Hongi là nghi lễ chào hỏi truyền thống của người Maori, tộc người đầu tiên khai phá và sinh sống tại New Zealand.
Để thực hiện hongi, hai người đứng đối diện cùng chạm mũi và trán của nhau. Họ có thể bắt tay sau đó nếu muốn.
Theo quan niệm của người Maori, khi chào nhau bằng cách chạm mũi, con người sẽ chia sẻ hơi thở sự sống với nhau. Họ hình thành một liên kết đặc biệt giúp xóa bỏ khoảng cách về văn hóa và địa lý.
Những người chưa từng đặt chân đến vùng đất New Zealand hay còn gọi là “manuhiri” (khách) sẽ trở thành “tangata whenua” (người dân trên đảo).
Lời chào theo kiểu hongi thường được sử dụng trong những cuộc họp truyền thống giữa người Maori hoặc tại một số nghi lễ lớn, chẳng hạn như lễ chào đón Powhiri. Mặc dù vậy, nhiều người Maori vẫn sử dụng hongi trong cuộc sống thường ngày.
Màn chào đón đặc sắc của người Maori tại lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính ở New Zealand
Nguồn gốc của hongi bắt nguồn từ văn hóa dân gian Maori về sự hình thành loài người. Họ quan niệm thần linh tạo ra người phụ nữ đầu tiên trên thế giới bằng cách nhào nặn cơ thể từ đất và thổi sự sống vào lỗ mũi của người này.
Đối với Powhiri, đây là nghi lễ chào đón những vị khách đặc biệt của người Maori. Powhiri bao gồm nhiều bài phát biểu, buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật và hongi.
Khi bắt đầu nghi lễ, một hoặc một số chiến binh Maori sẽ thận trọng tiến đến khách và thể hiện uy lực của họ. Chiến binh Maori hét lớn, nhăn mặt và thực hiện những cử chỉ mạnh mẽ nhằm thể hiện rằng họ sẵn sàng dùng bạo lực chống lại khách nếu những người này có ý định xấu.
Chiến binh Maori tiếp tục đặt một con dao gỗ và một cành dương xỉ xuống đất. Người khách cần cúi xuống và nhặt 2 vật này lên.
Sau đó khách có thể chiêm ngưỡng điệu múa Haka “rực lửa” hoặc một vài loại hình biểu diễn khác tùy theo sự sắp xếp của ban tổ chức.
Lễ chào đón Powhiri kết thúc bằng nghi lễ hongi nói trên. Một cử chỉ thân mật xóa bỏ khoảng cách giữa khách và người bản địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận