Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin phát biểu ngày 14-11 tại Đại học Hà Nội - Ảnh: THANH HIỀN
Phát biểu tại sự kiện ở Đại học Hà Nội, ông Nigmatulin bày tỏ mong muốn được hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục với Việt Nam.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong mọi lĩnh vực. Kazakhstan mở rộng cánh cửa chào đón các sinh viên Việt Nam tới Kazakhstan học tập và nghiên cứu", ông Nigmatulin nói.
Chuyến thăm của ngài Nurlan Nigmatulin tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hai nước đã và đang đạt được nhiều bước tiến trong mối quan hệ kéo dài 27 năm qua.
Kim ngạch thương mại hai chiều 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 130 triệu USD, nổi bật là trong lĩnh vực y. Chính phủ hai nước cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại về hợp tác đầu tư, du lịch, hàng không và nhiều lĩnh vực khác.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu đã đem lại những tín hiệu tích cực trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.
"Kazakhstan coi Việt Nam là đối tác chiến lược tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, chúng tôi đã thực hiện miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch Việt Nam", ông Nigmatulin nhấn mạnh.
Ông Nigmatulin cũng bày tỏ nhiều hi vọng ở thế hệ trẻ Việt Nam, khẳng định "rất bất ngờ khi biết rằng 40% dân số Việt Nam là những người trẻ. Họ sẽ là những người đóng góp vào sự phát triển của mối quan hệ giữa Việt Nam - Kazakhstan".
Nhân dịp này, ngài chủ tịch Hạ viện cũng bồi hồi nhớ lại những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển vốn có nhiều điểm tương đồng giữa hai nước: "Hai nước chúng ta đều kiên trì thực hiện ước mơ xây dựng một quốc gia độc lập.
Trong từng bước phát triển của hai quốc gia không thiếu đi bóng dáng những vị lãnh tụ vĩ đại, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Nursultan Nazarbayev".
Việt Nam và Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao từ 29-6-1992. Trước đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận chủ quyền của Kazakhstan vào tháng 12-1991, chỉ vài ngày sau khi Kazakhstan tuyên bố độc lập. Đây là sự kiện đặt nền móng cho mối quan hệ bền vững giữa hai quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận