14/10/2016 12:08 GMT+7

Hội nghị trung ương 4: Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Chinhphu.vn
Chinhphu.vn

TTO - Sau 6 ngày làm việc, sáng 14-10, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nhờ có sự đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực".

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau khi xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện các vấn đề, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cho rằng, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bên cạnh thuận lợi, đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức gay gắt.

Nhờ có sự đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong 9 tháng năm 2016, kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước, tuy thấp hơn so với kế hoạch, nhưng là mức cao trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực; dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; khu vực kinh tế tư nhân có bước khởi sắc; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và tổng vốn đăng ký. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh.

Dự báo, đến cuối năm 2016, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, đã kịp thời ứng phó, khắc phục và thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Khởi tố, điều tra, xét xử nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, góp phần tích cực đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, sách nhiễu. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP và xuất khẩu 9 tháng đạt thấp so với cùng kỳ và dự kiến; tăng trưởng nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra; thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao.

Nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, chậm được xử lý căn bản và triệt để. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA còn chậm, gặp nhiều trở ngại.

Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề bức xúc. Tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn.

Trong những tháng cuối năm, để đạt mức tăng trưởng 6,3-6,5%, cần dồn sức giải ngân thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; huy động nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản; xử lý những ách tắc trong tiêu thụ than; phát triển mạnh du lịch.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2017, tiếp tục tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để có thể hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ trên đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh. Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Nhà nước; thất thu, bội chi, mất cân đối lớn về ngân sách Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để hơn các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, cần thực hiện có hiệu quả chủ trương thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết, nhất là khắc phục hậu quả sự cố môi trường ở miền Trung, củng cố niềm tin của nhân dân.

Chinhphu.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên