20/06/2014 08:13 GMT+7

Iraq giao tranh dữ dội, Mỹ muốn loại Thủ tướng al-Maliki

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Trước nguy cơ thủ đô Baghdad bị tấn công, chính quyền Iraq đã chính thức đề nghị Mỹ không kích lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL).

Iraq chính thức đề nghị Mỹ không kích ISILMỹ cân nhắc không kích phiến quân Iraq Chặn đà tiến vũ bão vào Baghdad của phiến quân ở Iraq

7TXJRtF3.jpgPhóng to
Lực lượng lính tình nguyện người Shiite đang được đào tạo cấp tốc để đối phó với ISIL - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin AFP, tướng Martin Dempsey, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, xác nhận Washington đã nhận được đề nghị chính thức từ phía chính quyền Baghdad. “Chống lại ISIL là lợi ích quốc gia của Mỹ” - tướng Dempsey khẳng định trước Quốc hội. Một số quan chức Bộ Quốc phòng tiết lộ Iraq muốn Mỹ mở các cuộc tấn công và tuần tra bằng máy bay không người lái (UAV).

Từ Jeddadh ở Saudi Arabia, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari tuyên bố Baghdad muốn Washington không kích để “dập tắt nhuệ khí chiến đấu” của ISIL. Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao đổi với các lãnh đạo Quốc hội về tình hình Iraq. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell cho biết ông Obama nói rằng ông không cần sự phê chuẩn của Quốc hội để can thiệp vào Iraq. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney giải thích ông Obama có thể đơn phương can thiệp vào Iraq bởi chính quyền Baghdad đã chính thức đề nghị Washington hỗ trợ quân sự. Ngoài ra, năm 2002 Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc can thiệp vào Iraq và quyết định này đến nay vẫn còn hiệu lực. Năm 2011, ông Obama cũng ra lệnh can thiệp quân sự vào Libya mà không cần sự phê chuẩn từ đồi Capitol. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết hiện ông Obama vẫn đang “xem xét các khả năng” chứ chưa ra quyết định.

Chiến đấu cơ F-18 tới Iraq

Mỹ muốn loại Thủ tướng al-Maliki

Chưa rõ chiến sự Iraq sẽ diễn biến ra sao, nhưng tương lai của ông al-Maliki đang bị đe dọa. Theo báo New York Times, mới đây hàng loạt chính trị gia Mỹ và chính phủ các nước Hồi giáo Sunni ở Trung Đông đã lên tiếng chỉ trích ông al-Maliki áp dụng chính sách phân biệt đối xử với người Sunni, dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay. Tướng Dempsey nói Chính phủ Iraq đã “không hoàn thành nghĩa vụ với người dân”.

Một loạt nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng nói phải loại bỏ ông al-Maliki. Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein và thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain cho rằng nếu Iraq muốn có hòa hợp dân tộc thì ông al-Maliki phải ra đi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định: “Chính phủ Iraq không hề thực hiện cam kết xây dựng một nhà nước thống nhất, đoàn kết giữa người Sunni, Shiite và người Kurd”.

Hôm qua, hàng loạt hãng tin Mỹ đưa tin Bộ Quốc phòng đã triển khai các chuyến bay tuần tra bằng chiến đấu cơ F-18 Super Hornet trên bầu trời Iraq. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu Mỹ bay công khai tại Iraq kể từ khi Washington rút quân năm 2011.

Trước đó Nhà Trắng tuyên bố “đã triển khai các chuyến bay do thám” ở Iraq. Nhưng F-18 là máy bay tấn công. Báo Washington Post dẫn lời trung tướng không quân về hưu David Deptula khẳng định nếu muốn, Mỹ có thể lập tức không kích ISIL. Tuy nhiên như tướng Dempsey và các chuyên gia quân sự Mỹ chỉ rõ, Washington không có đủ thông tin tình báo dưới mặt đất để xác định các mục tiêu ISIL và không kích. Sẽ là rất đơn giản nếu ISIL triển khai lực lượng lao về Baghdad trên các đường cao tốc.

Nhưng hiện phiến quân ISIL đang bám trụ tại các thành phố lớn như Mosul và Tikrit. Không kích ISIL tại các đô thị đông dân này sẽ gây tổn thất lớn đối với thường dân. “Không có tình báo dưới mặt đất để xác định mục tiêu, Mỹ sẽ gặp khó khăn và kẻ thù có thể lợi dụng tuyên truyền việc dân thường thiệt mạng” - cựu đô đốc hải quân Gary Roughed cảnh báo.

Chưa hết, để triển khai UAV từ các căn cứ tại Trung Đông, Mỹ cần xin phép chính quyền các nước sở tại. Nhưng nhà chức trách Qatar, Kuwait và UAE đều là người Hồi giáo Sunni, không ưa gì chính quyền Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, một người Hồi giáo Shiite, luôn bị chỉ trích là áp dụng các chính sách phân biệt đối xử với người Sunni.

Giao tranh tại nhà máy lọc dầu

Trong khi Thủ tướng al-Maliki chờ câu trả lời từ Mỹ, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại Iraq. Theo Reuters, hôm qua quân chính phủ giao tranh dữ dội với phiến quân ISIL tại Nhà máy lọc dầu Baiji lớn nhất Iraq. Các nguồn tin địa phương cho biết ISIL đã kiểm soát được 60% diện tích nhà máy. Khoảng 250-300 nhân viên nhà máy đã kịp di tản. Nếu chiếm được Baiji, ISIL sẽ kiểm soát được nguồn cung dầu thô dồi dào, gây tình trạng thiếu hụt năng lượng tại miền bắc Iraq.

Dù vậy, người phát ngôn quân đội Iraq khẳng định lực lượng chính phủ đã kiểm soát hoàn toàn Nhà máy lọc dầu Baiji và đã giành lại nhiều diện tích ở các thành phố Tal Afar và Samarra. Tại thành phố Baquba chỉ cách thủ đô Baghdad 60km, phiến quân ISIL đang tấn công dữ dội nhưng Baquba vẫn chưa sụp đổ. Giới quan sát nhận định việc giữ được các thành phố gần thủ đô sẽ là vấn đề sống còn đối với chính quyền Thủ tướng al-Maliki. Mới đây ông al-Maliki tuyên bố chính phủ “đang phản công và sẽ giành chiến thắng”.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên