15/09/2013 13:42 GMT+7

Hôn nhân đồng tính: vì sao chưa công nhận?

VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN - CHI MAI thực hiện
VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN - CHI MAI thực hiện

TT - Bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận quan hệ hôn nhân này. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình đã có thay đổi trên và đang nhận được ý kiến tranh luận.

jvZYJ2ma.jpgPhóng to “Yêu là cưới” - “đám cưới” tập thể đầu tiên ủng hộ hôn nhân đồng giới tại VN, diễn ra vào Ngày quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới. Tại đây, hàng chục cặp đôi “không phân biệt giới tính hay xu hướng tính dục” đã cùng nhập vai vào những cô dâu, chú rể để thể hiện cảm xúc và mong muốn được kết hôn của bất kỳ ai, trong đó có người đồng tính, song tính và chuyển giới - Ảnh: Nga Linh

e9dtvKeB.jpgÔng Hà Hùng Cường - Ảnh: V.D.* Bộ trưởng Bộ Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG:

Giải quyết có lộ trình

Dự thảo luật đã đưa ra quy định mới là “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống như vợ chồng giữa họ.

Phải nói rằng vấn đề chung sống giữa những người cùng giới tính là vấn đề thực tế ở nhiều nước, cũng đã gây ra nhiều cuộc tranh luận với nhiều quan điểm khác nhau về thái độ của xã hội, của nhà nước đối với những người này. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy nhiều nước đã giải quyết vấn đề này có lộ trình, tức là trước hết nhà nước thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, sau đó mới thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ: Canada thừa nhận quyền chung sống giữa những người cùng giới tính vào năm 1999, đến năm 2005 mới thừa nhận hôn nhân này. Pháp thừa nhận quyền chung sống giữa những người cùng giới tính từ năm 1999 và đến năm 2013 mới thừa nhận hôn nhân của họ... Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng đã hợp pháp hóa quan hệ đồng tính vào năm 1997 (Trung Quốc), năm 2009 (Ấn Độ)...

Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trào lưu thế giới hiện nay, việc cấm đoán và xử lý hành chính hôn nhân đồng tính là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này. Tuy vậy, hôn nhân đồng tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Do đó, việc thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình, bước đi phù hợp. Trong hoàn cảnh ở nước ta hiện nay, Chính phủ cho rằng Nhà nước và pháp luật không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp họ giải quyết ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này (tài sản, con cái... - NV) nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của xã hội.

KPWEI694.jpgẢnh: V.Dũng* Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật PHAN TRUNG LÝ:

Không nên quy định nửa chừng

Xét về nguyên tắc nhà nước pháp quyền, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Nếu bây giờ mình bỏ điều cấm ấy đi thì việc chung sống giữa họ không bị coi là vi phạm pháp luật nữa, mà việc chung sống này lại nảy sinh những vấn đề pháp lý và xã hội cần được giải quyết.

Do vậy, theo tôi, một khi chúng ta đã có bước tiến mới nhận thức về quyền con người thì nên công nhận chứ không chỉ nói là không thừa nhận. Luật pháp phải rõ ràng, không nên quy định nửa chừng như vậy.

WpxcN0e9.jpgẢnh: Chi Mai* Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (Đoàn luật sư TP.HCM):

Pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi

Nếu dự luật bỏ quy định cấm, có nghĩa là các trường hợp kết hôn đồng giới sẽ không bị xử phạt, nhưng về pháp lý thì hôn nhân ấy không được công nhận, tức số phận của họ vẫn lơ lửng, từ đó sẽ phát sinh nhiều hậu quả pháp lý phức tạp khác.

Theo các nguyên tắc quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi, tức không thể xây dựng luật theo kiểu nửa vời, không cấm mà cũng không thừa nhận.

Sự ra đời của pháp luật nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội. Pháp luật cũng giống như một hành lang vừa bảo vệ, vừa giúp các chủ thể tự biết kiềm chế những hành vi của mình, nếu như vượt quá hành lang cho phép đó xem như vi phạm và sẽ bị chế tài. Việc pháp luật “không cấm” sẽ được hiểu là được phép, còn “cấm” nghĩa là tuyệt đối không được làm, nếu làm sẽ bị chế tài (xử phạt vi phạm). Khi xây dựng luật hay cụ thể là điều luật, nhà làm luật phải dựa vào các nguyên tắc xây dựng pháp luật, phải vừa xuất phát từ thực tế khách quan vừa xuất phát từ bản chất, vai trò của pháp luật để đảm bảo việc thể hiện đầy đủ ý chí và lợi ích của nhà nước, nhân dân trong các quy định pháp luật.

hUaUoxhn.jpgPhóng toÔng Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: V.Dũng* Ông NGUYỄN SỸ CƯƠNG (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Tạo cơ sở pháp lý để giải quyết hậu quả

Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề nhạy cảm rất cao không chỉ ở VN mà cả trên toàn thế giới, ngay cả với những nước phát triển. Hiện có hai luồng ý kiến được ghi nhận trên nghị trường và ngoài xã hội.

Theo tôi được biết, trên thế giới chỉ có một số ít quốc gia cho phép hôn nhân giữa những người cùng giới tính trong khi hầu hết không cho phép hoặc cấm, cũng có những nước không cấm nhưng không thừa nhận. Với những nước đã có sự thừa nhận, quá trình thảo luận trong xã hội cũng như ở các diễn đàn chính thức như chính phủ, quốc hội về vấn đề này cũng không hề đơn giản và kéo dài trong nhiều năm. Thông thường nhà nước thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, sau đó mới thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ, Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa họ.

Dưới góc độ pháp luật, từ chỗ cấm triệt để - hôn nhân đồng tính là vi phạm pháp luật - đi đến không cấm là sự thay đổi rất lớn. Theo quan điểm của tôi, ở nước ta đây là một vấn đề mới, nên tiếp cận một cách toàn diện và cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

* Người dân hiểu rằng họ được làm những gì pháp luật không cấm. Như vậy theo dự thảo luật, những người cùng giới tính có thể được kết hôn?

- Ban soạn thảo dự án luật đề xuất bỏ điều cấm, tuy nhiên trong quy định pháp luật hiện hành cũng như trong dự thảo luật đã định nghĩa kết hôn là việc “nam và nữ” xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy nghĩa là không cấm nhưng không thừa nhận, điều này tạo ra một quy định nửa vời và không rõ ràng. Pháp luật không cấm, nhưng hai người cùng giới tính đăng ký kết hôn thì không được chính quyền thực hiện vì đó không phải là “nam và nữ”. Theo tôi, pháp luật phải rõ ràng.

Khó ở chỗ xã hội đang nhìn nhận vấn đề này rất khác nhau. Nhiều người nhìn nhận vấn đề này liên quan đến quyền con người, thể hiện tính nhân văn, giảm kỳ thị của xã hội và đặc biệt tạo cơ sở để giải quyết hậu quả về mặt pháp lý mà thực chất là hợp pháp hóa hôn nhân thực tế của những người đồng giới. Tuy nhiên, ở mặt khác của vấn đề, hôn nhân đồng giới được cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình VN, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng gia đình về duy trì nòi giống. Điều quan trọng là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới liệu sẽ dẫn đến bao nhiêu hệ lụy tiêu cực xã hội mà pháp luật chưa lường hết. Liệu những hậu quả pháp lý phải giải quyết có giảm hay lại tăng so với hiện nay khi chúng ta đang cấm hôn nhân đồng giới?!

Thực chất dự thảo Luật hôn nhân và gia đình lần này thể hiện quan điểm của ban soạn thảo là chưa nên thừa nhận hôn nhân đồng tính và điều này được thể hiện ở định nghĩa về kết hôn như tôi đã nói. Việc bãi bỏ điều cấm không có nghĩa là hợp pháp hóa một cách đầy đủ hôn nhân đồng giới, mà chỉ ở mức tạo cơ sở pháp lý để giải quyết hậu quả của việc sống chung như vợ chồng của người đồng tính đã và đang có trên thực tế, đồng thời góp phần ngăn chặn thái độ kỳ thị của xã hội đối với họ.

* Theo ông, đã đến lúc nên hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tính ở VN?

- Con số 2,5 triệu người đồng tính ở VN chỉ là con số ước đoán được đưa ra, chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định. Con số đó không phải là nhỏ, nhưng chưa phải là lớn nếu so với quốc gia có số dân gần 90 triệu người như VN. Việc cho phép và công nhận hôn nhân đồng giới không đơn giản đưa ra một quy định trong Luật hôn nhân và gia đình là xong, mà còn phải xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định khác của hệ thống pháp luật. Ví dụ như bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con...

Theo tôi, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, toàn diện hơn để có đủ lý lẽ thuyết phục khi trình ra Quốc hội.

____________

Tin bài liên quan:

Không cấm hôn nhân đồng tínhNgười đồng tính ngày càng “dễ thở”Không nên nửa vời về hôn nhân đồng tính?Hôn nhân đồng tính: không cấm nhưng không thừa nhận

VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN - CHI MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên