 

Hội nghị có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và các quan chức cao cấp của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Văn Thắng - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết dù là một khu vực phát triển kinh tế năng động, nhưng châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên hứng chịu thiên tai. 

Theo Thứ trưởng Thắng, trong năm 2017, nhiều siêu bão đổ bộ vào Hoa Kỳ, gây thiệt hại to lớn. Ngoài ra, bão lũ cũng tàn phá nhiều nền kinh tế thành viên APEC lớn khác như Nhật Bản và Trung Quốc.

Riêng ở Việt Nam, lũ lụt và sạt lở đất đã xảy ra ở vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Sơn La và các tỉnh lân cận. Cơn bão số 10 (Doksuri) được cho mạnh nhất nhiều năm trở lại đây vừa quét qua địa bàn các tỉnh miền Trung với thiệt hại ban đầu ước khoảng 385 triệu USD.

"Hội nghị lần này là cơ hội lớn để các nền kinh tế APEC chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và ứng phó thiên tai nhằm tạo ra một khuyến nghị chung hiệu quả, thiết thực" - ông Thắng nói. 

Theo Bộ NN&PTNT, thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. 

Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát  triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. 

Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. 

Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.

Do đó, theo Bộ NN&PTNT, Hội nghị SDMOF 11 sẽ tập trung vào các vấn đề tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. 

Q. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên