Cuộc đấu của biểu tượng châu Á
Nhật Bản là đội giàu thành tích nhất lịch sử Asian Cup với 4 lần vô địch, kế đến là Saudi Arabia và Iran (cùng 3 lần vô địch). Vì vậy, đại chiến giữa Nhật Bản và Iran được xem như một cuộc đấu biểu tượng ở bóng đá châu Á.
3 lần vô địch của Iran diễn ra liên tiếp từ 1968 cho đến 1976. Trong khi đó, năm 1992 Nhật mới có danh hiệu đầu tiên và đã vô địch thêm 3 lần (2000, 2004 và 2011) cùng một lần lọt vào chung kết (thua Qatar ở Asian Cup 2019). Dòng thời gian đó cho thấy xu hướng của bóng đá châu Á: 50 năm trước, các đội Tây Á áp đảo, nhưng vào lúc này bóng đá Đông Á lại đang nhỉnh hơn.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bóng đá Tây Á đã hết thời. Trong nhóm các đại gia Tây Á, Iran là nơi có mô hình bóng đá gần tương tự với Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ cũng mạnh dạn đẩy nhiều ngôi sao trẻ sang châu Âu. Cụ thể, Azmoun, tiền đạo hàng đầu của Iran, đã sang Nga chơi bóng từ năm 18 tuổi và hiện anh đang chơi ở AS Roma. Nhiều ngôi sao khác như Hajsafi, Moharrami, Jahanbakhsh, Ansarifard cũng sang châu Âu ở độ tuổi đôi mươi. Còn Ghoddos, người đang chơi trong màu áo Brentford (Anh), là một cầu thủ sinh trưởng tại Thụy Điển. Anh đã định chọn thi đấu cho Thụy Điển, trước khi LĐBĐ Iran thuyết phục trở về cống hiến cho quê nhà.
Tám lạng gặp nửa cân
Tuyển Iran lúc này cũng quy tụ đông đảo những trụ cột chơi bóng ở phương Tây. Có đến 12/26 tuyển thủ trong tay HLV Galenoei hiện khoác áo những CLB châu Âu. Nói về kinh nghiệm với bóng đá đỉnh cao, Iran không kém cạnh Nhật là bao. Và nếu so thành tích đối đầu, hai đội hoàn toàn cân sức. Trong 18 lần chạm trán trước đây với Nhật, Iran thắng 6, hòa 6 và thua 6.
Cách thức mà họ tiến vào tứ kết lại khác hẳn nhau. Người Nhật trầy trật ở giai đoạn vòng bảng khi thua Iraq. Nhưng càng vào sâu, Nhật lại càng cho thấy bản lĩnh khi thắng dễ Bahrain 3-1 ở vòng 16 đội. Iran, trái lại, đứng đầu bảng C với 9 điểm tuyệt đối, nhưng sau đó phải trải qua một phen hú vía trước Syria. Đó là trận đấu mà Iran bị cầm hòa và thậm chí còn chơi thiếu người từ phút 90 do ngôi sao Taremi lãnh thẻ đỏ. HLV Galenoei buộc phải yêu cầu toàn đội câu giờ chờ đến loạt sút luân lưu để giành chiến thắng.
Việc Taremi bị treo giò cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức tấn công của Iran. Tiền đạo đang khoác áo Porto không chỉ là ngôi sao số một của đội, mà hiện còn là cây săn bàn hàng đầu tại Asian Cup với 3 bàn. Ngoài ra, Iran còn vắng hai trụ cột Pouraliganji và Moharrami.
Về phía tuyển Nhật, trong hiệp 2 trận thắng Bahrain, tiền vệ Mitoma đã ra sân thi đấu sau một tháng chấn thương. Còn trung vệ Tomiyasu đủ sức chơi cả trận. Như vậy, Nhật Bản đã có đầy đủ binh hùng tướng mạnh trước Iran. Vì vậy, giới chuyên môn nghiêng hẳn về tuyển Nhật. Các chuyên gia của Sportsmole dự đoán Nhật thắng 3-1, còn trang Sportskeeda cho rằng hai đội sẽ hòa và Nhật sẽ đi tiếp sau loạt luân lưu.
Uzbekistan nhỉnh hơn chủ nhà Qatar
Diễn ra sau đó (22h30) là trận đấu cuối cùng của vòng tứ kết giữa chủ nhà Qatar và Uzbekistan. Uzbekistan áp đảo Qatar về thành tích đối đầu khi thắng 9, thua 3 trong 14 lần so tài. Đây là kết quả dễ hiểu, bởi bóng đá Qatar chỉ vươn mình trong vài năm gần đây.
Hiện tại, thực lực hai đội khá cân bằng. Theo Transfermarkt, Uzbekistan vẫn nhỉnh hơn một chút về lực lượng khi được định giá 26 triệu euro cho toàn đội, còn Qatar chỉ có giá 16 triệu euro. Tuy nhiên, Qatar lại có lợi thế chủ nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận