Bà Lòng (giữa) bên những người con đáng thương của mình. Bé Huệ ngồi thứ hai từ trái qua - Ảnh: H.Y. |
Gần 40 năm trở lại đây, ở ngôi nhà ấy người ta chỉ còn trông thấy những con người đi về trong bộ dạng của người điên.
Bi kịch của người mẹ
"Gia đình bà Lòng là trường hợp đặc biệt nhất trong thôn, sinh được bao nhiêu người con thì bấy nhiêu đều bị bệnh tâm thần. Lẽ ra đến cái tuổi nhờ cậy vào con cái thì lại phải nai lưng ra chăm sóc cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Giờ bà chỉ trông chờ vào đứa cháu duy nhất trong nhà may ra mới đưa gia đình bà Lòng thoát khỏi cảnh bi thương" Ông Nguyễn Ngọc Từ (trưởng thôn Xuân Thiên Hạ) |
Mang nặng đẻ đau được bảy người con: Phạm Thị Huyền (47 tuổi), Phạm Thị Thu (45 tuổi), Phạm Thị Tuyết (40 tuổi), Phạm Châu (38 tuổi), Phạm Thành (36 tuổi), Phạm Á và Phạm Văn Thanh (30 tuổi), vậy mà cả bảy người lớn lên đều bị tâm thần. Bà Võ Thị Lòng nhớ lại khoảng thời gian đau khổ của mình: “Hồi sinh con Huyền ra nó khỏe khoắn và đẹp lắm. Đến khi nó bắt đầu biết nói cũng là lúc tôi mang thai đứa thứ hai thì nó trở nên ngớ ngẩn, không nhận thức được điều chi. Hi vọng lớn lên nó sẽ trở lại bình thường thì con Thu sinh ra cũng giống chị nó”. Rồi cứ thế, những đứa con của bà sinh ra cứ đến 3-5 tuổi thì trở thành ngây dại.
Vốn đã chịu nhiều tổn thương lại càng đau lòng hơn khi anh Phạm Á, chơi đùa ngoài sông rồi chết đuối ở tuổi 20. Người con gái thứ hai bỏ đi biền biệt. Ở tuổi 61, ông Phạm Văn Danh, chồng bà Lòng, đau buồn đổ bệnh qua đời. Cuộc đời bà Lòng mười phần hết chín phần là nước mắt và khổ đau, phần còn lại phải gượng sống để các con có chốn đi về. Những ngày công việc đồng áng xong xuôi, bà lại đi bán rau, làm thuê kiếm gạo về nấu cơm cho con. Bà Lê Thị Thắm (55 tuổi), hàng xóm của bà Lòng, cho biết: “Đứa mô đứa nấy bỏ đi lang thang, có hôm bà Lòng phải đi cả đêm để tìm con ngoài bụi ngoài bờ. Bà Lòng vốn bị bệnh tim đi đâu ngất xỉu đó nên hàng xóm ai cũng thương”.
Giữa cái nắng rát ban trưa, tay cầm túi nilông đựng mấy chai nhựa, anh Thanh vừa bước vừa rụt rè đi vào nhà. Hằng ngày, cứ sáng sớm ngủ dậy là anh lại ra ngoài chợ xin ăn, hôm nào no thì anh ngủ ngoài đình làng còn đói thì lại về nhà mẹ đòi cơm. Không ngoan ngoãn như em trai của mình, khuôn mặt lấm lét, áo quần tơi tả, trên đầu đội chiếc nón đã bạc màu, anh Thành lầm lì bước vào nhà, cầm một quả xoài xanh cắn dở, bảo: “Đi chăn bò ngoài kia rồi người ta cho đấy. Ăn xoài đau bụng lắm mạ ơi, dọn cơm ăn mau mau”. Tất bật là thế, nhưng thấy các con đi về là bà lại bỏ hết công việc để nấu cơm cho con ăn. Bà Lòng cho biết: “Mỗi lần Châu, Thành, Thanh... về là tụi hắn lại đòi tiền, đòi áo quần mới, khi thì đòi đi chơi xa... Không có tiền tụi hắn lại đập phá đồ đạc trong nhà, xé hết áo quần, bỏ bữa rồi đi. Châu là đứa tỉnh nhất nhưng lại điên nhất, có khi hắn đi 2-3 ngày mới chịu về nhà. Đứa nào cũng lớn tuổi rồi mà tôi phải chăm bẵm như đứa trẻ mới lên 3, lên 5”.
Đốm lửa hi vọng
Đau đớn như thế, nhưng dường như ông trời không lấy đi tất cả của ai bao giờ. Mỗi lần các con lên cơn, chỉ cần bà Lòng nhắc đến cha thì họ ngoan ngoãn trở lại.
Đằng sau những thân phận con người chập chờn trong ngôi nhà đau khổ đó, ít ai ngờ rằng lại có một đốm lửa hi vọng trong cuộc đời bà Lòng: đó chính là đứa cháu gái Phạm Thị Huệ năm nay lên 10 tuổi. Huệ là con anh Châu - là người may mắn trong gia đình lấy được vợ, nhưng vợ bỏ đi vì không chịu nổi người chồng dở dở ương ương của mình. Huệ là đứa cháu rất thông minh và ngoan ngoãn, mấy năm liền là học sinh giỏi của Trường tiểu học Vinh Xuân 2. Nhưng rồi mai này bé gái ấy lớn lên như thế nào trong cái “gia đình chập chạm” này vẫn là nỗi trăn trở của bà Lòng. Mơ ước được đi học đến nơi đến chốn vẫn thấp thỏm trong lòng cô gái nhỏ bé bất hạnh này từ nay cho đến lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận