Anh Bo đã đưa măng tây xanh "kết duyên" trên vùng đất lúa - Ảnh: C.CÔNG
Anh Nguyễn Ri Bo, chủ trang trại măng tây xanh (ấp Đông Thạnh, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), hào hứng kể.
Theo anh Bo, từ 10 công lúa, anh làm 1 năm 3 vụ nhưng sinh kế gia đình cũng không cải thiện, có chăng hết vụ anh lại đổi lúa cũ để lấy lúa mới. Do vậy hơn 3 năm trước, anh cho thuê 10 công đất ruộng với giá 30 triệu đồng/năm.
Chạy xe đêm kiếm tiền trồng măng tây
"30 triệu đồng/năm tôi thấy đâu đủ. Con cái ăn học, ăn uống gia đình nên tôi lái xe phụ thêm. Đi nhiều biết nhiều, thấy người ta trồng măng tây xanh, tôi quyết định bỏ nghề ôm vôlăng để lập nghiệp trên mảnh đất của mình" - anh Bo chia sẻ.
Ban đầu, anh Bo đem cây măng tây xanh về trồng thử nghiệm trên đất ruộng, không ít người bàn ra tán vào: người bảo trồng cỏ cho bò ăn, người cười và cho rằng trồng lúa "ngon ăn" hơn. Bỏ ngoài tai tất cả, anh Bo quyết chí theo đuổi bằng được trồng măng tây xanh trên đất ruộng của gia đình.
Măng tây xanh phát triển tốt. Sau đó, năm 2020 nhân rộng trồng 10 công măng tây xanh (trồng bằng phương pháp hữu cơ) nên anh Bo và vợ là chị Phan Thị Thùy Trang làm việc không ngừng nghỉ.
Sáng, chiều anh đều ra ruộng chăm cây. Tối về hai vợ chồng "đồng lòng" lái xe tải mướn với 900.000 đồng/chuyến để có tiền đầu tư và trả tiền nhân công 200.000 đồng/ngày/người.
Chị Thùy Trang nhớ: "Lúc đó tôi lo lắm chứ! Ăn ngủ nào có yên đâu. Ban đầu thiếu hụt tùm lum hết, vợ chồng chạy xe tải ban đêm kiếm thêm tiền. Có khi tôi và ảnh chạy 3 chuyến trên đêm. Sau này nhìn ruộng măng tây phát triển tốt tôi vui lắm".
Có măng tây xanh anh Bo và chị Trang lại gặp khó đầu ra sản phẩm. Mỗi ngày anh chạy xe gần 200km, hết đi Đồng Tháp, An Giang rồi về lại TP Cần Thơ để chào hàng măng tây xanh của gia đình.
Dần dà đầu ra sản phẩm ổn định. Đến nay, anh Bo thu hoạch xen kẽ ổn định khoảng 50kg/lần, bán với giá bán 60.000 - 100.000 đồng kg (tùy loại), bỏ túi "gọn hơ" tiền triệu sau khi trừ đi hết chi phí thuê mướn nhân công.
Độc đáo trà măng tây xanh
Do dịch bệnh COVID-19, anh Bo cho rằng hiện sức tiêu thụ măng tây xanh trên thị trường ở các tỉnh miền Tây bị sụt giảm 30-40%. Vì thế, tìm hướng đi mới cho măng tây xanh (mệnh danh hoàng đế dinh dưỡng), anh chế biến trà măng tây xanh "độc đáo", đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Trà măng tây xanh anh Bo làm cũng lắm công phu. Bởi vì lúc đầu anh lấy thân cây măng tây cắt khúc làm trà. Sản phẩm thu lại chưa được như ý anh mong muốn. Sau đó, anh và chị Thùy Trang chọn gốc của cây măng tây xanh non - gốc măng này anh rửa sạch và cắt lát nhỏ để làm trà.
"Gốc non măng tây xanh tôi cắt ra và chế biến thành trà vẫn còn giữ được độ vàng. Khi uống trà có mùi thơm nhẹ, vị ngọt đặc trưng của măng và rất tốt cho sức khỏe của người sử dụng..." - anh Bo bày tỏ.
Anh Bo phải sử dụng khoảng 20kg gốc măng tây xanh non mới làm ra được 1kg trà. Trà măng tây xanh anh Bo dự kiến bán ra thị trường với giá dao động 500.000 - 1 triệu đồng (tùy vào số lượng trà anh đóng gói bao bì).
Ông Lê Hữu Trạng, phó Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, nhìn nhận ở địa phương anh Bo trồng măng tây xanh hiệu quả. Đồng thời, trồng theo phương pháp hữu cơ nên sản phẩm măng tây xanh của anh Bo an toàn và được người tiêu dùng ưu chuộng.
"Măng tây xanh anh Bo chế biến thành trà là hướng đi khá hay. Cách làm này của gia đình anh Bo không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm măng tây xanh mà còn góp phần ổn định kinh tế gia đình" - ông Trạng nói.
Tạo việc làm cho bà con chòm xóm
Anh Lê Thanh Tuấn, ở ấp Đông Thạnh, cho biết từ khi cây măng tây xanh "kết duyên" trên ruộng lúa của anh Bo, anh Tuấn và bà con chòm xóm có việc làm ổn định.
Ngoài việc chăm sóc ruộng măng tây xanh như mần cỏ, cắt những cây măng già, anh Tuấn còn thu hoạch măng non. Mỗi ngày anh được tiền công 200.000 đồng (khoảng 6 triệu đồng/tháng).
"Ở vùng quê, số tiền 6 triệu đồng này tôi không chỉ mua dầu ăn, đường, bột ngọt... mà còn có thể dành tiết kiệm nữa!" - anh Tuấn chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận