29/09/2012 07:40 GMT+7

Kết luận sơ bộ nguyên nhân chìm tàu Vinalines Queen

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Cục Hàng hải Việt Nam đã có kết luận điều tra đối với vụ tàu Vinalines Queen bị chìm tại vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines) khi đi từ Indonesia sang Trung Quốc làm 22 người mất tích ngày 25-12-2011.

Xem hồ sơ thuyền viên tàu Vinalines Queen mất tích trên TTO

1EjRdUqe.jpgPhóng to
Thuyền viên Đậu Ngọc Hùng (giữa) người sống sót duy nhất trong vụ chìm tàu - Ảnh: Nguyễn Khánh

Kết luận trên được tổ điều tra tai nạn đối với tàu Vinalines Queen đưa ra dựa trên căn cứ các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của tàu, báo cáo quá trình xếp hàng hóa lên tàu, thông báo của thuyền trưởng khi tàu bị nghiêng và tường trình của thuyền viên Đậu Ngọc Hùng (người duy nhất sống sót trong vụ chìm tàu).

Lỗi do thao tác của thuyền trưởng?

Tàu Vinalines Queen thuộc quản lý của Công ty vận tải biển Vinalines (thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam). Tàu có tải trọng 56.040 tấn, đóng năm 2005 tại Nhật Bản. Tàu bị nạn khi chở 54.400 tấn quặng nickel từ cảng Morowali (Indonesia) đến cảng Ningde (Trung Quốc) và mất liên lạc tại tọa độ 20 độ vĩ Bắc - 123,47 độ kinh Đông (phía đông bắc đảo Luzon, Philippines). Trong số 23 thuyền viên trên tàu chỉ có thuyền viên Đậu Ngọc Hùng thoát được và được tàu London Courage (quốc tịch Anh) cứu khi đang trôi dạt trên biển ngày 30-12-2011, 22 thuyền viên đến nay chưa thấy dấu tích. Thời điểm bị nạn, tàu do thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện điều khiển và tàu đang được Công ty Prime East Shipping thuê.

Theo tổ điều tra, trong hành trình của tàu từ Indonesia sang Trung Quốc từ ngày 21-12-2011 trở đi gặp thời tiết xấu. Đặc biệt từ ngày 24-12-2011, tàu tiếp tục hành trình trong lúc gió đông bắc cấp 8-9, biển động dữ dội, sóng cao 5-6m. Ngày 25-12-2011, khu vực tàu bị nạn sóng biển cao hơn 6m, sóng lừng hướng đông bắc cao 3-4m. Thông tin này căn cứ trên các bản tin thời tiết và lời kể của thuyền viên Đậu Ngọc Hùng.

Bên cạnh đó, việc tàu Vinalines Queen chở 54.400 tấn quặng nickel gặp thời tiết xấu làm tàu lắc mạnh, có khả năng làm quặng trong các hầm hàng cọ xát mạnh dẫn đến bị hóa lỏng. Tổ điều tra cũng nhận định không loại trừ khả năng các nắp hầm hàng, lối lên xuống hầm hàng không được thuyền viên đóng kín trước khi tàu rời cảng nên khi gặp thời tiết xấu khiến nước biển vào hầm hàng làm quặng bị hóa lỏng. Mặt khác, do sóng gió tác động vào mạn phải làm tàu có xu hướng nghiêng sang mạn trái dẫn đến lượng hàng hóa lỏng trong các hầm dồn sang mạn trái, càng làm tàu nghiêng mạnh.

Căn cứ các thông tin do thuyền trưởng báo về Công ty vận tải biển Vinalines (chủ tàu) trước khi tàu bị nạn, tổ điều tra cũng nhận xét các quyết định của thuyền trưởng. Cụ thể, khi tàu bị nghiêng khoảng 20 độ bên trái, thuyền trưởng đã đổi hướng đi sang 240 độ và tàu đang chạy xuôi sóng. Sau đó, tàu còn nghiêng trái 18 độ thì tiến hành bơm ballast (nước dằn cân bằng tàu) để chỉnh nghiêng tàu... Tuy nhiên, quyết định này không hiệu quả bởi khi tàu nghiêng, trọng tâm nước dằn chuyển dịch sang bên mạn nghiêng. Việc bơm nước dằn không đầy két làm giảm tính ổn định của tàu lúc đó.

Theo tổ điều tra, khi đối mặt tình huống nguy cấp (tàu bị nghiêng lớn trong điều kiện thời tiết xấu), thuyền trưởng tàu Vinalines Queen đã đưa ra các quyết định điều chỉnh độ nghiêng tàu và chuyển sang hướng đi về nơi an toàn gần nhất nhằm mục đích cứu thuyền viên và tài sản. Tuy nhiên, vì không xác định được nguyên nhân tàu nghiêng nên các biện pháp trên của thuyền trưởng không có hiệu quả. Mặt khác, do không thể đánh giá được nguy cơ lật tàu nên thuyền trưởng đã không kịp đưa ra quyết định phù hợp như phát tín hiệu cấp cứu, tổ chức rời bỏ tàu kịp thời để cứu thuyền viên.

Hàng hóa xếp không đảm bảo

Thông qua tường trình của thuyền viên Đậu Ngọc Hùng, tổ điều tra cũng cho rằng việc xếp quặng lên tàu bằng các cẩu tàu có gầu ngoạm, múc quặng từ các sà lan đổ lên các hầm hàng mà không dùng xe ủi để san quặng cũng có thể làm việc san phẳng quặng trên tàu Vinalines Queen không đảm bảo, khiến có thể có các khoảng trống tại khu vực các góc, sát vách ngăn của hầm hàng. Bên cạnh đó, cũng không thấy bằng chứng phía tàu Vinalines Queen đã xác định lại độ ẩm thực tế của quặng trước khi được xếp lên tàu.

Lý giải việc các thiết bị vô tuyến điện trên tàu Vinalines Queen không phát tín hiệu khi bị tai nạn, báo cáo điều tra đưa ra khả năng thuyền trưởng chưa chủ động phát tín hiệu cấp cứu bằng các thiết bị này. Còn với phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp EPIRB cũng không phát tín hiệu lên vệ tinh, tổ điều tra nhận định: phao EPIRB không được đặt đúng vị trí theo quy định hoặc khi tàu chìm phao bung ra nhưng lại vướng vào các kết cấu của tàu và chìm luôn theo tàu, hoặc thuyền trưởng chưa chủ động kích hoạt phao bằng chế độ cưỡng bức.

Bài học kinh nghiệm được tổ điều tra đưa ra trong vụ việc này là khi tàu chở quặng nickel, thuyền trưởng phải tuân thủ đầy đủ quy định, phải kiểm tra độ ẩm thực tế của hàng hóa, chỉ chấp nhận xếp lên tàu khi khẳng định được rằng độ ẩm của nó phải nhỏ hơn giới hạn độ ẩm chuyên chở; thuyền trưởng cần lưu tâm thích đáng đến công tác xếp hàng khi vận chuyển quặng nickel từ Indonesia, Philippines trong thời gian mùa mưa (tháng 8 đến tháng 1 hằng năm); các quy trình an toàn phải được thuyền viên trên tàu nghiêm túc tuân thủ; thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất trên tàu khi xử lý các tình huống khẩn cấp phải kịp thời, phù hợp với kinh nghiệm lành nghề của người đi biển nhằm hạn chế tổn thất về người, tài sản, và bảo vệ môi trường biển.

Tiếp tục điều tra

Tại cuộc họp báo chiều 28-9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết kết luận trên của tổ điều tra do Cục Hàng hải chủ trì mới chỉ là kết luận sơ bộ. Bộ GTVT sẽ thẩm định việc điều tra bằng phương pháp khách quan, đầy đủ hơn để có kết luận chính thức và thông báo trên phương tiện truyền thông.

Trả lời báo chí về kết quả điều tra nêu nguyên nhân chìm tàu chủ yếu do lỗi thuyền trưởng, ông Trường cho biết điều tra tai nạn trên biển rất phức tạp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm trong đánh giá tai nạn cũng như tính toán sự phức tạp. Vì vậy, người điều tra dựa vào một số yếu tố tình trạng kỹ thuật của tàu, trình độ sĩ quan, thuyền viên và điều kiện thời tiết... Với tàu Vinalines Queen thì thấy tình trạng tàu tốt, đã được kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận. Sĩ quan, thuyền viên đảm bảo tiêu chuẩn theo công ước quốc tế. “Theo quy định chung, vận hành con tàu được quyết định bởi những cấp chỉ huy cao nhất nên trong quá trình điều tra sẽ nghiên cứu các yếu tố đó. Bộ sẽ điều tra khách quan, toàn diện để có kết luận chính xác hơn” - ông Trường cho biết.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên