09/07/2020 16:28 GMT+7

Hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

B.NGỌC
B.NGỌC

TTO - Việt Nam luôn ưu tiên các dự án đầu tư FDI công nghệ tiên tiến, mới, hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có kết nối để hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hơn 1.000 nhà đầu tư Nhật Bản trên toàn cầu tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến để tìm kiếm cơ hội đầu tư - Ảnh: B.N

Ông Vũ Đại Thắng, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), nhấn mạnh trước hơn 1.000 nhà đầu tư Nhật Bản tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản, ngày 9-7.

Đây là lần đầu tiên Bộ KH&ĐT tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế quy mô lớn theo hình thức trực tuyến.

Theo Bộ KH&ĐT, đến nay cả nước có 32.000 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư khoảng 380 tỉ USD. Nhật Bản là quốc gia đứng 2 về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 60 tỉ USD

Theo ông Thắng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện mạnh mẽ, khi xếp 70/190 quốc gia về mức độ thuận lợi đầu tư theo bảng xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của WB trong giai đoạn 2019-2020.

Khảo sát của JETRO cũng cho thấy trên 63% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở Việt Nam có nguyện vọng mở rộng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, cao nhất khu vực ASEAN.

Đánh giá cao thành công chống dịch COVID của VN, công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại VN - Okabe Daisuke - cho rằng với năng lực quản trị rủi ro cao, VN đã gặt hái thành công trong khi nước khác đang khốn đốn vì COVID thì nền kinh tế VN hồi phục nhanh chóng.

VN cũng cho thấy là nước đầu tiên thấy lợi thế của đa dạng hóa cung cấp. Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, coi là điểm đến đầu tư trong trạng thái bình thường mới.

Hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều năm qua Nhật Bản luôn là quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI tại VN - Ảnh: BN

Nhưng để nắm bắt cơ hội, trở thành nước mạnh mẽ hơn, phồn vinh hơn, ông Okabe Daisuke kiến nghị với Chính phủ 4 điểm.

Một là, tái mở đi lại giữa hai nước. Trong tháng 5, tháng 6 Việt Nam đã cho phép 500 chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh vào Việt Nam. Chính phủ 2 nước cũng đã họp về việc tái mở lại việc đi lại, việc thúc đẩy đi lại là hết sức cần thiết.

Hai là, cải thiện thực hiện dự án đầu tư công vì không có kích thích kinh tế nào đem lại hiệu quả cao như nhanh chóng thực hiện dự án đầu tư công đã có. Việc sớm vận hành metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường sắt đô thị Nhổn - là giải pháp kích thích kinh tế rất hiệu quả.

Thứ ba là thu hút đầu tư FDI, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản cung cấp gói tín dụng 2,3 tỉ USD để thúc đẩy DN đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, Ngân hàng JIBIC cũng áp dụng gói tài chính ứng phó dịch COVID-19. 

Thứ tư, cần tăng xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Việt Nam và cải thiện tình trạng chậm trễ giải ngân và ra quyết định.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng xét về quy mô vốn đăng ký vốn đầu tư FDI thì Nhật Bản đứng thứ 2 trong nhiều năm qua nhưng xét về tỉ lệ giải ngân thì các nhà đầu tư Nhật Bản luôn đứng đầu.

Và để hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản tới VN đầu tư, Bộ KH&ĐT có các bộ phận hỗ trợ nhà đầu tư như tham tán thương mại tại Nhật Bản và các trung tâm xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. 

Việt Nam và Nhật Bản cũng đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, bảo hộ đầu tư, nhiều hiệp định khác để bảo đảm quyền lợi của DN cả hai nước trong đầu tư, thương mại.

B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên