Đơn vị thi công đã trở lại công trường nạo vét lòng hào và thu gom đá cũ dưới hào - Ảnh: MINH TỰ
Nạo vét lòng hào để khắc phục sai sót
Theo đó, từ ngày 4-7 đến 13-8-2019, đơn vị thi công tiến hành nạo vét lòng hào, kết hợp thu hồi đá gan gà nguyên gốc dưới lòng hào để tái sử dụng, tháo gỡ đá mới ở mặt ngoài bờ kè vừa thi công để thay thế tối đa đá cũ tại những vị trí chưa đúng thiết kế.
Những viên đá mới ở mặt ngoài kè sẽ phải tháo bỏ để thay lại bằng đá gan gà cũ - Ảnh: MINH TỰ
Từ ngày 30-7 đến 30-8, nghiên cứu phục hồi thí điểm theo kỹ thuật truyền thống (xếp đá khan, không vữa kết dính) đối với đoạn kè mà báo chí phản ánh là còn khá nguyên vẹn, cụ thể là đoạn kè từ bên trái cửa Quảng Đức đến eo bầu Nam Hưng.
Đoạn bờ kè còn nguyên vẹn đã bị phá bỏ xây mới, sẽ phải phục hồi lại như cũ theo phương pháp truyền thống - ẢNH BẠN ĐỌC BÁO TUỔI TRẺ CUNG CẤP
Sau khi khắc phục xong những thiếu sót đối với đoạn kè đã thi công (khoảng 1.000m), các đơn vị liên quan sẽ rút kinh nghiệm để xây dựng phương án tối ưu để tu bổ đoạn kè còn lại (khoảng 10km). Cụ thể là khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng các đoạn kè còn lại của mặt nam kinh thành Huế (khoảng 1140m), phân loại mức độ hư hỏng và chất lượng còn lại để xác định giải pháp tu bổ, phục hồi theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa và các cơ quan thẩm định, phê duyệt.
Một phần của đoạn kè chưa thi công ở mặt nam kinh thành Huế - Ảnh: MINH TỰ
Thành lập Hội đồng đánh giá di tích để kiểm tra, xác nhận công tác đánh giá hiện trạng, hạ giải và tận dụng vật liệu gốc trong giải pháp tu bổ, phục hồi.
Trong quá trình thực hiện, sẽ có giải pháp thu hồi tối đa đá cũ, giữ lại tối đa các đoạn kè nguyên gốc đảm bảo đủ kích thước, ổn định và khả năng chịu lực để bảo tồn nguyên trạng. Tổ chức thông tin để tiếp nhận ý kiến đóng góp trong quá trình thực hiện. Quản lý chặt chẽ thi công, tăng cường giám sát và thường xuyên kiểm tra đôn đúc tại hiện trường.
Việc đơn vị thi công đã sử dụng quá nhiều thiết bị cơ giới (xe xúc, xe tải) để tu bổ di tích đã được xác định là sai phạm - Ảnh: MINH TỰ
Về xử lý trách nhiệm, giám đốc Ban tư vấn bảo tồn di tích (đơn vị giám sát công trình), Ban quản lý dự án di tích cố đô Huế (đơn vị quản lý dự án) cùng các thành viên tổ tư vấn giám sát, tổ quản lý kỹ thuật công trường phải kiểm điểm trách nhiệm để hội đồng kỷ luật Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xem xét, xử lý.
Đối với chủ đầu tư là Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, các thành viên liên quan việc quản lý điều hành và giám đốc kiểm điểm trách nhiệm để hội đồng kỷ luật xem xét, xử lý. Việc kiểm điểm này phải hoàn thành trước ngày 30-8.
Được biết, việc kiểm điểm trách nhiệm của chủ dự án đang gặp khó khăn, do dự án này đã được thiết lập và thi công từ khi ông Phan Thanh Hải còn làm giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Đến ngày 15-3-2019, ông Hải chuyển sang làm giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Thừa Thiên Huế.
Ông Võ Lê Nhật - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết ông mới nhận nhiệm vụ giám đốc từ ngày 15-3-2019. Tuy nhiên, ông vẫn làm kiểm điểm trách nhiệm vai trò giám đốc, còn việc xem xét là do cấp trên quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận