Phóng to |
Các cán bộ Đoàn thuộc các quận huyện của TP.HCM góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sáng 9-3 - Ảnh: Minh Đức |
Tại buổi góp ý của các cán bộ Đoàn do Thành đoàn TP tổ chức, anh Trần Mai Chí - bí thư Đoàn P.3, Q.4 - cho rằng điều 44 của dự thảo quy định “mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa” là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. Theo anh Chí, cần quy định thêm về nghĩa vụ song song với việc hưởng thụ văn hóa. Bởi nếu không quy định nghĩa vụ thì các hành vi phản văn hóa từng xảy ra như ngồi trên bia mộ, ngồi trên đầu cụ rùa... do một số người thiếu ý thức gây ra sẽ khó bị xử lý và tạo tiền lệ không tốt trong đời sống, sự hưởng thụ văn hóa.
Góp ý về điều 19 của dự thảo Hiến pháp về vấn đề người Việt Nam định cư ở nước ngoài, anh Nguyễn Văn Hà, phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Q.5, cho rằng cần có thêm những quy định bảo hộ cho bà con Việt kiều, cụ thể là sự bảo hộ về làm ăn kinh doanh, đầu tư trở lại đất nước. Theo anh Hà, cần có hiến định để dễ ban hành các văn bản luật nhằm bảo đảm nhiều hơn quyền lợi của bà con Việt kiều.
Một vấn đề mới và khá thời sự được chị Trần Thị Thanh Huyền (Huyện đoàn Hóc Môn) nêu lên là việc xác định lại giới tính. Theo chị Huyền, cần quy định thêm quyền được xác định giới tính vào điều 45 của dự thảo. Bởi thực tế cuộc sống và thực tiễn pháp lý từng xảy ra những rắc rối xung quanh vấn đề giới tính của cá nhân, đồng thời đây cũng là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng.
Còn tại buổi tọa đàm “Sinh viên luật góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” do Đại học Luật TP.HCM tổ chức cùng ngày, nhiều ý kiến cho rằng nên thu hẹp quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại điều 79 thay vì mở rộng như trong bản dự thảo. Cụ thể là bỏ quyền ra pháp lệnh vì trong thực tế pháp lệnh có giá trị như một đạo luật, điều chỉnh những hành vi chưa có trong luật. Trách nhiệm ra pháp lệnh nên giao cho tòa án tối cao. Đồng thời bỏ quyền giải thích Hiến pháp, giao lại chức năng này cho Hội đồng Hiến pháp. Thẩm quyền giải tán HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương và ra quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương cũng nên giao lại cho Chính phủ.
* Sáng 9-3, tạp chí Cộng Sản, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng tổ chức tọa đàm khoa học “Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng suốt 83 năm qua đưa dân tộc Việt Nam từ một dân tộc nô lệ trở thành một quốc gia có tên trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt vấn đề giám sát đảng viên. Tham luận của tiến sĩ Hoàng Thị Ngọc Lan cho rằng điều 4 ghi rõ “Đảng... chịu sự giám sát của nhân dân” nhưng cơ chế nào để nhân dân giám sát thì chưa cụ thể. Để nhân dân giám sát thật sự thì cần xây dựng Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng.
Nên thay từ “nam, nữ” bằng từ “mọi người” “Lúc đầu tôi nghĩ Hiến pháp là việc của các ông ở trung ương, giờ tôi biết Hiến pháp phải xuất phát từ mọi người, trong đó có tôi”. Đó là những chia sẻ rất thật của một đại diện tại hội thảo chia sẻ kết quả lấy ý kiến các nhóm yếu thế xã hội đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra ở Hà Nội ngày 9-3. Các nhóm được xem là yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội gồm người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có H, lao động di cư, thanh niên, phụ nữ, người đồng tính, song tính và chuyển giới. Đến với hội thảo, anh Lương Thế Huy (đại diện nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới) chia sẻ câu chuyện bằng hình ảnh về một bạn trẻ là người chuyển giới đã bị rất nhiều người miệt thị, đánh đập. Từ đó, Huy kiến nghị nên sửa điều 27, điều 39 về quyền bình đẳng giới và quyền kết hôn trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi: “Tôi cho rằng nên thay từ “nam, nữ” trong các điều trên bằng từ “mọi người”. Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, kể cả người đồng tính hay chuyển giới. Nếu phân biệt nam hay nữ, chẳng lẽ người chuyển giới không có quyền bình đẳng như mọi người?”. TÂM LỤA |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận