Người dân mua sắm tại siêu thị Rami Levi ở Talpiot, Jerusalem, Israel. Ảnh: timesofisrael.com
Tại cuộc họp của Ủy ban liên bộ Cắt giảm Chi phí Sinh hoạt (CCCL) ngày 12/9, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã chỉ thị cho các bộ ngành liên quan trong vòng một tháng đưa ra dự thảo quy định mở cửa thị trường cho tất cả các loại hàng hóa đang được lưu hành ở châu Âu.
Đây là cuộc họp lần thứ sáu kể từ khi CCCL được thành lập đầu tháng Sáu vừa qua. Các thành viên đã thảo luận về việc áp dụng các quy định và tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Israel, thay vì áp dụng thêm các tiêu chuẩn chồng chéo, trùng lặp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Netanyahu khẳng định: "Israel đang có những bước tiến nhanh chóng hướng đến mở cửa thị trường cho mọi mặt hàng ở châu Âu. Mặt hàng nào tốt ở châu Âu thì cũng tốt ở Israel… Đến 15/10, sẽ phải có dự thảo luật mở cửa thị trường Israel cho mọi hàng hóa ở châu Âu".
Các thành viên CCCL đã nhất trí về việc thay đổi cách tiếp cận đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ chỗ "cấm mọi thứ, trừ những mặt hàng được phép" thành "cho phép mọi thứ, trừ một số ngoại lệ".
Việc có quá nhiều quy định, thủ tục và giấy phép khiến hàng hóa nhập khẩu vào Israel trở nên đắt đỏ, là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thị trường trong nước thiếu hụt và giá cả đắt đỏ. Bên cạnh đó, thị trường thiếu cạnh tranh cũng là một nguyên nhân.
Theo Cơ quan Kiểm toán và Thanh tra Israel, trên thị trường thực phẩm, 10 nhà cung cấp lớn nhất đã chiếm tới 54% thị phần cả nước trong giai đoạn 2015-2020. Một số mặt hàng tiêu dùng cơ bản như sữa, bánh mì, bơ có mức giá cao hơn 50-70% so với mức giá trung bình ở các nước OECD.
Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố cuối tháng 8/2023, chi phí sinh hoạt tại Israel trong năm 2022 đắt đỏ nhất trong tổng số 38 quốc gia thành viên tổ chức này, vượt trên cả Thụy Sĩ./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận