Kênh đào Panama là công trình kiến trúc có tuổi đời hàng thế kỷ. Đây là tuyến đường thủy nhân tạo dài 82km ở Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, phân chia Bắc và Nam Mỹ.
Mực nước xuống thấp, lượng tàu qua kênh giảm 50%
Các chủ hàng trên toàn thế giới phải nối đuôi nhau nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần do gặp phải mức nước thấp trên một đoạn kênh Panama.
Những công ty vận chuyển ô tô, hàng tiêu dùng, trái cây và nhiên liệu có thể phải trả hàng triệu USD để được vượt lên trước trám vào vị trí một con tàu đã đặt chỗ nhưng bị loại.
Nếu không, họ phải đưa con tàu đi vòng hàng ngàn km, quanh mũi phía nam của châu Phi và Nam Mỹ, hoặc qua kênh đào Suez đông đúc không kém.
Mỗi lựa chọn đều làm tăng thêm chi phí, trong bối cảnh chính phủ nhiều nước trên thế giới đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát.
Tình trạng thắt cổ chai sẽ càng trầm trọng hơn trong những tháng tới, khi Panama bước vào mùa khô hằng năm, thường bắt đầu vào tháng 12 kéo dài đến tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau.
Paul Snell, giám đốc điều hành của British American Shipping - công ty vận chuyển 20.000 - 40.000 container hàng hóa mỗi năm, than thở: “Chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chi phí tăng cao hơn và chuỗi cung ứng kém hiệu quả hơn”.
Hồ Gatun, nơi tạo thành một đoạn quan trọng của hệ thống kênh đào và cung cấp nước ngọt cho các cửa sông, nhận lượng nước mưa kém hẳn trong năm nay do El Niño tàn phá.
Vì vậy Cơ quan quản lý kênh đào Panama đã giảm số lượng tàu được phép đi qua, từ mức trung bình 36-38 tàu mỗi ngày trước đây xuống 18 tàu - chỉ bằng một nửa so với bình thường.
Người tiêu dùng "lãnh đủ"
Nhiều công ty, đặc biệt là những công ty vận chuyển nhiên liệu từ bờ vịnh Mexico nước Mỹ đến châu Á, đã sẵn sàng trả thêm tiền để đảm bảo tàu của họ có thể đi qua được.
Cơ quan chức năng tổ chức đấu giá mỗi khi có một con tàu hủy đặt chỗ. Chỗ trống để đấu giá trong năm 2023 đã lên tới 4 triệu USD. Một năm trước, giá trung bình của các chỗ trống chỉ vào khoảng 173.000 USD, theo dữ liệu từ đại lý vận tải biển Waypoint Port Services.
Tính đến 20-11 năm nay, các nhà vận chuyển toàn cầu đã chi 230 triệu USD cho đấu giá để giành chỗ trên kênh đào Panama.
Các chủ hàng khác lựa chọn những con đường vòng sẽ phải kéo dài lộ trình vận chuyển thêm hàng ngàn km và mất hơn một tuần trên biển, đôi khi phải đi qua vùng biển nguy hiểm.
Tàu Pyxis Pioneer, chở khí hóa lỏng, vào tháng 11 đã đi qua eo biển Magellan đầy gió gần điểm cực nam của Nam Mỹ, theo sau là một chuyến hàng chở các sản phẩm xăng của Chile hướng đến New York và một tàu chở dầu xuất phát từ Nam Mexico đến vịnh của Mỹ.
Các tàu từ bờ vịnh hoặc miền đông nước Mỹ có thể đã đi đến châu Á qua kênh đào này, giờ lại đi theo hướng ngược lại. Họ phải định tuyến lại quanh mũi Hảo Vọng của Nam Phi hoặc qua kênh đào Suez của Ai Cập.
Mỗi tuyến đường sẽ cộng thêm từ 10 ngày đến ba tuần cho chuyến đi, tùy thuộc vào tốc độ tàu chạy. Theo Avance Gas Holding Ltd., khoảng 50 tàu chở khí đốt rất lớn hiện đang có hành trình trở về Mỹ qua kênh đào Suez hoặc mũi Hảo Vọng, thay vì chỉ có 10 tàu hồi tháng 7.
Phát biểu tại hội nghị về khí đốt và khí hóa lỏng Wood Mackenzie ở London, James Allen, phó chủ tịch điều hành và cho thuê khí hóa lỏng tại Công ty Cheniere Energy Inc., cho biết:
“Tôi ngủ ngon hơn vào ban đêm khi biết rằng tôi sẽ vòng quanh mũi Hảo Vọng hoặc kênh đào Suez mà không phải xếp hàng chờ đợi. Đặc biệt là khi tình hình bắt đầu thực sự tuyệt vọng và bạn phải trả 4 triệu USD”.
Các công ty vận chuyển đang cộng các chi phí tăng thêm cho khách hàng của họ. Theo đó, các công ty Hapag-Lloyd AG, Mediterranean Shipping. và Maersk đều đã công bố các khoản phụ phí mới liên quan đến kênh đào Panama trong những tháng gần đây.
Nhà kinh tế Inga Fechner của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu ING Research cho biết sự kiện trên tác động lên giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận