05/08/2013 14:30 GMT+7

Hôm nay 5-8, công bố miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên

ĐỨC TOÀN
ĐỨC TOÀN

TTO - Ngày 5-8, các nhà khoa học tại Đại học Maastricht (Hà Lan) công bố chiếc bánh hamburger có phần thịt hoàn toàn được tạo ra từ phòng thí nghiệm chứ không phải lấy từ động vật nuôi.

G2qEffNp.jpgPhóng to
Giáo sư Mark Post cho rằng quá trình sản xuất thịt nhân tạo hàng loạt có thể bắt đầu trong 20 năm tới - Ảnh: Sky
hHGIOlCM.jpgPhóng to
Thịt bò nhân tạo (giữa) với thịt mua từ cửa hàng (trái) và thịt bò băm nhỏ (phải) - Ảnh: Skype

Theo NBC, chiếc bánh có giá 330.000 USD được hai tình nguyện viên thưởng thức ngay trước sự chứng kiến của quan khách và báo chí tại một địa điểm bí mật.

Miếng thịt bò được làm từ hơn 20.000 dải thịt nhỏ phát triển từ tế bào gốc của bò. Phần thịt được trộn muối, bột trứng và bánh mì vụn. Sau đó người đầu bếp thêm nước củ cải đường và nghệ tây để miếng thịt có màu giống như thật, rồi đem nướng miếng thịt và nêm một chút gia vị như muối và hạt tiêu. Nếu thao tác chuẩn như đầu bếp lành nghề thì miếng thịt bò sẽ có mùi vị y như thịt bò thật.

Giá trị thực sự của miếng thịt bò nhân tạo?

Tuy nhận định phải mất ít nhất một thập kỷ để thịt nhân tạo thực sự trở thành nguồn thực phẩm thay thế hợp lý về mặt thương mại, nhưng các nhà khoa học đánh giá cao ý nghĩa môi trường của chiến dịch là một đòi hỏi cấp bách. Bởi nhiều năm qua, trên thế giới đã dấy lên chiến dịch phát triển thịt nhân tạo để không phải nuôi dưỡng và sát hại hàng tỉ gia súc mỗi năm để lấy thịt, từ đó ngăn chặn xảy ra khủng hoảng lương thực.

Sky News cho biết đến nay, người ngoài cuộc duy nhất đã được thưởng thức vị của thịt nhân tạo là một phóng viên người Nga. Anh này từng đến phòng thí nghiệm của giáo sư Post tác nghiệp và “ăn lén” một miếng thịt heo nhân tạo. Tuy nhiên, ấn tượng của anh là “dai nhách và vô vị”.

Chủ trì dự án thịt bò nhân tạo này là giáo sư Mark Post. Theo giáo sư, cách làm nông trại hiện nay sẽ không thể nào bền vững trong tương lai lâu dài do dân số cũng như nhu cầu lương thực ngày càng tăng. Liên Hiệp Quốc từng dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt của thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, chủ yếu từ các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Brazil.

Protein từ thực vật cũng là một giải pháp, nhưng đến nay chưa có loại bánh mì kẹp chay nào đạt được hiệu quả trên thị trường đại chúng. Điều này tiếp tục để ngỏ cơ hội cho những loại thịt sản xuất từ phòng thí nghiệm.

“Những điều chúng tôi đang nỗ lực thực hiện rất quan trọng, bởi tôi hi vọng thịt bò nhân tạo sẽ là câu trả lời cho những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt” - giáo sư Post nói. Dự án ban đầu do Chính phủ Hà Lan tài trợ, sau đó tiếp tục được một nhà từ thiện giấu tên quyên góp 330.000 USD để duy trì.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford (Anh) năm 2011 cho biết để nuôi động vật thực hiện cho dự án thịt nhân tạo thì tốn chưa tới 99% diện tích đất hay 96% nhu cầu nước để nuôi đàn gia súc.

Nhóm của giáo sư Post đã thực hiện nhiều thí nghiệm từ thịt chuột, thịt heo và cuối cùng mới là thịt bò.

Cơ quan An toàn thực phẩm cho biết thịt nhân tạo tổng hợp cần được chính quyền chấp thuận, sau khi được đảm bảo về tính an toàn từ nhà sản xuất, trước khi đưa ra thị trường. Giáo sư Post cũng tin rằng giá mua của chiếc bánh sẽ giảm đáng kể so với hiện tại nếu áp dụng quy trình sản xuất hàng loạt.

ĐỨC TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên