Báo cáo trình Quốc hội ngày 21-5 của Bộ trưởng Kênh đào Roberto Roy cho biết trong năm 2014 - năm kênh đào Panama tròn 100 tuổi - công trình nổi tiếng thế giới này đã mang lại nguồn thu 1,03 tỷ USD, vượt 6,6% so với mục tiêu đề ra.
Thế nhưng, mặc điều kiện kết nối hàng hải vô cùng lý tưởng của kênh đào, hoạt động hậu cần của Panama chỉ xếp thứ 45 trong các nước trên thế giới - theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).
Đơn cử, việc vận chuyển một container từ vùng trồng cà phê Chiquirí tại miền Tây Panama tới Cảng Colón tại phía Bắc kênh đào cũng có chi phí tương đương với việc vận chuyển tiếp container này tới tận cảng Rotterdam của Hà Lan (đều 800 USD).
Theo ước tính của một số chuyên gia, cước phí vận chuyển trung bình của Panama nói riêng và của Mỹ Latinh có thể vượt tới 4 lần cước phí tại các nước phát triển là thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và tốc độ vận chuyển hàng hóa trung bình tại khu vực này chỉ ở mức 19 km/h.
Trong thời gian tới, với việc hoàn thành mở rộng kênh đào vào năm 2016, Chính phủ Panama đề ra mục tiêu phát triển tổ hợp hậu cần phục vụ hoạt động thương mại toàn cầu để tận dụng tốt hơn vị thế của kênh đào huyết mạch nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận