Phóng to |
Các tay súng một bộ tộc ở vùng núi Hamrin của Iraq lại công khai xuất hiện với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quanh khu vực - Ảnh: Reuters |
“Iraq đã thật sự bị chia năm xẻ bảy. Chẳng lẽ chúng tôi phải ngồi yên trong tình cảnh tồi tệ này của đất nước?” - ông Massoud Barzani, lãnh đạo vùng tự trị người Kurd tại Iraq, đã tuyên bố thẳng thừng như thế với đài BBC. Hôm qua, theo Reuters, vị lãnh đạo địa phương này đã đặt ra yêu cầu với quốc hội về việc thành lập ủy ban bầu cử độc lập và cho biết sẽ tổ chức trưng cầu ý dân cho nền độc lập của Kurdistan trong vài tháng nữa.
Như vậy là chỉ vài ngày sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông (ISIL) tuyên bố chính thức thành lập một “nhà nước Hồi giáo” tại khu vực lãnh thổ mà tổ chức này hiện hữu ở đôi bên biên giới Syria - Iraq, sự phân rã của Iraq gần kề hơn bao giờ hết.
ISIL ghê gớm hơn al-Qaeda
"Cảm giác bị phân biệt đối xử, thậm chí bị hạ nhục, đã khiến những người Ả Rập Sunni nhìn thấy trong Nhà nước Hồi giáo mới thành lập cơ hội duy nhất để lấy lại quyền của mình và tiêu diệt chính quyền Shiite ở Baghdad" |
Tổ chức ISIL mà nay là “Nhà nước Hồi giáo” (Caliphate) với Abu Bakr al - Baghdadi làm thủ lĩnh đang trở nên nguy hiểm hơn cả al - Qaeda (quốc tế) do Ayman Zawaheri lãnh đạo. Trong khi Zawaheri chủ yếu phải lẩn trốn tại vùng biên giới Afghanistan - Pakistan từ hơn 10 năm qua, hầu như không làm được gì ngoài việc tung ra trên mạng Internet một số tuyên bố ghi âm và một số clip video tuyên truyền, còn al - Baghdadi chỉ huy hàng ngàn tay súng đang hằng ngày chiến đấu và làm chủ những vùng rộng lớn, đông dân tại Syria và Iraq.
Hoạt động của Zawaheri có giá trị tinh thần nhiều hơn là thực chất. Còn al - Baghdadi cùng ISIL là một thế lực đang hoành hành trên thực địa ở một khu vực lãnh thổ liền mạch từ Syria sang Iraq. Khu vực này chẳng những có vị trí chiến lược với cả Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn là nơi tập trung nguồn tài nguyên dầu lửa khổng lồ của cả Syria và Iraq.
So với al - Qaeda tại Yemen, tổ chức của al - Baghdadi tỏ ra nguy hiểm hơn, bởi al - Qaeda ở Yemen bị cả Chính phủ Yemen phối hợp với Mỹ và Saudi Arabia tấn công, kiềm tỏa. Cho đến nay, al - Qaeda Yemen chưa làm chủ được một thành phố quan trọng nào. Còn ISIL mặc sức tung hoành trong môi trường cuộc nội chiến hỗn loạn tại Syria và tại các tỉnh đông người Sunni ở Iraq - địa bàn hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Baghdad.
“Người nối nghiệp” al - Baghdadi
Abu Bakr al - Baghdadi sinh năm 1971 tại thành phố Samara, thủ phủ tỉnh Diyala ở phía bắc thủ đô Iraq. Hắn từng là thành viên của al - Qaeda Iraq, xuất hiện sau khi Mỹ tiến chiếm Iraq năm 2003.
Tháng 10-2005, Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt được al - Baghdadi (khi ấy có biệt danh “Abu Du’a” - nhà truyền giáo) trong một cuộc oanh tạc ở khu vực biên giới với Syria. Nhưng đó chỉ là tin vịt. Tháng 5-2010, al - Baghdadi tái xuất hiện cùng với tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tại đất nước Lưỡng Hà” do Abu Musab Zarqawi làm thủ lĩnh. “Nhà nước Hồi giáo tại đất nước Lưỡng Hà” chiến đấu chống ách chiếm đóng của Mỹ từ năm 2004 đến 2008 thì hầu như bị dẹp tan. Thủ lĩnh Zarqawi bị quân đội Mỹ tiêu diệt năm 2006.
Al - Baghdadi vẫn tiếp tục chiến đấu. Tháng 10-2011, trước khi rút hết khỏi Iraq, Mỹ đã xếp al - Baghdadi vào danh sách các phần tử khủng bố nguy hiểm.
Cuộc nội chiến tại Syria bùng nổ cuối năm 2011 và ngày càng tàn khốc trở thành môi trường cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan phát sinh, trong đó có ISIL. Từ đầu năm 2013, ISIL bắt đầu thực hiện kế hoạch tranh giành quyền kiểm soát các khu vực nằm ngoài vòng quản lý của chính quyền Syria.
Lực lượng ISIL hầu như không đánh nhau với quân đội Syria, mà chỉ dùng vũ lực đẩy đuổi các nhóm vũ trang đối lập khác, như “Quân đội Tự do” và “Mặt trận Nusra” ra khỏi những vùng mà phe đối lập đã giành được. Với kế hoạch này, ISIL đã chiếm được thành phố Reqqa - thủ phủ của tỉnh cùng tên ở miền bắc Syria, có biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ - và biến thành phố này thành “thủ đô” của ISIL. Từ đó, ISIL đã làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở miền bắc Syria nối đến biên giới với Iraq.
Ở Iraq, ISIL lợi dụng cuộc tranh chấp vũ trang bùng phát từ đầu năm 2013 giữa lực lượng của dòng Sunni ở tỉnh al - Anbar (phía tây thủ đô Baghdad, có biên giới với Syria) để khôi phục hoạt động và nhanh chóng tiến chiếm nhiều khu vực tập trung người theo dòng Sunni đang bất mãn với chính quyền Iraq.
Al - Baghdadi đã nhanh chóng tự “suy tôn” làm caliph - người nối nghiệp của đấng tiên tri sứ thần Mohammed. “Nhà nước Hồi giáo” của al - Baghdadi dẫu chưa được công nhận chính thức nhưng trong tình thế tạm thời, nó được nhiều bộ tộc và các phe phái người Sunni chấp nhận với mong muốn khôi phục quyền lực ngày xưa...
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Phiến quân Iraq chặt đầu tù binh làm quả bóng World CupIraq bất ổn, Kerry tới Trung ĐôngMỹ điều tàu sân bay tới IraqTổng thống Mỹ: Iraq cần sự giúp đỡ của Mỹ và quốc tế
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận