Thông tin trên được nêu từ hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong” do Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức ngày 7-6.
Các nước lưu vực sông Mekong chưa thực sự tuân thủ luật quốc tế
Tại hội thảo, ông Lê Trường Sơn, hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM, cho biết tiểu vùng sông Mekong đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, vượt qua mọi dự báo và kịch bản ứng phó.
Các vấn đề như suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hạn hán kéo dài và lũ lụt gia tăng đang trở nên nghiêm trọng.
Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế nặng nề mà còn kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng khác liên quan đến an ninh lương thực, nguồn nước, năng lượng, và sự di dân do biến đổi khí hậu.
Sự biến mất các nền văn hóa của các nhóm thiểu số sống dọc lưu vực cũng là một hệ quả đáng lo ngại. Các quốc gia lưu vực sông Mekong có những “khác biệt cơ bản” về chính sách khai thác nguồn tài nguyên nước, đặt ra nhiều thách thức không chỉ về mặt pháp lý mà còn trên mặt trận chính trị và ngoại giao khu vực.
Phát biểu tham luận, ông Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế Liên Hiệp Quốc, cho rằng tiểu vùng sông Mekong hiện có hơn 10 cơ chế hợp tác quốc tế, tuy nhiên các nước lưu vực sông Mekong chưa thực sự tuân thủ luật quốc tế.
Theo ông Thao, trong luật quốc tế có nguyên tắc rất quan trọng là “tiếp cận - đề phòng”, có nghĩa các nước phải phát triển một cách bền vững, hiệu quả, hợp lý, công bằng nhưng đồng thời không được ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác.
Các quốc gia phải áp dụng biện pháp kể cả khi không có các bằng chứng khoa học về những hành động của mình có thể gây ra cho các quốc gia khác. Nguyên tắc này xuất phát từ phán quyết của Tòa án công lý quốc tế năm 1949.
Ngoài ra, hiện nay không một quốc gia nào trong khu vực sông Mekong là thành viên của Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia trong mục đích phi giao thông thủy, trừ Việt Nam. Luật có quy định về việc gây ra các “tổn hại đáng kể” cho các quốc gia láng giềng nhưng thế nào là đáng kể thì chưa có tiêu chuẩn.
“Vậy việc tôi thực hiện các hoạt động trên lãnh thổ của tôi mà gây hại cho anh nhưng tôi lại nói tổn hại đó không đáng kể. Đấy là điểm yếu của Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia”, ông Thao nói.
Nghĩa vụ hợp tác rất quan trọng để bảo vệ nguồn nước sông quốc tế
Nói về Hiệp định sông Mekong, ông Nguyễn Hồng Thao cho rằng chủ yếu chỉ có sự tham gia của các nước trong hạ lưu, không có các nước ở vùng thượng. Đồng thời, hiệp định cũng không nêu một cách đầy đủ về nguyên tắc sử dụng công bằng và không có cơ chế giải quyết khi xảy ra tranh chấp; không có tính bắt buộc nhiều với các quốc gia.
Nhìn về một số tiểu vùng khác lại có sự hợp tác rất tốt trong luật quốc tế, như Ủy ban Danube được thành lập từ năm 1948. Các nước có sông này chảy qua đều tham gia công ước quốc tế về sử dụng nguồn nước 1997.
Ủy ban Danube đã đưa ra quy tắc chung, khi bên nào định xây dựng một công trình trên sông thuộc lãnh thổ của mình, thì các bên khác đều được tham gia, nêu ý kiến.
Bà Phạm Hồng Hạnh - khoa pháp luật quốc tế Trường đại học Luật Hà Nội - cho biết trong Hiệp định sông Mekong đưa ra rất nhiều nguyên tắc mà các quốc gia phải tuân thủ như nghĩa vụ về thông báo, về chất lượng nước nhưng không có cơ chế nào xử lý trong trường hợp nếu quốc gia không tuân thủ các nghĩa vụ đó của mình.
“Ví dụ khi quốc gia anh cung cấp không đầy đủ dữ liệu, thông tin, ủy ban liên hợp sẽ yêu cầu cung cấp. Nhưng nếu quốc gia đó không cung cấp lại không có chế tài nào đặt ra. Nghĩa vụ hợp tác là nguyên tắc cơ bản nhất của luật nước quốc tế.
Trong vấn đề bảo vệ phát triển nguồn nước, nghĩa vụ hợp tác lại càng được coi là nghĩa vụ cực kỳ quan trọng để có thể phát triển bền vững nguồn nước, bảo vệ sự toàn vẹn hệ sinh thái”, bà Hạnh nói.
Thực hiện đúng với Hiệp định sông Mekong còn rất nhiều thách thức
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Hữu Huyên cho biết Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong được ký kết từ năm 1995 đã đề ra các nguyên tắc quản lý và bảo vệ khu vực này “hợp lý, công bằng, bền vững”. Tuy nhiên, để thực hiện đúng với hiệp định này còn rất nhiều thách thức.
Hiện nay đang có sự khai thác không hợp lý các nguồn tài nguyên, tác động đến biến đổi khí hậu, cùng với đó là những yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống đang ảnh hưởng tới đời sống của người dân của các nước, trong đó có Việt Nam.
Việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác giữa các nước chưa đạt được như tiềm năng. Kết quả của hội thảo hôm nay sẽ được nhân rộng chia sẻ đến các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách phù hợp nâng cao lợi ích của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận