23/02/2023 08:59 GMT+7

Hồi sinh kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Sáng nay (23-2), chính quyền TP.HCM khởi công giai đoạn 2 dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đi qua bảy quận huyện.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đoạn qua quận Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp trưa 22-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đoạn qua quận Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp trưa 22-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Như vậy, sau gần 20 năm chờ đợi, giấc mơ xanh hóa dòng kênh dài nhất của người dân đã thành hiện thực.

Ai cũng khấp khởi mừng vui, kỳ vọng đổi thay diện mạo đô thị, đời sống được nâng cao...

Mong chờ dòng kênh xanh

Giữa trưa 22-2, chúng tôi đi dọc bờ kênh Tham Lương (đoạn chảy qua phường 1, quận Gò Vấp) chứng kiến cảnh chai nhựa, thùng xốp, xác động vật... trôi lềnh bềnh.

Dưới tiết trời nắng oi ả, nước kênh rút dần, mặt kênh đen kịt bị phủ kín bởi lục bình và rác thải sinh hoạt. Mùi hôi thối bốc lên, xộc vào mũi rất khó chịu.

Gần đó, ông Nguyễn Đức Hiếu (63 tuổi), một người dân sinh sống ở đây gần 30 năm, đang tưới mấy chậu cây xanh trồng ven con kênh này. Mấy năm qua, nhờ những chậu cây, bồn hoa ông trồng mà không khí tại đường bê tông qua khu phố 3 giảm bớt mùi hôi thối, người dân cũng dễ thở hơn rất nhiều.

Ông Hiếu nhớ lại mấy chục năm về trước, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vẫn trong xanh, mát rượi. Mỗi ngày, tàu bè đi lại qua đây dễ dàng, họ chở trái cây, chở cát vào cho dân xây nhà ở. Thế rồi, tốc độ đô thị hóa, dân cư trong khu vực trở nên đông đúc kéo theo rác thải, ô nhiễm. Dòng kênh xanh biến mất, thay vào đó là mặt nước đen ngòm, hôi thối.

Ông Hiếu kể nhất là ngày nước cạn, người dân ở trong nhà cũng ngộp mùi không thở nổi. Tàu ghe bị vướng rác thải, lục bình phải đợi con nước lên mới đi qua được.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Để ngăn mùi hôi và cải tạo cảnh quan dọc bờ kênh, ông Hiếu đã tự bỏ tiền trồng 40 gốc cây chuối cùng nhiều loại cây cảnh. Hằng tháng, ông vét hết tiền phụ cấp đi mua thêm cây về trồng góp phần giảm bớt mùi hôi cho con kênh. Nhiều người dân thấy thế cũng góp thêm vào để cùng xây con đường tạm ven kênh đi lại cho dễ dàng hơn.

"Sau mấy chục năm chờ đợi, tôi cùng người dân ở đây kỳ vọng dự án sớm hoàn thành để giao thông thông suốt, môi trường trong lành hơn. Chúng tôi cũng mong dự án có thể làm thêm phần vỉa hè để bà con có không gian đi bộ tập thể dục. Hy vọng một ngày không xa, hình ảnh dòng kênh xanh và trẻ thơ chạy nhảy vui đùa dọc bờ kênh sẽ trở lại", ông Hiếu nói.

Cách đó không xa, chúng tôi ghé vào nhà bà Đoàn Thị Phương Linh (51 tuổi) đang vất vả múc từng xô nước từ cái giếng thứ tư mới đào lên. Bà Linh kể hàng chục hộ dân làm vườn ở đây muốn có nguồn nước để tưới cây phải đào giếng sâu từ 70m trở lên thì nước mới sử dụng được. Nhà nào đào giếng nông quá là nước bị nhiễm phèn và có mùi hóa chất nồng nặc.

Chính vì vậy, khi phường đến yêu cầu bà dời phần đất trồng cây phục vụ dự án, bà rất phấn khởi. Khi đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được cải tạo, dòng kênh xanh và nước sạch sẽ về với người dân.

"Dự án hoàn thành, dân chúng tôi có nước sạch, mùi hôi thối không còn. Không chỉ vậy, giao thông kết nối thuận tiện hơn thì cuộc sống của người dân ven kênh nhất định có nhiều đổi thay. Tôi chỉ mong rằng chính quyền cố gắng làm nhanh, làm đúng tiến độ không để chúng tôi phải chờ đợi quá lâu nữa. Về phía người dân nên ý thức giữ gìn dòng kênh đẹp, không xả rác sinh hoạt bừa bãi xuống dòng nước là tự hủy hoại môi trường sống của mình", bà Linh nói.

Kênh Nước Đen hồi sinh sau khi được thành phố cải tạo - Ảnh: LƯU DUYÊN

Kênh Nước Đen hồi sinh sau khi được thành phố cải tạo - Ảnh: LƯU DUYÊN

Hồi sinh dòng kênh thế nào?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Tùng, giám đốc quản lý dự án thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết giai đoạn 2 này hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng cho toàn dự án.

Trong đó gồm: xây kè bê tông hai bờ kênh, nạo vét lòng kênh, xây đường giao thông chạy dọc hai bờ kênh rộng 7 - 12m, có vỉa hè 3m. Ngoài ra, giai đoạn này còn xây 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, ba cây cầu cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...

Sau khi dự án hoàn thành, dòng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được hồi sinh. Theo đó, ngoài hiệu quả chống ngập được nâng cao, dự án còn giải quyết ô nhiễm đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân. Đây cũng chính là trục kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong tương lai. Đặc biệt là bảy quận, huyện có dòng kênh đi qua như quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh...

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

"Hạ tầng đường giao thông hai bên bờ kênh kết nối giao thông liên vùng sẽ tạo ra nhiều hướng kết nối giao thông từ vùng ngoại thành vào trung tâm TP.HCM. Những tuyến đường như quốc lộ 1, đường Phan Văn Hớn, Quang Trung, Tân Kỳ Tân Quý... giảm bớt ùn tắc. Song song đó, các đơn vị cũng đảm bảo điều kiện cho giao thông thủy qua lại khu vực này phục vụ các nhu cầu vận chuyển", ông Tùng nói.

Để làm được những điều đó, công tác giải phóng mặt bằng được các địa phương triển khai từ sớm. Đến nay, toàn tuyến hiện chỉ còn một phần diện tích chưa giải tỏa ở quận 12 và Gò Vấp với khoảng 166 hộ. Hiện các địa phương đang khẩn trương hoàn tất thủ tục đền bù sớm hoàn thành dự án.

"Một ngày không xa, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng trở thành một tuyến kênh đẹp như dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dòng kênh xanh đẹp, có tàu thuyền đi qua, có công viên cho người dân đi bộ lúc thảnh thơi giữa Sài Gòn. Đời sống của hộ dân dọc hai bên bờ ngày càng sung túc", ông Tùng vui mừng chia sẻ.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đoạn qua phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM rác ngập tràn gây ô nhiễm môi trường (ảnh chụp trưa 22-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đoạn qua phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM rác ngập tràn gây ô nhiễm môi trường (ảnh chụp trưa 22-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường):

Cần phương án xử lý nước thải

Yếu tố "then chốt" để giải cứu con kênh này là phải tìm hiểu rõ nguồn nước được thải ra kênh cùng thành phần nước thì mới tính được phương án xử lý phù hợp. Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có "dính" đến nguồn nước từ các khu nhà máy, công nghiệp thải ra nên khó tránh khỏi việc bị nhiễm kim loại nặng, khác với nguồn nước thải ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (từ nguồn nước sinh hoạt) nên không thể sử dụng công nghệ xử lý hóa - sinh như bình thường được.

Do đó, cần tách rời xử lý nước thải một số khu công nghiệp lớn ra khỏi dự án. Bởi vì việc xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp hoàn toàn khác nhau. Sẽ không nhà máy nào có thể xử lý nổi nếu cứ để nước thải từ khu công nghiệp hòa chung vào. Một yếu tố không thể thiếu khác là nạo vét kênh và xây dựng hạ tầng.

Chúng ta đã có một số trạm xử lý nước cho kênh Tham Lương nhưng lại chưa có đường cống bao, thu gom nước... nên không thể xử lý đồng bộ. Khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đường ống được đấu nối thì môi trường sẽ được cải thiện. Các trạm xử lý được và đảm bảo việc thu nước vào. Sau đó tiến hành kiểm tra nguồn nước và tính toán đến việc xử lý nước đồng bộ. Đây là vấn đề còn dài tập, đòi hỏi sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng vì dòng kênh này đã bị ô nhiễm quá lâu.

Anh Trần Văn Tiến (phường 13, quận Gò Vấp) đã sinh sống 43 năm trên chiếc ghe ở kênh Tham Lương. Anh Tiến hy vọng nước kênh được cải tạo trong xanh, thuyền bè dễ dàng đi lại - Ảnh: CHÂU TUẤN

Anh Trần Văn Tiến (phường 13, quận Gò Vấp) đã sinh sống 43 năm trên chiếc ghe ở kênh Tham Lương. Anh Tiến hy vọng nước kênh được cải tạo trong xanh, thuyền bè dễ dàng đi lại - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ông Nguyễn Ngọc Hưng (người dân từng sống ở ven kênh):

Mong dự án hoàn thành đúng tiến độ

Những năm 1990, người dân khu vực này chủ yếu làm ruộng, nước kênh còn trong vắt. Buổi chiều, thanh niên thời ấy thường ra dòng kênh giăng lưới, bắt cá về để ăn.

Rồi những cánh đồng dần biến mất... hàng loạt khu công nghiệp mọc lên, khu dân cư ồ ạt dồn về đã "bức tử" dòng kênh hiền hòa ngày nào. Ô nhiễm xâm lấn dòng sông, dòng nước cứ đen dần, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc, cá chết nổi trắng dòng kênh.

Đến năm 2002, chính quyền thông báo cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và vận động người dân nhường đất cho dự án đi qua. Với khao khát được sống ở môi trường xanh - sạch - đẹp, cả gia đình tôi đã đập đi 60m2 gian nhà đang sống để phục vụ làm dự án. Thế nhưng, hàng chục năm trôi qua, dự án vẫn chưa thể triển khai hoàn thiện, còn người dân vẫn phải chịu cảnh hôi thối kéo dài.

Không chịu nổi, gia đình tôi phải bán nhà dọn đi nơi khác sinh sống. Tôi mong lần này dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ để phục hồi con kênh này, trả lại dòng kênh xanh cho người dân. Để làm được điều đó, tôi cho rằng chính quyền phải quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải. Bởi đường sá quanh kênh đẹp, nhưng dòng nước vẫn đen và bốc mùi thì chưa phải môi trường sống lý tưởng.

CHÂU TUẤN - THU DUNG

Dự án kênh Tham Lương khởi công giai đoạn 2Dự án kênh Tham Lương khởi công giai đoạn 2

Sau thời gian dài ngưng trệ, đến nay giai đoạn 2 của dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã sẵn sàng được khởi công vào ngày 23-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên