31/03/2020 15:02 GMT+7

Hướng nghiệp online mùa COVID-19

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Lo lắng, hoang mang... là tâm trạng chung của nhiều sĩ tử trên cả nước vì hàng loạt ngày hội tư vấn tuyển sinh bị hủy do dịch bệnh.

Hướng nghiệp online mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham gia một buổi tư vấn trực tuyến, một giải pháp linh động bổ sung của ứng dụng hướng nghiệp JobWay trong mùa COVID-19 - Ảnh: Đ.LÊ

Nhận thức rõ điều đó, một số chuyên gia tâm lý và giáo dục đã nỗ lực tận dụng công nghệ để tìm giải pháp thay thế.

“Tôi muốn góp phần dùng công nghệ giúp người trẻ có sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với bản thân mình trên hành trình nghề nghiệp.

Nguyễn Thị Hoàng Anh

Tạm chia tay mô hình "truyền thống"

Từ nhiều năm nay, công tác hướng nghiệp theo phương thức truyền thống như đến tư vấn trực tiếp tại các trường, các tỉnh thành... đã góp phần đem lại nhiều kết quả khả quan trong việc "giải mã" định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh cuối cấp.

Bạn Anh Thư (sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến TP.HCM) chia sẻ: "Lúc nhỏ tôi chỉ biết tập trung học thật giỏi mà chẳng biết học giỏi, điểm cao rồi sẽ vào trường nào, ngành nào. Nhờ những chương trình hướng nghiệp trên, tôi đã hiểu rõ hơn về bản thân và tự tin chọn ngành đang theo học".

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, các chương trình hướng nghiệp tại chỗ đã phải thông báo hoãn vô thời hạn.

Và để tạm thời giải quyết các vấn đề trên, bạn Nguyễn Thị Hoàng Anh (thạc sĩ quản trị nhân sự ĐH Western Sydney, Úc) cùng cộng sự đã tạo ra JobWay - ứng dụng (app) giành được giải thưởng "Ứng dụng được yêu thích nhất" tại vòng chung kết cuộc thi "Sáng tạo phần mềm dành cho sinh viên lần 1-2019" do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Ứng dụng tích hợp các tính năng: hiểu mình (trắc nghiệm tâm lý, tính cách miễn phí); hiểu nghề (hơn 200 ngành nghề từ dữ liệu của Tổ chức Lao động quốc tế); hiểu trường (thông tin tuyển sinh, ngành đào tạo của các trường ĐH, cao đẳng công lập trên địa bàn TP.HCM). Bên cạnh đó, nếu học sinh vẫn còn thắc mắc, có thể tương tác trực tiếp với chuyên gia giáo dục hướng nghiệp nhiều kinh nghiệm thông qua mục "Tư vấn".

"Giải pháp" thức thời

Chia sẻ về lý do phát triển app, Th.S Hoàng Anh giải thích: "Chúng tôi chọn con đường này vì biết rằng học sinh hiện nay thường dùng app điện thoại rất nhiều. Ngoài việc học sinh "tự hướng nghiệp" với các tiện ích của ứng dụng JobWay, chúng tôi còn mong muốn tạo cầu nối để học sinh có cơ hội tương tác thêm với chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp. Do đó, nếu học sinh có bất kỳ câu hỏi nào, chỉ cần đặt câu hỏi và sẽ nhận được sự hồi đáp hoàn toàn miễn phí từ các chuyên gia, cố vấn trong 24 - 36 giờ".

Bà Trần Lê Thanh Trúc (giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) chia sẻ: "Với tính chất là ứng dụng hướng nghiệp, học sinh hoàn toàn có khả năng tự hướng nghiệp cho bản thân mình tại nhà. Chúng tôi cũng xây dựng kênh thông tin phối hợp với JobWay để cung cấp các thông tin về nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động để học sinh thường xuyên cập nhật và dễ nắm bắt tình hình chung".

Không dừng lại ở đó, Th.S Hoàng Anh chia sẻ thêm tham vọng: "Chúng tôi cũng đang tạo ra một chương trình hướng nghiệp online tập trung giải quyết nhu cầu của học sinh từng tỉnh, thành. Đây là chương trình thuần hướng nghiệp, kết nối bác sĩ, chuyên gia dự báo nhân lực, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT và thủ khoa, á khoa của tỉnh thành ấy để chia sẻ. Học sinh không chỉ được giải đáp thông qua livestream, mà còn được trả lời câu hỏi và khám phá chính bản thân mình thông qua app".

Bạn Yến Lan (Trường THTH Đại học Sư phạm TP.HCM) nói: "Tôi thấy ứng dụng có hình thức bắt mắt, dễ nhìn với những tính năng cần thiết. Trong đó, tôi thích nhất là việc tích hợp các bài trắc nghiệm tính cách, năng lực. Khi lên mạng, tôi không biết được trang web nào chính thống, có nơi còn tính phí mới được nhận kết quả".

Còn thầy Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10) chia sẻ: "Cá nhân tôi cho rằng các ứng dụng như JobWay rất hữu ích vì học sinh ngồi nhà vẫn có thể tìm hiểu sâu về các ngành, trường phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.

Ngoài sự thoải mái thì các ứng dụng tương tự giúp các bạn trẻ có thêm thời gian nghiền ngẫm về lựa chọn của mình... Sự hỗ trợ của công nghệ ở lĩnh vực tư vấn tuyển sinh đặc biệt cần thiết trong thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay".

Sinh viên ôm hàng bán online ra shop khởi nghiệp Sinh viên ôm hàng bán online ra shop khởi nghiệp

TTO - Hơn 80/200 gian hàng đã khai trương tại Nhà văn hóa Sinh viên (Q.Thủ Đức) ngày 20-12. Nơi đây dự kiến trở thành điểm buôn bán tấp nập của các tiểu thương và gặp gỡ của nhiều sinh viên có nguyện vọng kinh doanh, khởi nghiệp.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên