03/08/2014 05:15 GMT+7

Kế hoạch 20 năm của một "hai lúa"

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TT - Gia đình tám người. Cha học hết lớp 3 trường làng, mẹ học hết lớp 1, thế nhưng trong sáu người con có đến năm người tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định, người còn lại cũng học hết lớp 12.

Đốm lửa trong ngôi nhà tâm thầnCác hạnh phúc luôn song hànhNụ cười trong sóng gió

bobqVqTH.jpgPhóng to
Hằng ngày ông Tư vẫn đi đặt lờ, giăng câu để cải thiện cuộc sống chứ không trông vào sự trợ cấp từ các con - Ảnh: Thúy Hằng

Đó là gia đình của ông Trần Văn Tư, 67 tuổi, ngụ xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Năm 1989, cuộc sống gia đình khó khăn, ông Tư rời quê nhà (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) để lên vùng kinh tế mới huyện Tân Phước tìm kế sinh nhai.

Cha con cùng “cày ruộng”

"Trong cái khó ló cái khôn. Người ta nói đầu xuôi đuôi lọt, con đông thì cố gắng nuôi dạy đứa đầu lòng, những đứa sau sẽ noi theo"

Ông nói về những gian khổ trong quá trình nuôi sáu người con

Khi đến Tân Phước, ông được chính quyền cấp 2ha đất. Nhưng Tân Phước là vùng hoang hóa, ông Tư vào khai hoang chỉ dám mang theo ba con trai, chứ vợ và hai con gái không dám mang theo. “Năm tui vào đây thì hai con trai phải nghỉ học đi theo, một đứa nữa chưa tới tuổi đi học cũng lẽo đẽo đi theo xách nước cho cha con tui. Khổ quá đành cho tụi nó nghỉ học chứ trong bụng không nỡ” - ông Tư nói.

Hành trang của bốn cha con là 2ha đất hoang, 70.000 đồng và chút kỹ thuật trồng khoai mỡ học lóm từ bạn bè. Mấy cha con về đấy che lều rồi ngày đêm quần quật phá cỏ, đào đất, lên liếp cả năm trời mới xong. Nhờ siêng năng nên ngay năm đầu tiên khoai đã trúng mùa, gặp lúc trúng giá nên thu nhập rất khá. Thấy có thể sống được ở đất này nên ông quyết định đón hết vợ con vào định cư luôn. Thời gian dần trôi, khi cuộc sống đã ổn định, ông Tư bắt đầu nghĩ về hoài bão lớn nhất cuộc đời mình là cho các con ăn học thành tài.

Thế nhưng ở một nơi mà đất rộng người thưa, điện, đường, trường, trạm đều không có nên việc đi học rất khó khăn. Ba người con trai phải đi học xa hàng chục cây số, con gái thì ông cõng đi học gửi mỗi ngày. Anh Trần Quang Phục, con trai lớn của ông Tư, nhớ lại: “Mỗi ngày đi học đạp xe gần 20km về Mỹ Phước Tây, học về còn phải ra ruộng phụ ba. Rồi sau này ba cho đi bộ đội ở Cần Thơ để học tính tự lập, vừa đi bộ đội cũng tranh thủ học bổ túc. Đến khi vừa xuất ngũ là đậu đại học luôn”. Những năm sống ở Cần Thơ đem lại cho anh Phục kinh nghiệm sống rất quý giá. Thế là anh định hướng cho các em đi theo mình. Rồi lần lượt bốn người em kế chọn con đường vào Trường đại học Cần Thơ để có thể lo lắng cho nhau trong những ngày học tập nơi xứ lạ.

Kế hoạch 20 năm

Khi giới thiệu những người con, ông Tư hân hoan kể: con gái lớn đã có gia đình ổn định, con trai lớn nay công tác tại Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Phước, con trai kế đang là giảng viên Trường ĐH Tiền Giang, người con kế nữa đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa hiện đang học lên thạc sĩ, con gái thứ công tác tại một ngân hàng ở thành phố Cần Thơ và con trai út công tác tại Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang.

Ông Tư tự nhận gia tài quý nhất của mình chính là đàn con khỏe mạnh, biết nghe lời. Thấm thía cái nghèo, cái dốt suốt mấy chục năm trời nên hai vợ chồng đã sớm gieo được ý chí thoát nghèo, xóa lạc hậu cho các con. Ngay thời kỳ gian khổ, ông Tư đã vạch ra kế hoạch 20 năm trừ đói, trừ dốt. “Năm đó lợi dụng một vụ mùa bội thu, gia đình tụ họp đầy đủ cùng bàn bạc, tui đặt ra kế hoạch 20 năm. Về trừ đói: vợ chồng tui ráng sức lao động, tiết kiệm. Cây trồng, vật nuôi tui cũng tìm giống cây, con thích hợp vùng này, điển hình như khoai, khóm vượt lũ, chăn nuôi bò, heo, gà, cá nước phèn như cá trê, rô phi... Những việc này vợ chồng tui cùng con gái đảm nhận. Về trừ dốt: đường, trường có rồi, các con phải trở lại học đường, cố gắng ra sức học tập sẽ có ngày thành đạt. Dù không thành chẳng giúp đời thì cũng giúp thân. Nhỏ làm việc nhỏ, nhỏ mà có lợi, có ích. Tùy sức mà làm, nhiệm vụ này các con đảm trách. Sau khi bàn bạc thống nhất đưa ra quy ước chung, tui đặt tên là kế hoạch 20 năm, việc ai nấy làm. Kết quả hoàn thành kế hoạch trước một năm. Giờ các con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm, vợ chồng tui cũng đủ cơm ăn, áo mặc”.

Để kế hoạch được thực hiện, hằng năm nhân dịp tết, dịp hè ông Tư thường tổ chức họp gia đình nhắc nhở các con gắng công học tập, làm tốt quy ước 20 năm. Tổ chức họp đột xuất thêm trong năm nếu có vụ mùa bội thu hoặc có người nào học lực xuống, đạo đức kém.

20 năm theo đuổi một hoài bão trên vùng đất mới với đàn con sáu đứa quả thật không dễ chút nào, nhất là với một nông dân nghèo, học vấn thấp. Ông Tư bảo làm được như thế là nhờ lập trường kiên định của bản thân, sự ủng hộ của vợ và ý chí vươn lên, chịu khó, chịu khổ của các con.

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên