12/08/2013 09:20 GMT+7

Kẹt cứng vì đường ngang xe lửa

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG

TT - Tuyến đường sắt Bắc - Nam thọc sâu vào nội thành TP.HCM, giao cắt nhiều trục đường chính ở các quận 3, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận... dẫn đến ùn ứ, kẹt xe tại các điểm giao cắt, nhất là giờ cao điểm.

zD290adg.jpgPhóng to
Điểm giao cắt đường sắt tại ngã tư Bình Triệu, TP.HCM thường xuyên gây kẹt xe vào giờ cao điểm (ảnh chụp chiều 11-8) -Ảnh: H.T.VÂN
xTLHuyHq.jpgPhóng to
Đường sắt Bắc - Nam cắt ngang quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức, TP.HCM) khiến giao thông qua khu vực này thường xuyên bị ùn ứ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đại diện ga Sài Gòn cho biết mỗi ngày ít nhất có 20 chuyến tàu ra vào nội thành, còn dịp cao điểm (lễ tết, cuối tuần) có thể lên 26 chuyến. Đó là chưa kể các toa đầu kéo tàu hàng chạy qua lại giữa ga Sóng Thần (Bình Dương) và ga Sài Gòn (TP.HCM) chuyển hàng. Vào giờ cao điểm sáng (6g-8g30) có hai chuyến xuất phát từ ga Sài Gòn là tàu SE8 và SPT 12, hai chuyến đến Sài Gòn là tàu SQN1 và SN3. Vào giờ cao điểm chiều (16g30-19g) có ba chuyến xuất phát từ ga Sài Gòn là tàu SE2, SQN2, PT4 và có một chuyến đến ga Sài Gòn là tàu SE5.

Hàng ngàn xe cộ chờ một chuyến tàu

7g30 sáng 30-7 tại giao lộ Hoàng Văn Thụ - đường sắt Bắc - Nam (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), khi xe cộ đang đông nghẹt thì bỗng nghe tiếng chuông kêu reng reng, nhân viên gác xe lửa kéo thanh barie chắn ngang đường Hoàng Văn Thụ khiến dòng xe khựng lại. Khi thanh chắn được kéo xuống, phải mất khoảng 30 giây sau đoàn tàu mới lao tới. Nhưng lần này không phải là một đoàn tàu hàng chục toa kéo dài mà chỉ có một toa đơn lẻ.

Đường Hoàng Văn Thụ đoạn giao cắt với đường sắt Bắc - Nam khá hẹp, có nhiều giao lộ nên lượng xe cộ rất đông. Đoạn từ điểm giao cắt đường sắt Bắc - Nam đến giao lộ Hoàng Văn Thụ - Hồ Văn Huê chỉ dài khoảng 50m nên chỉ cần dừng chờ tàu một vài phút là xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ. Một người dân buôn bán gần khu vực này cho biết bình quân khoảng một giờ có một chuyến tàu chạy qua nên tình trạng kẹt xe xảy ra liên tục, phải mất gần 10 phút sau giao thông mới trở lại bình thường.

Tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi vào sân bay Tân Sơn Nhất là trục đường chính chạy vào trung tâm TP.HCM. Giao thông trên tuyến đường này thường xuyên bị ngắt quãng vì phải nhường đường cho tàu hỏa. Do tuyến đường này phải dùng hệ thống barie kéo nên mất nhiều thời gian, khi gặp những đoàn tàu khách (hơn 10 toa) người đi đường phải chờ hơn hai phút. Nhiều người chạy xe trên tuyến đường này, nhất là xe vào sân bay Tân Sơn Nhất, rất bức xúc khi dừng chờ tàu qua bởi sợ trễ giờ máy bay.

Cảnh kẹt xe nặng nề nhất là ở điểm giao cắt quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức). Đây là tuyến đường cửa ngõ đông bắc TP và là tuyến đường được quy định cho xe chở khách ra vào bến xe miền Đông. Gặp những lúc có tàu hỏa chạy qua, hàng ngàn xe xếp hàng chờ qua đây mất gần mười phút. Theo ghi nhận, dù các nhân viên trực gác chắn thường xuyên tìm cách rút ngắn thời gian chờ tàu cho người đi đường bằng cách kéo barie khi tàu đến gần và mở barie trước lúc tàu chạy qua nhưng tình trạng ùn ứ, kẹt xe sau mỗi lần tàu chạy qua là điều không tránh khỏi.

Ngoài những trục đường chính, các nhánh đường nhỏ băng ngang đường sắt cũng thường xuyên bị kẹt xe mỗi lần có tàu chạy qua. Trên đường Kha Vạn Cân có nhiều đường băng ngang đường sắt để vào các khu dân cư phía trong P.Hiệp Bình Chánh, P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức). Mỗi lần có tàu chạy qua, xe cộ trên đường Kha Vạn Cân lại bị “vạ lây” vì xe quẹo vào khu dân cư bị tắc lại, tràn xuống đường Kha Vạn Cân khiến cả tuyến đường này ùn ứ.

Tương tự, đường Bình Lợi, đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) thường xuyên bị “nghẽn mạch” vì tàu hỏa. Mỗi lần chờ tàu hỏa xong, xe cộ từ đường Nơ Trang Long, Bình Lợi và từ hai hướng đường song hành dọc đường tàu cứ châu đầu vào nhau. Vào giờ cao điểm, lực lượng dân quân được huy động điều tiết giao thông tại đây nhưng tình trạng kẹt xe vẫn thường xảy ra.

Chờ đến bao giờ?

Có thể nói tình trạng kẹt xe do tàu hỏa gây ra ngày càng nặng nề là do số lượng xe các loại ngày càng nhiều. Theo Ban An toàn giao thông TP.HCM, bình quân mỗi ngày TP có thêm 1.000-1.200 xe máy và khoảng 100 ôtô các loại. Trong khi đó, việc tổ chức giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ vẫn không thay đổi nhiều so với cách đây gần 37 năm, khi đường sắt Bắc - Nam hoạt động trở lại.

Ông Vũ Tá Tùng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN - cho biết ngành đường sắt có thực hiện một số biện pháp nhằm làm giảm áp lực giao thông ở TP.HCM. Theo đó, tổng công ty thường chuyển nhiều đoàn tàu Thống Nhất khởi hành vào ban đêm từ ga Sài Gòn hoặc đến ga Sài Gòn vào 4-5g sáng. Tuy nhiên, do đây là tuyến đường độc đạo (đường sắt đơn) và các đoàn tàu về đến ga Sài Gòn là đường cụt, nên việc sắp xếp cũng như bố trí các đoàn tàu tránh lưu thông vào ban ngày hoặc tránh đi vào giờ cao điểm rất khó khăn. Nhằm giảm áp lực giao thông ở TP.HCM, Tổng công ty Đường sắt VN chuẩn bị đầu tư xây dựng trạm đầu máy tàu hàng ở ga Sóng Thần. Dự kiến cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015 sẽ đưa trạm này vào hoạt động thì các tàu hàng sẽ được xử lý ngay tại ga Sóng Thần, giảm được số lượng tàu hàng ra vào ga Sài Gòn.

Về căn cơ, theo ông Vũ Tá Tùng, Thủ tướng chỉ đạo giao Tổng công ty Đường sắt VN làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) về ga Sài Gòn. Đơn vị này đã ký hợp đồng với một đơn vị tư vấn thiết kế lập báo cáo khả thi xây dựng tuyến đường sắt trên cao. Dự tính trong năm 2013 sẽ hoàn thành thiết kế, nếu tập trung nguồn vốn đầu tư thì hi vọng công trình sẽ sớm khởi công xây dựng. Khi hình thành tuyến đường sắt trên cao (theo lộ trình cũ của tuyến đường sắt trên mặt đất hiện nay), nỗi lo kẹt xe tại 17 tuyến đường sắt cắt ngang đường bộ ở TP.HCM mới được giải quyết triệt để.

Ga Đà Nẵng: sau năm 2020 mới tính chuyện di dời

Theo ông Đặng Sĩ Mạnh - trưởng Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 2 (đóng tại Đà Nẵng), từ năm 2002 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống nhà ga đường sắt Đà Nẵng, trong đó có việc di dời toàn bộ hệ thống nhà ga này ra khỏi khu vực nội thành. Từ đó đến nay, hơn 11 năm trôi qua mà mọi chuyện vẫn như cũ.

Theo ông Mạnh, hiện có 39km đường sắt đi qua địa phận Đà Nẵng cùng với 18 đơn vị đầu mối như thông tin tín hiệu, toa xe, đầu máy... hầu hết tập trung trên địa bàn quận Thanh Khê. Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết ngày 3-8-2012, Bộ Giao thông vận tải có công văn (số 6367) gửi đến các bộ, ngành trung ương và chính quyền TP Đà Nẵng trả lời kiến nghị của cử tri TP về việc “khi nào sẽ di dời nhà ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi nội thành?”. Theo công văn này, việc di dời ga Đà Nẵng đến vị trí mới (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Thủ tướng phê duyệt với nội dung: di dời ga Đà Nẵng ra vị trí mới sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011-2020, kinh phí theo thời giá năm 2009 khoảng 1.080 tỉ đồng, nguồn vốn huy động từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp hoặc BOT. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên hầu như không có vốn để bố trí triển khai dự án mới từ nay (2012) đến năm 2015. Riêng việc xây dựng ga Đà Nẵng mới sẽ được xem xét sau năm 2020.

Trong khi đó ở góc độ địa phương, ông Dương Thành Thị - chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - cho biết để đảm bảo quy hoạch đô thị trong tương lai, từ năm 2004 chính quyền TP Đà Nẵng dành hơn 250ha đất tại hai phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh để phục vụ việc di dời hệ thống ga Đà Nẵng từ nội thành ra. Gần 10 năm qua, dự án ga đường sắt mới vẫn rơi vào tình trạng “treo” khiến người dân nằm trong vùng quy hoạch này gặp nhiều khó khăn.

Đ.NAM

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên