17/02/2017 16:54 GMT+7

​Kêu gọi cán bộ công chức, người dân đi bộ để giảm kẹt xe

QUANG KHẢI - NGỌC ẨN
QUANG KHẢI - NGỌC ẨN

TTO - Ý kiến này được ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra tại cuộc họp xem xét báo cáo các nội dung triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Sở GTVT TP sáng 17-2 được gần 100 đại biểu giơ tay hưởng ứng.

gần như 100% đại biểu dự họp hưởng ứng chủ trương đi bộ đi làm để giảm kẹt xe, rèn luyện sức khỏe - Ảnh: Q.Khải
Gần 100% đại biểu dự họp hưởng ứng chủ trương đi bộ đi làm để giảm kẹt xe, rèn luyện sức khỏe - Ảnh: Q.Khải

Theo ông Khoa, trên địa bàn TP có tới 37 điểm có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, tình trạng này cũng thường xảy ra tại các quận huyện.

Ngoài các giải pháp công trình, Sở Giao thông vận tải đề nghị nên chăng nghĩ đến giải pháp vận động cán bộ công chức, phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo… đi bộ đi làm, đi học. 

Triển khai sớm ngày nào lợi ngày đó

Ông Khoa cho biết đã kham khảo rất nhiều ý kiến và đều nhận được sự đồng tình về việc này.

“Những cán bộ, công nhân viên nào có nhà và nơi làm việc, trường học trong phạm vi từ 3km trở lại thì có thể đi bộ để đi làm. Cái lợi là cá nhân tăng cường sức khỏe, tiết kiệm chi phí. Xã hội được lợi bớt xe cộ trên đường, bớt ô nhiễm, khói bụi, góp phần giảm kẹt xe”, ông Khoa đưa giải pháp và đề nghị các đại biểu có ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Danh, phó giám đốc Sở xây dựng cho biết bản thân ông ủng hộ việc đi bộ đi làm vì góp phần chống ùn tắc và rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên để vận động được mọi người cùng tham gia thì phải có sự chuẩn bị tốt.

“Nên chọn một số tuyến đường, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, khi đường thông, hè thoáng thì khi kêu gọi người dân sẽ ủng hộ, thực hiện”, ông Danh đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở LĐTB&XH TP cho rằng ý tưởng này rất hay nhưng bản thân ông lo ngại với 159 tuyến đường kiểu mẫu, không buôn bán lấn chiếm mà các quận huyện đã đăng ký từ lâu nhưng đến nay chưa chuyển biến. “Vỉa hè không thông thoáng, không cách gì đi bộ được”, ông Lâm băn khoăn.

Cho rằng giáo viên thường mang giày, mặc áo dài cộng với khí hậu nóng nên bà Bùi Thị Diễm Thu, phó giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng việc đi bộ đi làm đối với giáo viên sẽ khó khăn. Hơn nữa để con em mình đi bộ thật sự, phụ huynh vẫn chưa yên tâm.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho rằng: “việc này có thể khắc phục, chẳng hạn cô giáo có thể mang áo dài vô trường mặc. Việc này thầy cô giáo nên thực hiện trước và vận động học sinh, phụ huynh cùng thực hiện. Nếu thật sự thấy hiệu quả và quyết tâm thực hiện là được hết”.

Ngoài ra, ông Khoa cũng yêu cầu Sở GD-ĐT nghiên cứu, chỉ đạo các trường có điều kiện chủ động tự đưa rước học sinh tham gia thêm cùng TP trong việc giảm ùn tắc giao thông.

Ông Khoa giao chỉ tiêu trong năm 2017, Sở này phải bàn kế hoạch thúc đẩy khoảng 50% các trường tự đưa rước học sinh.

Cũng liên quan đến vấn đề đi bộ giảm kẹt xe, nhiều đại biểu cho rằng khoảng cách để người đi bộ 3km là hơi xa.

Ông Nguyễn Phương Đông, phó giám đốc Sở Công thương tính toán nếu đi bộ trong khoảng cách 1km mất khoảng 15 phút. Có ý kiến đại biểu đề nghị nên vận động các bộ công chức, người dân đi làm, đi học…trong phạm vi 1km nhưng cũng có ý kiến nên dưới 2km.

Phó chủ tịch Lê Văn Khoa yêu cầu Ban an toàn giao thông TP phối hợp với Sở Văn hóa thể thao bàn kỹ kế hoạch này thể tham mưu cho UBND TP xem xét mức độ cụ thể, triển khai sớm ngày nào có lợi ngày đó.

Điều chỉnh barie hợp lý hơn

Liên quan đến vấn đề Sở Giao thông vận tải lắp đặt barie trên lề đường một số tuyến đường ở quận 1, ông Lê Văn Khoa cho rằng xuất phát từ ý nghĩ tích cực ngăn tình trạng chạy xe trên vỉa hè. Tuy nhiên quá trình triển khai có những việc chưa được như mong muốn.

Vì vậy ông Khoa đề nghị Sở Giao thông vận tải, UBND Q.1 cùng các đơn vị liên quan rà soát điều chỉnh lại cho phù hợp hơn, đặc biệt không ảnh hưởng đến người khuyết tật.

Theo đó, ông Khoa gợi ý nên điều chỉnh các barie hiện tại, chỉ làm một thanh chắn ngang lề đường, chừa khoảng cách cho xe lăn, người khiếm thị đi sát mép nhà dân.

Theo ông, giải pháp này cũng không ngăn hết được người cố tình chạy trên vỉa hè nhưng các lực lượng chức năng sẽ tăng cường xử phạt.

Trên cơ sở góp ý của báo chí, ông Khoa cũng yêu cầu các đơn vị khảo sát điều chỉnh barie nên tổ chức trao đổi, nghe thêm ý kiến của đại diện người khiếm thị, khuyết tật. 

Về 159 tuyến đường kiểu mẫu các quận huyện đăng ký nhưng chưa chuyển biến, ông Khoa yêu cầu trong tháng 3, Ban an toàn giao thông có báo cáo cụ thể về tính trạng lấn chiếm. Nếu quận nào làm tốt sẽ khen thưởng, quận nào không làm tốt thì phê bình, xử lý.

Riêng đối với 37 điểm ùn tắc giao thông, ông Khoa yêu cầu đến tháng 6 phải cơ bản giải quyết được tình trạng này.

Sở Giao thông vận tải đề ra 7 chỉ tiêu thực hiện trong năm 2017:

1. Số lượng người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng đạt tối thiểu 600 triệu lượt.

2. Hạn chế tối đa ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.

3. Tiếp tục giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2016.

4. Các chỉ tiêu về cấp nước: Duy trì đảm bảo 100% hộ dân trên địa bàn TP được cấp nước sạch; Giảm tỷ lệ thất thoát nước còn 27,5%; Tiêu chuẩn cấp nước sạch bình quân đạt 152lit/người/ngày đêm.

5. Chỉ tiêu xóa giảm ngập: tiếp tục giải quyết 16/40 điểm ngập (gồm các tuyến: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, quốc lộ 13 - Q.Bình Thạnh; Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu, An Dương Vương - Q.8; Mai Xuân Thưởng, An Dương Vương - Q.6; Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Hồng Bàng, Ba Vân, Lương Văn Can, Gò Dưa, Tân Hương).

6. Chỉ tiêu về cây xanh, mảng xanh: tăng 7.000 cây xanh, tăng 62.540m2 mảng xanh.

7: Các chỉ tiêu khác: phấn đấu tăng 25km đường, tăng 440.000m2 đường tăng thêm, thêm 10 cây cầu; tỷ lệ đất dành cho giao thông 9,02% trên đất đô thị.

Cũng trong năm 2017, Sở Giao thông vận tải sẽ khởi công mới 48 công trình và thi công hoàn thành 19 công trình trọng điểm; khởi công 2 bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng và công viên Lê Văn Tám.

QUANG KHẢI - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên