29/06/2016 16:15 GMT+7

Katy Perry tiết lộ việc làm đầy cảm xúc ở Việt Nam

D. KIM THOA dịch
D. KIM THOA dịch

TTO - Trở lại Mỹ sau khi làm Đại sứ thiện chí cho UNICEF tại Ninh Thuận, ngôi sao Katy Perry chia sẻ những xúc cảm và ký ức đặc biệt của cô về Việt Nam.

Ảnh: Refinery29
Ảnh: Refinery29

Ở bài viết này, chúng tôi tóm lược lại những điều Katy Perry đã viết trên trang Refinery29 và giữ đại từ nhân xưng là “tôi” như cách Katy Perry viết trong bài.

Tháng trước, tôi vượt qua hơn 12.000 km để tới một vùng của Ninh Thuận, khu vực nông thôn thuộc Nam trung bộ Việt Nam, đây cũng là một trong những khu vực khó khăn nhất nước này.

Ngày thứ nhất

Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Trường giáo dục đặc biệt Quảng Sơn. Đây là ngôi trường giúp các em nhỏ khuyết tật có cơ hội được học hành bình đẳng như các bạn khác.

Có khoảng 30 em nhỏ độ tuổi 4-15 theo học ở đây. Có ba giáo viên tận tụy tại ngôi trường này, hai trong số đó là chị em gái. Họ dẫn tôi đi tham quan và mời tôi vào ngồi trong một lớp học.

Các em dạy tôi một số từ, trong đó có từ “thiên thần” và tôi biết cách ra ký hiệu đúng về từ này ngay tại lớp học. Những người thầy ở đây có lòng đam mê và sự nhẫn nại thật kỳ diệu.

Ảnh: Refinery29
Kate Perry vui đùa với một trẻ em Việt Nam - Ảnh: Refinery29

Ngày thứ 2

Tôi bắt đầu ngày thứ hai với cuộc gọi điện thoại đánh thức tôi từ sớm để tới một trung tâm y tế nông thôn có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe của trẻ em.

Tôi gặp người mẹ trẻ Chamale Thị Nghịch 22 tuổi và cậu con trai hai tuổi rưỡi tên Cường của chị. Thằng bé ốm nho và tháng ba năm nay chị đưa nó tới trung tâm.

Kể từ khi được chăm sóc tại trung tâm y tế, và hàng tuần được các nhân viên y tế tới tận nhà thăm khám, chỉ trong hơn hai tháng, Cường tăng được hơn 1,3 kg. Tôi hy vọng em sẽ tiếp tục hồi phục sức khỏe.

Ảnh: Refinery29
Kate Perry hát cùng với một em gái - Ảnh: Refinery29

Ngày thứ 3

Điểm dừng chân đầu tiên của tôi trong ngày thứ ba là trường mầm non công lập Phước Chính. Trường có 127 em bé trong độ tuổi từ 3-5, 95% các em là con em của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai.

Sau khi chơi rất lâu với các em nhỏ, tôi gặp gỡ các học sinh của trường cấp hai Ngô Quyền. Khoảng 90% trong số 200 em học sinh của trường trong độ tuổi từ 11-15 là người dân tộc Raglai.

Một em gái khiến tôi nhớ về chính mình khi ở độ tuổi thiếu niên. Em bảo tôi là em muốn trở thành nhạc sĩ, và rồi em cất tiếng hát bản Firework thật tuyệt!

Ảnh: Refinery29
Tìm hiểu về dịch vụ y tế địa phương - Ảnh: Refinery29

Ngày thứ 4

Trong ngày cuối cùng ở Việt Nam, tôi tới gặp một phụ nữ 18 tuổi tên là Úp. Chị sống với chồng và đứa con 3 tháng tuổi của họ trong một căn lều tạm.

Chị Úp và chồng chị làm việc rất vất vả để nuôi thân và nuôi con họ. Chị Úp bảo cả chị và chồng đều đã từng rất muốn đi học khi còn nhỏ, nhưng rồi không thể đến trường vì không có giấy khai sinh.

Tôi hỏi chị Úp vậy chị có định đăng ký khai sinh cho con mình để em bé được đến trường không. Và tôi sững sờ khi nghe chị bảo là muốn lắm, nhưng vì chị không biết đọc, cũng không biết viết nên chị không thể điền được vào mẫu đơn đăng ký khai sinh, và cũng không có tiền để trả phí đăng ký.

Dù vậy thật may là UNICEF liên lạc với một nhân viên hoạt động xã hội ở địa phương tới gặp gia đình chị để đảm bảo rằng em bé con anh chị Úp sẽ có giấy khai sinh, để cô bé có được những cơ hội tốt hơn khi lớn lên.

D. KIM THOA dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên