![]() |
TS Alexander Shulgin trong phòng bào chế thuốc |
Trong 40 năm qua, tiến sĩ (TS) sinh hóa Alexander Shulgin, năm nay 79 tuổi, được coi là “ông trùm“ trong lĩnh vực nghiên cứu tâm thần dược học ở Mỹ. Ông ta đã bào chế gần 200 chất hóa học tổng hợp làm hỏng thính giác, làm thay đổi nhận thức về thời gian (thấy thời gian kéo dài vô tận hoặc đi quá nhanh), kích động bạo lực, mài mòn cảm xúc v.v... nói chung, những chất làm méo mó nhận thức về thực tế.
Đáng ngạc nhiên là ông ta đã và đang làm điều đó một cách công khai, tại hãng hóa chất Dow Chemical và trong một phòng bào chế đặt tại vườn nhà riêng ở gần vịnh San Francisco. Chính quyền biết nhưng không bao giờ ngăn chặn.
Người hùng và tội đồ
Đầu thế kỷ 20, khoa học phương Tây chỉ biết 2 chất phổ biến gây ra trạng thái nửa tỉnh nửa mê tạo ảo giác là cần sa và mescaline. Hơn 50 năm sau, có thêm LSD, psilocybine, TMA, các sản phẩm gốc DMT... tổng cộng khoảng 20 loại. Đến năm 2000, các loại thuốc gây ảo giác mạnh này tăng lên hơn 200. Đến năm 2050, thì sao? - Có thể hơn 200.000! TS Shulgin hóm hỉnh trả lời như thế.
Những loại thuốc gây ảo giác kể trên có dùng để chữa bệnh được không? Hiện có hai nhóm khoa học đối lập nhau. TS Shulgin thuộc nhóm tin tưởng rằng chúng là một liệu pháp hữu ích. Dưới mắt nhóm này, TS Shulgin trở thành một anh hùng vì ở Mỹ ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực thuốc gây ảo giác.
TS Shulgin thường dùng vợ mình là bà Ann làm vật thí nghiệm đầu tiên. Ông ta đã thử nghiệm 2.000 lần với vợ. Riêng bản thân ông cũng tự làm vật thí nghiệm hơn 4.000 lần |
Tuy nhiên, sau đó Dow Chemical yêu cầu ông ngưng việc sử dụng tên hãng trong các công trình nghiên cứu của ông và cũng không muốn hợp tác với ông nữa. Ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội và sức khỏe con người của các chất gây ảo giác từ LSD đến ecstasy khiến cho ban lãnh đạo Dow Chemical phải xét lại chính sách tài trợ những công trình nghiên cứu của TS Shulgin.
Càng ngày, nhóm đối lập với những người hâm mộ TS Shulgin càng tỏ ra có lý. Dưới mắt họ, Shulgin là một tội đồ chứ không phải anh hùng. Nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao Shulgin vẫn được tự do và tiếp tục bào chế những chất độc hại cho sức khỏe con người?”.
Hầu hết những sản phẩm của TS Shulgin đều được xếp vào bảng I của DEA, Cơ quan Liên bang Chống ma túy Mỹ. Đây là bảng liệt kê các loại thuốc không thể sử dụng để chữa bệnh và có nguy cơ gây nghiện rất cao.
Có một thực tế là trong suốt một thời gian dài 20 năm, DEA từng cho phép TS Shulgin nghiên cứu bào chế các tân dược thuộc bảng I. Đó là do TS Shulgin có biệt tài kết bạn với những người có vai vế. Ông ta là khách mời khá thường xuyên của Câu lạc bộ Bohemian. Đây là câu lạc bộ rất bí mật và kén chọn thành viên ở thành phố San Francisco. Đặc biệt tất cả các cựu tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa đều là thành viên của câu lạc bộ này kể từ Tổng thống Herbert Hoover (1929-1933).
Riêng với DEA, TS Shulgin là bạn chí cốt của Bob Sager, Giám đốc khu vực Tây Mỹ của DEA. Nhờ sự can thiệp của ông này mà TS Shulgin được trọng vọng tại DEA. Sager tạo điều kiện cho ông ta chủ trì các hội nghị về dược lý học, sản xuất thuốc mẫu ở DEA. TS Shulgin còn được mời soạn thảo tài liệu tham khảo về các chất cấm cho ngành cảnh sát Mỹ. Mối quan hệ giữa Shulgin và DEA kéo dài đến năm 1991 thì chuyển sang một giai đoạn khác. Năm 1993, DEA kiểm tra phòng bào chế của TS Shulgin, tịch thu tất cả những hóa chất bất hợp pháp, phạt ông Shulgin 25.000 USD.
Phần tử vô chính phủ
Cái tên Alexander Shulgin được công chúng biết đến nhiều nhất dưới biệt danh cha đỡ đầu của ecstasy (thuốc lắc), tên khoa học là MDMA. Chất tổng hợp này được hãng bào chế Merck cấp bằng sáng chế năm 1914. Lúc đó người ta nghĩ rằng nó không có công dụng gì cho nên nhanh chóng rơi vào quên lãng. Năm 1976, TS Shulgin tổng hợp lại MDMA theo gợi ý của một nữ cựu sinh viên.
Theo ông, nó tạo ra một “cảm giác say rượu nhưng đầu óc vẫn minh mẫn” như sau khi uống rượu “Martini ít calo”(!?). Có một số nhà khoa học đồng tình với ý kiến trên của TS Shulgin. Charles Grob chẳng hạn, giáo sư tâm thần học ở Trường Đại học UCLA, cho rằng nó có hiệu nghiệm trong việc giúp chữa bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên, cộng đồng y khoa Mỹ tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố này.
Trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lắc thật sự gây lo lắng. Cuối thập niên 1990, hàng triệu học sinh - sinh viên bị thuốc lắc “hớp hồn”. DEA xếp MDMA vào loại thuốc cấm bảng I và trên cơ sở này, chỉ tính riêng năm 2000, hải quan Mỹ đã tịch thu được 10 triệu viên thuốc lắc. Chính quyền và các nhà xã hội học lo sợ cả một thế hệ lao vào một cuộc sống làm thui chột trí năng.
Tại Anh, tình hình nghiêm trọng đến mức nhật báo The Daily Mail viết một bài báo có tựa đề “Phải chăng con người này đã giết 100 thanh niên Anh?”. Tác giả đặt vấn đề: Shulgin là một phần tử vô chính phủ khi ông ta cho rằng chỉ có một giới hạn cho các loại ma túy - trong đó có chất MDMA - là cấm bán cho thiếu niên. Nói như thế ông Shulgin tự cho mình cái quyền được miễn trừ mọi tội lỗi. Vì trên thực tế, rất khó kiểm soát được lệnh cấm bán cho thiếu niên. Nó đã biến thành một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các băng đảng tội phạm có tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận