27/02/2015 18:58 GMT+7

Người thầy thuốc hơn 20 năm lặng lẽ bên những tử thi

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Hơn 20 năm làm việc cùng xác chết, người bác sĩ chuyên ngành giải phẫu tử thi đã âm thầm vượt qua những ám ảnh, thử thách để tìm ra nguyên nhân thật sự cái chết của nạn nhân.

Sau giải phẩu tử thi, ông Minh phải vẽ tranh để loại bỏ tạp ảnh ghê rợn trong đầu hơn 20 năm qua - Ảnh: Sơn Bình)
Sau giải phẫu tử thi, ông Minh phải vẽ tranh để không bị ám ảnh bởi những hình ảnh ghê rợn của tử thi - Ảnh: Sơn Bình

Ông tên Nguyễn Văn Minh, 61 tuổi, giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Tiền Giang, phó chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam. Đáng lẽ đã có thể nghỉ hưu nhưng vì chưa có người thay thế, ông lại tiếp tục ở lại, đảm nhiệm công việc mà mình đã lặng lẽ làm hơn 20 năm qua.

Trong phòng làm việc của ông bác sĩ khá lạ. Chỗ thường đặt dao kéo lại hiển hiện đầy những cành cọ, sơn màu sặc sỡ. Trên bức tường thường treo ảnh rợn người được đơn giản bằng những bức tranh ngư tiều canh mục, tiểu thư bên rừng hoa, thiếu nữ thướt tha áo dài do chính ông họa.

Sinh ra tại Bến Tre, thi đỗ tú tài, ông Minh chọn học ngành bác sĩ, sau đó công tác nhiều năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Năm 1992, ông được phân công chuyên mổ tử thi tại khoa giải phẫu bệnh và như cái duyên, ông theo nghiệp từ đấy. Năm 2002, ông đảm nhiệm giám đốc khi trung tâm thành lập và hoạt động cho đến nay.

“Hồi đó trung tâm chỉ có mỗi cái tủ cũ, cái túi đồ nghề mà tui giải phẫu. Coi như tui vừa làm giám đốc vừa đi mổ tử thi, khi cần làm bảo vệ luôn” - ông cười kể lại.

Nhớ mãi lần mổ tử thi đầu tiên, ông kể hôm đó có vụ tai nạn giao thông chết người tận miền ngoài, nhưng nhiều ngày mới mang thi thể trở về tỉnh. Một mình trong phòng mổ, vừa mở bọc thi thể ông liền bị choáng, bật ngửa bởi khí độc xộc thẳng mũi.

Ông lấy hết sức can đảm, dằn nỗi kinh sợ để bắt đầu công việc. Khi con dao mổ vừa rạch đến vùng bụng sình trướng của tử thi, máu phọt lên cả người, tràn xuống nền. Giám định xong rồi nhưng những hình ảnh ghê sợ ấy mãi lởn vởn trong đầu ông, cả lúc ăn lẫn ngủ...

Một thoáng suy nghĩ tiêu cực, ông muốn xin nghỉ việc nhưng lại ngẫm “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ thuộc về ai”.

Lời thề của nghề, đạo của người học võ (ông là cao thủ nhu thuật, giữ chức trưởng bộ môn judo của tỉnh) khiến ông phải nghĩ cách loại bỏ những ám ảnh, tiếp tục hoàn thành công việc cho thật tốt. 

Ông cảm nhận được ý nghĩa quan trọng của công việc khám nghiệm tử thi mà mình đảm nhiệm - là chứng cứ quan trọng giúp phơi bày những ẩn khuất của các vụ án mạng ra ánh sáng. 

“Từ nhỏ tui đã thích vẽ tranh. Vậy là sau khi giám định, tui lấy cọ, bút màu vẽ lên giấy những bức tranh tươi tắn, lãng mạn mà tui bắt gặp trên những chuyến đi tìm xác chết để giải phẫu. Những hình ảnh ghê sợ lúc mổ xẻ từ từ bị át đi, tâm trí tui chỉ còn lại những bức tranh thôi” - ông chia sẻ bí quyết mà ông có thể trụ vững trong nghề.

Bác sĩ của những xác chết

Ông Minh buồn buồn: "Năm hết tết đến, người ta vui bao nhiêu thì tui ngậm ngùi bấy nhiêu. Bạn thân ai cũng nói: thân thì thân, chứ đầu năm không ghé nhà nghe ông, xui lắm!”.

Từ ngày làm giám đốc, xuân nào ông cũng trực cơ quan. Buồn thì nướng khô, nhâm nhi một mình. 

Ông chia sẻ: cản ngại nhất của việc giải phẫu tử thi là tâm lý của thân nhân luôn muốn xác chết lành lặn khi mai táng nên họ phản ứng dữ dội, thậm chí tấn công người giải phẫu.

Ông kể lại câu chuyện xảy ra hai năm trước tại huyện Cai Lậy, một vụ tai nạn giao thông đã khiến cụ bà qua đời. Ông cùng hai nhân viên đến giám định nhưng gia đình can ngăn, thuyết phục mãi ông mới mổ được thi thể. 

Tuy nhiên, khi êkip đang làm việc thì bất ngờ người con trai của bà cầm dao lao tới chém cả nhóm từ phía sau. Cũng may ông nhanh nhẹn tránh được đòn hiểm, giải thoát cho mọi người.

Cách vụ “chém hụt” đó không lâu, trong một án mạng tại huyện Chợ Gạo, khi người cha đánh con khiến đứa con tự tử chết, ông được cơ quan điều tra cử đi giám định thi thể nạn nhân.

Đến nơi, một nhóm người thân của nạn nhân đã ôm chặt quan tài, nhóm khác cầm cây, dao... bao vây đòi “xử” ông. Lần đó công an phải điều hai trung đoàn cơ động đến giải nguy…

Trong những rủi ro của nghề, ông nói ngán nhất là sơ suất trong giải phẫu dễ lây nhiễm hoặc mang bệnh của tử thi.

Chỉ những vết sẹo còn mờ trên tay, ông nói không ít lần khâu xác chết, khi mệt mỏi kim đâm luôn vào tay làm máu chảy ròng ròng... Lúc đó, ông phải tự sơ cứu vết thương, khi giám định xong phải trở về khám sức khỏe, mua thuốc uống chống phơi nhiễm nhiều tháng trong lo sợ.

“Chắc có duyên nên đam mê nghề, chứ nghĩ lại tủi thân lắm. Người ta làm bác sĩ chữa bệnh còn được bệnh nhân mang ơn. Hết giờ làm việc có thể mở thêm phòng mạch kiếm thêm thu nhập. Còn những người như mình hổng lẽ đợi... xác chết ngồi dậy cám ơn” - ông nửa đùa nửa thật.

Không làm sai lệch nguyên nhân cái chết

Nghĩa tử là nghĩa tận, không chỉ giúp "xác chết lên tiếng" khi xác định chính xác nguyên nhân tử vong mà ông còn “làm thêm” khi bỏ công trang điểm cho tử thi sau khi giải phẫu dù không có quy định bắt buộc nào.

Bao năm qua, những xác chết có hôi thối bao nhiêu, bị văng mất các bộ phận cơ thể, ông cũng tìm nhặt cho đầy đủ, khâu vá cẩn thận rồi tắm rửa, khử mùi, mặc áo quần sạch sẽ mới trao trả họ cho người thân mai táng.

“Mình không chăm sóc bệnh nhân thì phải chăm sóc xác chết, chứ đâu chỉ biết mổ xẻ” - ông giải thích đơn giản.

Trong kinh nghiệm bao năm làm nghề, ông nói muốn làm một người giám định pháp y giỏi phải có tinh thần thép, không chỉ nghiên cứu để nâng cao tay nghề mà quan trọng là phải có cái tâm trong sáng. Không bao giờ vì tư lợi mà làm sai lệch kết luận giám định.

Hỏi ông trong thâm niên của nghề, đã từng có ai tác động muốn ông làm lệch hồ sơ? Ông cười hiền, nói: “Phải có chứ, nhiều nữa là đằng khác. Nhưng phải biết nói không, cho dù người đó là ai”.

Ông nói mình sống nghề này mà làm sai lệch, lương tâm bứt rứt lắm. Kết quả sai đồng nghĩa với việc sẽ có người chịu thiệt thòi, thậm chí tù oan. Bao năm trong nghề, ông không ngại công bố sự thật, thậm chí bất lợi cho ngành y của tỉnh mà ông cũng là một cá nhân liên quan.

Ông kể lại câu chuyện xảy ra hơn hai năm trước, một sản phụ sau khi sinh bị chết tại Bệnh viện. Ông khám nghiệm và xác định nạn nhân chết chính là do lỗi chuyên môn của bệnh viện.

Hay năm ngoái, một thanh niên người ngợm xăm trổ, do mâu thuẫn bên ngoài nên bị đâm phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện nhưng sau đó tử vong. Khi nhận nhiệm vụ giải phẫu tử thi, ông đã làm hết sức cẩn thận và đưa ra kết luận bệnh nhân tử vong một phần do sơ suất chuyên môn của bệnh viện nên đề nghị phải giải quyết cho hợp tình hợp lý.

“Dù là ai, làm nghề gì, sống cũng như chết đều phải cư xử đúng đắn, công bằng như nhau” - ông thẳng thắn nói.

Cống hiến lớn cho ngành giải phẫu tử thi

Nói về bác sĩ Nguyễn Văn Minh, ông Trần Thanh Thảo - giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang - cho biết: Hơn 30 năm công tác trong ngành y, hơn 20 năm lặng lẽ cống hiến cho ngành giải phẫu tử thi, bác sĩ Minh luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Ông đã nhận được Huân chương lao động, nhiều bằng khen từ trung ương đến địa phương.

Dù gia cảnh chỉ đủ ăn, theo nghiệp bao cực khổ nhưng người bác sĩ - giám đốc trung tâm giám định pháp y đó luôn động viện, thuyết phục con trai ông nối nghiệp.

Hiện con ông đã học xong y sĩ, công tác tại trung tâm và thường đi theo phụ ông giải phẫu tử thi, học hỏi kinh nghiệm.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên