16/08/2015 09:48 GMT+7

Hụi xây nhà

SƠN LÂM - NGỌC TÀI
SƠN LÂM - NGỌC TÀI

TT - Cũng theo đúng hình thức chơi hụi nhưng những người trong “đường dây hụi” ở vùng Tháp Mười, Đồng Tháp không góp bằng tiền mà tính bằng ximăng, sắt, đá… để lần lượt những người trong dây hụi có thể xây một mái ấm cho gia đình.

Căn nhà anh Phong vừa xây sau khi “hốt hụi vật liệu” Ảnh: NGỌC TÀI
Căn nhà anh Phong vừa xây sau khi “hốt hụi vật liệu” - Ảnh: NGỌC TÀI

Ngồi trong căn nhà mới xây chưa được ba tháng, anh Huỳnh Thanh Phong cười tươi khi nói về “dây hụi” của mình: “Chỉ có năm nhà chơi với nhau thôi, bốn nhà kia đã xây trước, nhà của tui là cuối cùng, kết thúc hụi rồi đó”.

Năm nay 45 tuổi, là giáo viên tiểu học, hơn mười năm trước anh Phong dắt díu vợ con về mảnh vườn lọt thỏm giữa đồng ruộng ấp 4, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp này.

Anh đi dạy, vợ ở nhà quần quật mấy sào lúa, nuôi ếch, trồng vườn đủ kiểu nhưng cả nhà hai vợ chồng và hai đứa con vẫn phải túm tụm nhau trong căn nhà bốn vách ván chật chội, như lời anh Phong là “y chang cái chuồng vịt giữa đồng”.

Ba năm trước, trong một lần ngồi uống cà phê sáng, anh với bốn người khác trong ấp bắt tay nhau lập ra “dây hụi vật liệu” với mục tiêu: trong vòng ba năm cả năm gia đình sẽ có nhà xây hoành tráng cho vợ con ở.

Đúng ba năm sau, anh Phong đã cất được căn nhà ngang 7m, dài 15m cao ráo với gạch men bóng loáng và hàng hiên đủ cho chục ông hàng xóm tụ tập lai rai. Tổng kinh phí căn nhà khoảng 350 triệu đồng, trong đó hơn hai phần ba kinh phí là từ việc anh Phong “hốt hụi”.

Trước anh Phong, các hộ ông Ba Á, Ba Tặng, Tám Xê và bà Chín Hiểm cũng đã xây được những căn nhà to rộng, tươm tất. Anh Phong nhẩm tính: “Ông Á xây nhà tui góp 100 bao ximăng, ba khối đá nhỏ. Tám Xê, Chín Hiểm tui cũng góp chừng đó. Ba Tặng thì tui hùn 1 tấn sắt...”. Đó cũng chính là những vật liệu mà anh Phong cần để xây ngôi nhà mới của mình.

Nói về các “dây hụi” vật liệu xây dựng ở Tháp Mười, ông Nguyễn Quang Ưa - trưởng Công an xã Mỹ An, huyện Tháp Mười - cho biết phong trào này đã có gần mười năm nay.

Ông Ưa nhận định: “Cái khó ló cái khôn, vùng này đất thấp, bà con tự mình xây dựng một căn nhà hết sức khó khăn nên mới nghĩ ra cách hùn hạp nhau như vậy”.

Theo quan niệm của người miền Tháp Mười, cất nhà phải hợp tuổi. Ông Ưa nói thêm: “Trai thì các tuổi 22, 27, 32... mới được dựng nhà. Quan niệm xưa sao giờ vậy, làm trái là không đặng”. Vậy nên có trường hợp đủ tiền thì chưa đến tuổi, đủ tuổi thì chưa có tiền.

Do vậy, “dây hụi” giúp nhau xây nhà này cũng không có cảnh bắt thăm xem ai “hốt hụi” trước như kiểu huê hụi thông thường, mà xem theo tuổi. Tuổi ai hợp trước thì người đó xây trước.

Cũng theo ông Ưa, từ lúc có phong trào giúp nhau xây nhà này cũng chưa thấy trường hợp nào bị “vỡ hụi”, “giựt hụi”. Cơ bản là những người tham gia cùng một đường dây thường là chòm xóm, láng giềng thân thiết, tin tưởng lẫn nhau tuyệt đối. “Đến cả một mảnh giấy cam kết cũng không có, chủ yếu là nói miệng rồi nhớ với nhau thôi” - ông Ưa nói.

Và cũng chính nhờ những “dây hụi” tình làng nghĩa xóm này, nhiều ngôi nhà mới đang tiếp tục mọc lên, thay thế những căn nhà chòi dột nát, xiêu vẹo trên khắp các bờ ruộng vùng Tháp Mười. Những “dây hụi xây nhà” trên vùng Đồng Tháp Mười vì thế đang được người dân mở rộng, giúp nhau.

SƠN LÂM - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên