Vắc xin AstraZeneca - Ảnh: NAM TRẦN
Như vậy, hợp đồng cung ứng vắc xin phòng COVID-19 giữa VNVC và AstraZeneca đã hoàn thành giai đoạn đầu.
Trước đó, VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vắc xin này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca.
Đến nay đã có hơn 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được cung cấp cho hơn 170 quốc gia, và hơn 2/3 trong số này đã được chuyển tới các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Ngày 2-11 vừa qua, AstraZeneca và VNVC đã ký kết cung ứng thêm 25 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho Việt Nam. Giai đoạn chuyển giao vắc xin thứ hai sẽ bắt đầu vào cuối tháng 12 và tiếp tục trong năm 2022.
Ông Nitin Kapoor - chủ tịch kiêm tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường mới nổi khu vực châu Á - cho biết việc chuyển giao vắc xin lần này đánh dấu một cột mốc quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phục hồi nền kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, VNVC cũng đã mua AZD7442 (còn có tên là Evusheld) - liệu pháp bộ đôi kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài, đã được tối ưu hóa để giúp phòng ngừa COVID-19 lên đến 12 tháng. Nếu được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, AZD7442 sẽ là loại hỗn hợp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài đầu tiên được cấp phép cho cả phòng ngừa lẫn điều trị COVID-19.
Nếu được phê duyệt, AZD7442 sẽ kết hợp với vắc xin để cung cấp thêm một liệu pháp bảo vệ cho nhóm dân số có nguy cơ cao, cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, giúp họ chống lại virus.
Theo Bộ Y tế, từ tháng 3 đến hết ngày 7-12, Việt Nam đã tiếp nhận trên 156 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã phân bổ 99 đợt với tổng số 142,2 triệu liều, còn hơn 14 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng.
Đến chiều 9-12, cả nước đã tiêm 130 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 các loại. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 96,3% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 76% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93,4% và 68,6%; miền Trung là 92,8% và 73,3%; Tây Nguyên là 91,0% và 60,5%; miền Nam là 98,9% và 84,7%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận