12/01/2022 09:22 GMT+7

HOREA đã có cảnh báo gì gửi Thủ tướng vụ đấu giá đất Thủ Thiêm?

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) - cho biết đã nắm thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc, nhưng còn vấn đề cần làm rõ từ phía các cơ quan chức năng nên HOREA chưa bình luận thêm.

HOREA đã có cảnh báo gì gửi Thủ tướng vụ đấu giá đất Thủ Thiêm? - Ảnh 1.

Lễ ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh năm 2020 - Ảnh: FLC

Trước đó, vào ngày 29-12-2021, HOREA đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ một số lo ngại về việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm. Theo đó, nhận xét tổng quát về 4 phiên đấu giá các lô đất Thủ Thiêm là "tốc độ trả giá" rất nhanh và giá trị mỗi lần trả giá tiếp theo của một số nhà đầu tư có "bước giá" rất lớn.

Quan sát của HOREA cho thấy ngay cả một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia đấu giá nhưng cũng "không kịp" trả giá lần nào, trong khi có công ty trúng đấu giá chỉ là doanh nghiệp tầm trung hoặc mới thành lập được một vài năm, thậm chí vừa mới thành lập!

Từ đó đi đến nhận định nếu nhà đầu tư trúng đấu giá không nhằm "mục đích khác" và thực sự đầu tư dự án nhà ở thương mại cao cấp "hạng sang" tại các lô đất Thủ Thiêm thì có thể đã quá kỳ vọng vào "thị trường tương lai" trong 5 - 8 năm tiếp theo, khi mà khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư lớn của thế giới và trở thành "trung tâm tài chính quốc tế và khu vực".

Với giá đất như vậy, HOREA dự đoán giá bán bình quân căn hộ của dự án này có thể lên đến khoảng 69,6 tỉ đồng/căn, tức trên dưới 580 triệu đồng/m2 sàn căn hộ (chưa bao gồm VAT).

Đây không phải là mức giá bán căn hộ cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm tại thời điểm này, vì hiện nay các chủ đầu tư dự án nhà ở cao cấp tại đây đang bán căn hộ chỉ với giá khoảng 150 - 200 triệu đồng/m2.

HOREA cho rằng kết quả các cuộc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm với giá đất trúng đấu giá có thể đã bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại, có thể không có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Giá đất quá cao mới được xác lập sẽ rất có lợi cho các chủ đầu tư có dự án và đã nộp tiền sử dụng đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và các phường lân cận, kể cả khu trung tâm TP.HCM.

Nhưng rất bất lợi cho các chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, hoặc mới "tạm nộp" tiền sử dụng đất sẽ lâm vào cảnh "ngồi trên đống lửa", nhất là đối với chủ đầu tư đã ký hợp đồng huy động vốn trước của khách hàng. Bởi lẽ nếu xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường dựa trên các mức giá "khủng" mới xác lập thì tiền sử dụng đất sẽ tăng lên rất nhiều và chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại.

HOREA cũng quan ngại về việc một số doanh nghiệp có thể "lợi dụng" giá trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, đánh "vống" giá trị tài sản nhà đất để được vay thêm, "rút ruột" ngân hàng, hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính.

Lo hiệu ứng "bình thông nhau"

Giá đất trúng đấu giá quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng "bình thông nhau" gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển "nhà ở thương mại giá phù hợp" tại TP.HCM.

Đã có thông tin về một số chủ đầu tư "té nước theo mưa", dừng bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để "găm" hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá và trên thực tế giá nhà đất thành phố Thủ Đức đã tăng mạnh so với trước đây.

Vụ HoREA Vụ HoREA 'phản pháo' ý kiến đại biểu Quốc hội: Phải sử dụng hiệu quả đất đai

TTO - Sau khi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để phản pháo ý kiến một số đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia cũng ủng hộ quan điểm tờ trình của Chính phủ.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên