Sàn giao dịch việc làm thu hút nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn mới ra trường - Ảnh: DUYÊN PHAN |
“Đồng hành cùng thanh niên trong mưu sinh lập nghiệp” là một trong những cuộc vận động trọng tâm mà các cấp hội ở TP.HCM thực hiện suốt nhiều năm qua, bình quân mỗi năm có hơn 50.000 bạn trẻ được giới thiệu việc làm.
“Tôi mừng vì đã có việc làm ổn định”
Anh Phạm Nhật Duy (29 tuổi), đang làm việc tại Công ty CP thương mại tiếp vận Sao Mai (Q.2), cho biết anh học trung cấp xây dựng ra trường, đi tìm việc ở nhiều nơi nhưng không được. Tình cờ một lần đi ngang Văn phòng Tiếp sức người lao động tại số 1A Phạm Ngọc Thạch (Q.1), thấy tấm biển giới thiệu việc làm miễn phí, anh vào tìm hiểu. “Tôi học trung cấp ra nhưng lương mỗi tháng giờ hơn 7 triệu đồng. Tôi rất mừng vì đã có việc làm ổn định cuộc sống” - anh Duy cho biết.
Không chỉ tổ chức tại trung tâm, chúng tôi còn triển khai ở các bến xe cửa ngõ thành phố như: bến xe miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga để tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động nhằm giúp họ tránh bị “cò” lôi kéo, dụ dỗ mất tiền nhưng không xin được việc làm |
Anh NGUYỄN VĂN SANG (phó giám đốc YES Center) |
Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh Thạch Tân Phương (quê Trà Vinh) đi làm công nhân cho nhiều doanh nghiệp nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải nghỉ việc giữa chừng. Mới đây, anh tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (YES Center) tìm kiếm một công việc khác với yêu cầu thời gian làm việc ban đêm.
Sau khi đối chiếu dữ liệu, các nhân viên trung tâm đã giới thiệu anh đến Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản. Anh Phương chia sẻ: “Công ty trả lương tôi 210.000 đồng/đêm. Mức lương và thời gian làm việc phù hợp với tình hình hoàn cảnh gia đình tôi vì ban ngày tôi phải chăm sóc người thân bị bệnh”.
Anh Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc YES Center, cho biết trung bình mỗi năm trung tâm tư vấn việc làm cho khoảng 18.000 người, trong đó số lao động được giới thiệu việc làm hơn 14.000 người, số lao động được nhận việc chính thức chiếm khoảng 20%.
Đi cà phê... tìm việc
Đặc thù của huyện ngoại thành trong tốc độ đô thị hóa nhanh, bên cạnh đó bộ phận thanh niên lao động phổ thông chưa có việc làm khiến các cán bộ Hội LHTNVN huyện Nhà Bè nghĩ cách “đem việc” đến tận nơi để các bạn trẻ dễ tiếp cận.
Ngoài tổ chức các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc sàn giao dịch việc làm, các bạn còn thiết kế mô hình “Cà phê tuyển dụng” ra đời từ năm 2015. Bình quân khoảng hai tháng, chương trình được tổ chức tại một quán cà phê, luân phiên theo địa bàn các xã.
“Tổ chức giới thiệu việc làm ngay tại các quán cà phê đông bạn trẻ, các bạn tò mò tìm hiểu rồi quyết định kiếm việc làm. Chúng tôi hướng dẫn làm hồ sơ ngay tại chỗ. Mỗi lần tổ chức ít nhất cũng giới thiệu được vài chục bạn và đa số đều có việc làm ngay” - anh Nguyễn Thanh Tuấn, phó chủ tịch thường trực Hội LHTNVN huyện Nhà Bè, cho biết.
Chị Nguyễn Thanh Huyền nhờ “cà phê tuyển dụng” đã có được việc làm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). “Trước nay tôi phụ việc bán hàng tạp hóa, thu nhập không ổn định, cũng không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Được vào công ty làm việc, tôi rất vui vì không phải đi làm xa mà còn có ngày nghỉ trong tuần để chăm sóc gia đình” - chị Thanh Huyền chia sẻ.
Anh Tuấn cho biết thêm lợi thế của huyện là nằm gần một số khu công nghiệp, khu chế xuất, do vậy nguồn việc làm giới thiệu đến bạn trẻ luôn nhiều. Các buổi tư vấn hướng nghiệp thường lồng ghép với huấn luyện kỹ năng mềm khi làm việc cũng đã được Hội LHTNVN huyện tổ chức.
Phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH tổ chức sàn giao dịch việc làm theo từng quý, Hội LHTNVN Q.7 đã giải được “cơn khát” tìm việc của nhiều bạn trẻ.
Anh Trần Quốc Trung, phó chủ tịch Hội LHTNVN Q.7, nói: “Giúp thanh niên tìm việc làm là một trong những nội dung được Hội tập trung vì khi thanh niên có việc làm sẽ ổn định cuộc sống, đóng góp cho gia đình và xã hội. Thông tin về tuyển dụng luôn được chúng tôi cập nhật chuyển về các phường để các bạn trẻ dễ tiếp cận nhất. Không chỉ các bạn vừa ra trường tìm được việc làm mà có những bạn cũng kiếm được việc làm tốt hơn để thay đổi môi trường làm việc, phát huy chuyên môn và tăng thu nhập”.
Tại nhiều Hội LHTNVN quận, huyện đã cho ra đời các văn phòng hỗ trợ thanh niên để bố trí cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm hỗ trợ thanh niên trong công tác vay vốn tạo việc làm, cập nhật nguồn thông tin tuyển dụng giới thiệu việc làm cho thanh niên.
“Bảng thông tin việc làm” đến tận phường, xã Theo kết quả thực hiện công tác Hội và phong trào thanh niên TP.HCM năm 2015, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên được đẩy mạnh từ cấp thành đến cơ sở. Hội LHTNVN các quận, huyện phối hợp các đơn vị tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngày hội thanh niên với nghề nghiệp, tuần lễ mua sắm và hướng nghiệp. Năm 2015, mô hình “Bảng thông tin việc làm” đã được triển khai đến 319 phường, xã, thị trấn trên toàn TP. Qua đó đã có hơn 51.600 thanh niên được giới thiệu việc làm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận