Thời hoàng kim thay đổi?
Nhìn lại lịch sử phim hè, lần gần nhất khán giả được mãn nhãn là cách đây tận 7 năm thời điểm ra mắt The Avengers. Bom tấn của hãng Marvel xuất xưởng vào tuần thứ 3 của tháng 4, tức là đón đầu mùa phim hè truyền thống vốn khởi động từ tháng 5 đến tháng 8.
Kỷ lục doanh thu của Avengers: Endgame hiện khó phá vỡ, hiệu ứng trên mạng xã hội vẫn còn được fans bàn tán - Ảnh: Disney
Trước đây, mùa phim yên ắng nhất ở Hollywood thường rơi vào tháng 3 và tháng 4, ngay sau giải Oscar được trao. Đây là lúc những phim hay ho của quốc tế "cập bến" thị trường Bắc Mỹ, tuy nhiên doanh thu chẳng đáng là bao bởi nhà phát hành nhỏ, yếu tố khai thác truyền thông khó khăn.
Năm nay, dù Avengers: Endgame lập cú hích lịch sử, mùa phim hè chỉ le lói vài điểm cộng, báo hiệu rõ rệt tâm lý đám đông khi đón nhận các phim giải trí thương mại. Thế nên tổng doanh thu khá tốt nhưng nếu riêng Bắc Mỹ thì doanh số (khoảng 4,33 tỷ USD) sụt giảm 2% so với năm ngoái.
The Lion King thành công nhờ "được lòng" cả giới phê bình - Ảnh: Disney
Tờ Huffost không tiếc lời nhận định 2019 là mùa phim hè thụt lùi, đồng thời đánh giá Hollywood bị Disney chiếm lĩnh khi phim của hãng này (Aladdin, Toy Story 4, The Lion King và cả Avengers: Endgame) vượt mặt các bom tấn ồn ào khác bao gồm Men in Black: International, Godzilla: King of the Monsters... để mang về tới gần 50% tổng doanh thu Bắc Mỹ từ đầu năm đến nay.
Marvel Studios' Avengers: Endgame - Official Trailer
Cơn nghiện siêu anh hùng có mặt khắp mọi nơi. Trong đó, Avengers: Endgame và Spider Man: Far From Home là hai ví dụ điển hình. Vậy thì ta thấy gì sau đằng sau thành bại của mùa phim hè 2019?
Disney tôn trọng giá trị gốc
Không phải vô cớ mà hãng này thực hiện "live action" cho hai phim hoạt hình đình đám một thời của họ là Aladdin và The Lion King. Kịch bản chắc chắn, bám sát nguyên gốc, hình ảnh đẹp mắt cùng sự tò mò của khán giả là chìa khòa thành công.
Ít ai ngờ một phim không ngôi sao như The Lion King có thể "đấu ta đôi" với Once Upon A Time In Hollywood của Brad Pitt và Leonardo DiCaprio - hai trong số rất ít những diễn viên hạng A được coi là ngôi sao màn bạc thật sự.
Once Upon A Time In Hollywood hao tốn nhiều giấy mực của truyền thông trước và sau khi khởi chiếu - Ảnh: Sony
Việc so sánh này không nhằm hạ bệ Once Upon A Time In Hollywood bởi nó vẫn đạt doanh thu cao thứ nhì trong sự nghiệp làm phim của Quentin Tarantino (phim trước là Django Unchained cũng có Leonardo). Nhưng thời lượng 2 tiếng rưỡi; dãn R hạn chế độ tuổi cũng như nội dung có phần nặng nề rõ ràng kén chọn khán giả hơn.
Ngoài Aladdin và The Lion King vốn sở hữu lượng khán giả từ lâu, Disney còn có "át chủ bài" là Toy Story một thời đình đám của Pixar. Cần nhớ, ba phần trước của Toy Story có đến hai phần chiếm điểm 100% trên Rotten Tomatoes còn doanh thu luôn vượt đều đặn 5 lần kinh phí.
Phim hài... tắt tiếng, kinh dị giữ phong độ!
Phim hè từng là "đất lành" cho các tác phẩm tình cảm hài hước suốt những năm 80 đến đầu 2000. Nhưng đã có hàng loạt phim hài thất sủng năm 2019 dù qui tụ diễn viên hùng hậu: The Hustle có Anne Hathaway, Long Shot có Charlie Theron, The Kitchen có Melissa McCarthy...
Chỉ một điểm sáng duy nhất cho phim hài hè năm nay là The Farewell. Phim độc lập kinh phí dưới 5 triệu USD nhưng thu về gấp ba lần, được giới phê bình và khán giả đánh giá cao.
Bản sắc Á đông tiếp tục lên ngôi tại thị trường Bắc Mỹ trong The Farewell - Ảnh: A24
Đáng chú ý, The Farewell gợi nhớ tới Crazy Rich Asians từng thành công bất ngờ vào năm ngoái vì sở hữu dàn cast châu Á duyên dáng cùng câu chuyện về văn hóa gợi sức hút. Nhưng The Farewell không nằm trong kế hoạch "đánh trận" mùa hè như các phim hài kể trên.
Không chờ đến Halloween, thể loại phim kinh dị vẫn ổn định doanh thu. Con số khiêm tốn thuộc về phim độc lập Midsommar (tổng 35,5 triệu USD) nhận nhiều phê bình tích cực; trong khi khá khẩm nhất là Annabelle Comes Home (tổng 222 triệu USD) lại bị chê dưới mức trung bình khi đề tài đã cạn kiệt mà ekip vẫn cố... bôi.
Tín ngưỡng trở thành vũ khí đáng sợ trong phim Midsommar - Ảnh: A24
Hiện dòng phim kinh dị có cấu trúc mới lạ lẫn cách khai thác không đi theo lối mòn từ Get Out, đến The Witch, Hereditary và giờ là Midsommar (xoay quanh giáo phái đa thần Pagan) dễ dàng chinh phục người xem hơn là các màn jump-scare tác dụng tạm thời.
Ngôi sao hành động thế hệ cũ: chưa hết hot!
Mặc dù doanh thu không thể so bì với siêu anh hùng nhưng khán giả vẫn thích thú trước các màn đánh đấm cổ điển, thể hiện độ chân thực cao (nhờ diễn viên đóng thế) thay vì kỹ xảo điện ảnh choáng ngợp từ các phim của Marvel hay DC.
Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw - Official Trailer
Bằng chứng, Hobbs & Shaw trong chuỗi Fast & Furious có doanh thu bên ngoài nước Mỹ cao ngất ngưởng hơn 500 triệu USD.
Với thương hiệu Fast & Furious thì con số ấy... bình thường, nhưng vì Hobbs & Shaw chỉ là phần spin-off (riêng lẻ, vay mượn một số nhân vật của Fast & Furious) nên 700 triệu USD toàn cầu không hề tệ.
Anh hùng cơ bắp vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả - Ảnh: Universal
Theo sau Hobbs & Shaw là phần ba John Wick của tài tử Keanu Reeves, bộ phim hành động giúp anh lấy lại tiếng tăm sau thời gian dài im ắng. Thậm chí phần ba còn thu về nhiều tiền hơn hai phần trước, dẫn tới việc ekip tuyên bố thực hiện phần bốn sẽ chiếu mùa hè 2021.
Phong cách lạnh lùng của sát thủ John Wick khiến phim hấp dẫn - Ảnh: Lionsgate
Nội dung của John Wick đơn giản, dễ tiếp cận cộng với các cảnh hành động, giao đấu, bắn súng quen thuộc được thực hiện chỉn chu và đẹp mắt bởi đạo diễn kiêm diễn viên thế thân Chad Stahelski, phim là "của hiếm" mà khán giả không thể đòi hỏi hơn.
Phần tiếp theo: trò chơi may rủi!
Phim hè 2019 cũng chứng kiến thất bại nặng nề cho biểu tượng X-Men của hãng 20th Century Fox (nay thuộc quyền sở hữu Disney).
Quá trình sản xuất rối rắm, trì trệ khiến Dark Phoenix không được Disney ưu tiên phát hành, hãng dời lịch chiếu nhiều lần cho tới tháng 6 năm nay.
X-Men hiện đang mất dần sức hút so với vũ trụ siêu anh hùng Marvel - Ảnh: Disney
Kết quả, phần phim sáng tạo này chỉ thu về 252 triệu USD so với kinh phí 200 triệu USD. Disney cho biết phần phim khởi động X-Men thời gian tới sẽ được Marvel sản xuất, tức Disney vẫn không từ bỏ thương hiệu X-Men, chỉ là họ nhận ra Fox không còn chất xám cho series này.
Thêm một bài học cho việc may rủi là câu chuyện của Godzilla năm 2014: nhà sản xuất Legendary Pictures bị con số hơn 300 triệu USD bên ngoài Bắc Mỹ hút hồn, bèn thực hiện tiếp phần hai trong khi kịch bản lỏng lẻo, nhân vật tẻ nhạt khiến Godzilla: King of the Monsters lao dốc không phanh.
Godzilla: King of the Monsters thất bại khiến hãng W.B. cẩn trọng hơn cho phần phim kế tiếp đã lên kế hoạch từ trước - Ảnh: Warner Bros.
Rất khó đoán định cảm vị khán giả ngoài việc thông qua sự quan tâm của họ dành cho nội dung phim, thay vì chỉ nhìn vào con số. Nếu khán giả còn nhắc tới nhân vật hay bộ phim, hoặc họ được "phục vụ" như cách Marvel phục vụ 22 phim trong 11 năm... thì hãy nghĩ tới việc làm các phần tiếp theo.
Huyền thoại âm nhạc trở lại
Bốn tượng vàng Oscar cho Bohemian Rhapsody và một tượng vàng cho A Star is Born đầu năm nay dường như vẫn còn "tác dụng phụ", nó khiến khán giả hào hứng đến rạp thưởng thức hai phim đáng yêu Yesterday và Rocketman.
Yesterday (2019) - Movie Trailer
Yesterday xoay quanh những giai điệu The Beatles đi cùng năm tháng; Rocketman kể về giai đoạn thăng trầm của Elton John với những bản rock’n roll ngập tràn. Hai phim đều của Anh quốc và không ngôi sao Hollywood.
Cảnh trong phim Yesterday - Ảnh: Universal
Vì sao doanh thu của nó khả quan?
Vì khán giả vẫn yêu thích dòng phim ca nhạc nếu chúng được làm cẩn thận. Vì phim ca nhạc luôn kết hợp khéo léo câu chuyện tình lãng mạn và ngọt ngào, hoặc những mối tình nghệ sỹ khiến người xem suy ngẫm. Vì thời điểm ra mắt giữa loạt phim đánh đấm, kỹ xảo... thì những thứ nhẹ nhàng dễ chiếm cảm tình.
Và còn nữa, hầu như các phim có "thủ lĩnh" là các nữ diễn viên chính đều thất bại về doanh thu, chứng tỏ ở Hollywood hiện nay không nhiều sao nữ đủ quyền lực thống trị phòng vé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận