"Chúng tôi sẽ không cho phép thực hiện kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách trừng phạt. Lệnh trừng phạt như vậy là không thể chấp nhận được" - Thủ tướng Viktor Orban của Hungary phát biểu trên đài phát thanh quốc gia ngày 27-1, theo Hãng tin Reuters.
Ông Orban nói rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào năng lượng hạt nhân "rõ ràng phải được phủ quyết".
Trước đó, Ukraine đã kêu gọi 27 quốc gia thành viên EU đưa Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) - công ty hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp hạt nhân - vào danh sách trừng phạt. Tuy nhiên, Hungary phản đối đề xuất này.
Thời gian qua, Hungary - thành viên EU - đã nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine. Hungary lập luận là các lệnh trừng phạt này đã không thể làm suy yếu Nga như EU mong đợi và có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24-2-2022, đến nay phương Tây chưa áp đặt biện pháp trừng phạt lên Tập đoàn Rosatom.
Hungary hiện có một nhà máy điện hạt nhân do Nga xây dựng và nước này có kế hoạch mở rộng hợp tác với Rosatom.
Cụ thể, nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary có bốn lò phản ứng nhỏ VVER 440 do Nga xây dựng, với tổng công suất khoảng 2.000 megawatt, bắt đầu hoạt động từ năm 1982 đến 1987. Nhà máy này lấy nhiên liệu hạt nhân từ Nga.
Theo thỏa thuận ký kết với Nga vào năm 2014, Hungary đặt mục tiêu mở rộng nhà máy Paks với thêm hai lò phản ứng VVER do Nga sản xuất với công suất 1,2 gigawatt/lò.
Các nghị sĩ EU đánh giá về Hungary
Giữa tháng 9-2022, Hungary đã phản ứng giận dữ với cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu, khi các nghị sĩ EU nhất trí rằng quốc gia này không còn là một "nền dân chủ toàn diện" và EU cần phải hành động.
Lúc đó, các nghị sĩ EU bỏ phiếu về nghị quyết cho rằng Hungary đã "vi phạm nghiêm trọng" các chuẩn mực dân chủ của EU, với 433 phiếu ủng hộ và 123 phiếu phản đối. Hiện nay người lãnh đạo Hungary là Thủ tướng Viktor Orban - người vốn duy trì quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và được cho là theo chủ nghĩa dân túy.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu nói trên chủ yếu mang tính biểu tượng và không thay đổi quá trình ra quyết định của EU. Quá trình này vốn đòi hỏi sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên EU - trong đó có Hungary - để thông qua lập trường về các vấn đề lớn, chẳng hạn các lệnh trừng phạt áp lên Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận