Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao của ASEAN và GCC gặp nhau kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1990.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN và GCC nhất trí cần duy trì trao đổi thường xuyên, trong đó dự kiến sẽ định kỳ tổ chức gặp gỡ cấp cao ASEAN - GCC 2 năm/lần. Củng cố và hoàn thiện các cơ chế hợp tác, đồng thời đẩy mạnh hợp tác bình đẳng, cùng có lợi để khai thác dư địa hợp tác giữa hai bên.
Trong đó, tập trung thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, kết nối, hợp tác biển, an ninh năng lượng, lương thực, công nghiệp halal, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, du lịch, hợp tác lao động, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Cho rằng hội nghị cấp cao lần đầu tiên giữa ASEAN và GCC là một dấu mốc lịch sử, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng hai bên cần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khơi thông các nguồn lực, đưa hợp tác bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, trở thành điểm sáng khu vực và toàn cầu.
Cũng chung tầm nhìn với các nhà lãnh đạo ASEAN và GCC, Thủ tướng cho rằng hai bên cần tạo thuận lợi hơn nữa để kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành trụ cột chính.
Đây sẽ là động lực kết nối hai khu vực, bổ trợ cho nhau cùng phát triển, cùng thắng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác vì mục tiêu phát triển xanh và bền vững hơn.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần thúc đẩy ba kết nối: một là kết nối con người, văn hóa, lao động; hai là kết nối thương mại, đầu tư, du lịch; ba là kết nối hạ tầng, thông qua đầu tư hạ tầng chiến lược.
Thể chế hóa hợp tác ASEAN - GCC bằng các cơ chế thường xuyên, thực chất, hiệu quả trên từng lĩnh vực.
Các nước kêu gọi hòa bình, hợp tác
Đặt trong bối cảnh khó khăn phức tạp của thế giới và khu vực, Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy đối thoại, hợp tác.
Đặc biệt, các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Dải Gaza, lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực nhắm vào dân thường.
Kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán.
Các bất đồng cần được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân.
Về vấn đề này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam phản đối mạnh mẽ mọi hành vi sử dụng vũ lực và kêu gọi các bên liên quan chấm dứt ngay các hành động bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu.
Theo Thủ tướng, chỉ có thương lượng và đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình đạt giải pháp hai nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới là con đường duy nhất để mang lại nền hòa bình bền vững, lâu dài cho Trung Đông và tất cả các bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận