Những người chuyển giới cởi mở chia sẻ những câu chuyện và trăn trở của mình trước điều 37, luật Dân sự - Ảnh: Minh Huyền |
Hợp pháp hóa chuyển giới đã trở thành một bước ngoặt lịch sử đối với cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Mặc dù “vỡ òa trong hạnh phúc” nhưng cộng đồng người chuyển giới còn đặt ra nhiều trường hợp, nhiều câu hỏi đặc biệt kể từ đây cho đến ngày điều 37 chính thức có hiệu lực và kể cả sau khi đã có hiệu lực.
Luật sư Nguyễn Trung Trực phân tích, điều luật này chưa làm rõ vấn đề về định nghĩa chuyển đổi giới tính, điều kiện mức độ để chuyển đổi giới tính được công nhận, các quy trình về tâm lý và can thiệp y học, cơ quan kiểm định và cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, cộng đồng người chuyển giới và đã chuyển giới còn nhiều thắc mắc.
“Theo luật quy định “những người đã chuyển đổi giới tính” cũng là một hạn chế cần phải tiếp tục vận động. Quan trọng là khái niệm “người chuyển giới” là khái niệm về mặt bản dạng giới (bên trong thực sự nghĩ mình là giới tính nào) chứ không phải là đã phẫu thuật hay không, vì vậy việc xác thực cho một người chuyển giới nếu cần là phải được thực hiện ở mức độ đánh giá về tâm lý.” - Anh Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc Truyền thông và Dịch vụ của ICS.
Cụ thể, Trần An Vy, người chuyển giới sang nữ chia sẻ, “Phải phẫu thuật bao nhiêu phần trăm mới được công nhận các quyền thay đổi hộ tịch và quyền nhân thân như luật định? Mình chỉ mới chuyển giới 50% thôi, không biết có nằm trong những đối tượng đó không?”
“Tôi chỉ hy vọng mọi thủ tục cho người chuyển giới sẽ đơn giản nhất có thể. Ngoài ra, người chuyển giới 50% cũng có thể được công nhận” - chị Nguyễn Bảo Anh (25 tuổi, ngụ Long Xuyên), một người chuyển giới sang nữ chia sẻ.
Theo kinh nghiệm thực tế của Bảo Anh, để tiến hành chuyển giới an toàn và đúng quy trình, chi phí hoàn thành 100% không phải là con số nhỏ để tất cả mọi người có thể đáp ứng (30.000 - 35.000 USD). Thậm chí, nhiều người phải sang nước ngoài để thực hiện phẫu thuật. Ngoài ra, điều kiện về sức khỏe, đau đớn, các biến chứng lâu dài và kiểm tra định kì cũng rất quan trọng.
Alex (Trương Quỳnh Như, 25 tuổi), người chuyển giới sang nam đã bắt đầu trị liệu 2 năm, bày tỏ trăn trở, sau khi điều 37 có hiệu lực thì luật về chống sự kỳ thị sẽ phát huy tác dụng bảo vệ người chuyển giới như thế nào trong môi trường công sở hoặc trường học.
Nguyễn Thiện Trí Phong (24 tuổi), một thành viên của ICS, nhấn mạnh, “Việc đấu tranh vì sự công bằng cho người đồng tính và chuyển giới không thể chỉ dừng lại ở góc độ pháp lý mà còn cần các hoạt động thực tiễn từ xã hội, nâng cao giáo dục giới tính trong học đường.
Cuối buổi trao đổi, anh Nguyễn Bùi Hải Minh (25 tuổi) một người chuyển giới nam đặt ra vấn đề, “Hiện giờ Minh vẫn là nữ trên giấy tờ nên có thể đăng kí kết hôn với một người nam, như kết hôn với anh Thảo chẳng hạn. Nếu sau 1-1-2017, khi được công nhận giới tính mới là nam thì hôn nhân đó còn có giá trị không?”
Luật sư Nguyễn Trung Trực giải đáp ngay: “Đến thời điểm đó thì hôn nhân của các bạn sẽ không có giá trị vì lúc này về mặt giấy tờ cả hai đã cùng giới và pháp luật Việt Nam chúng ta thì không công nhận hôn nhân giữa những người đồng giới.”
Cả phòng đều cười phá lên trước câu hỏi và câu trả lời đấy nhưng ai cũng cảm thấy chút bối rối và chạnh lòng khi hôn nhân giữa những người đồng tính vẫn là một vấn đề nhạy cảm đáng quan tâm.
Theo khảo sát năm 2014 trên 219 người về nhu cầu pháp lý của người chuyển giới do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện, hơn 80% phần trăm người chuyển giới không hài lòng về tên khai sinh của mình. Có 10,1% từng thử đi làm thủ tục thay đổi tên họ và duy nhất có một trường hợp đổi tên thành công. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận