Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc AMM 53 ngày 9-9 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Gắn kết và chủ động thích ứng không chỉ đơn thuần là chủ đề của năm 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành một thương hiệu của ASEAN, khi chúng ta tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt qua sóng gió, tự tin tiến lên.
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Luật pháp quốc tế được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chính là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và tinh thần của các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cũng như Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông
Theo Bộ Ngoại giao, tại AMM 53 ngày 9-9, các ngoại trưởng ASEAN đánh giá bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ASEAN tiếp tục chủ động tăng cường hợp tác, duy trì đà xây dựng cộng đồng cũng như ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh COVID-19.
Trước những diễn biến, bất ổn gia tăng trong tình hình thế giới, trong đó có dịch bệnh, nguy cơ suy thoái
kinh tế, cạnh tranh gia tăng giữa các nước lớn..., ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, an ninh và trung lập, trong đó luật pháp quốc tế được đề cao.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các ngoại trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trước những diễn biến phức tạp thời gian qua, các bộ trưởng nhất trí ASEAN cần kiên trì lập trường nguyên tắc, trong đó kêu gọi các bên tiếp tục kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đồng thời cần tiếp tục đề cao hơn nữa luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Hội nghị cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Gắn kết là thương hiệu ASEAN
Biển Đông và tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng trong ASEAN là hai ưu tiên của Việt Nam tại AMM 53 và các hội nghị liên quan lần này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự gắn kết của ASEAN sẽ tạo ra sức mạnh tự thân, như một thương hiệu.
Thương hiệu vượt khó đó đã được khẳng định rõ trong hơn 8 tháng Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, thể hiện qua các cam kết ở cấp cao nhất mà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tháng 4-2020 tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3 và tháng 6-2020 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Đó cũng là nỗ lực của các trụ cột cộng đồng hợp tác, mở rộng liên kết, thực hiện "mục tiêu kép" vừa đẩy mạnh phát triển vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Việc nhấn mạnh giá trị của sự vững vàng, sự đoàn kết mang tính thương hiệu là chìa khóa cho mục tiêu kép nêu trên có thể xem như một thông điệp ý nghĩa cho các thành viên ASEAN. Khi Trung Quốc được xem cũng âm thầm tận dụng thế mạnh kinh tế để tác động lên lập trường của các nước khác trong vấn đề Biển Đông và các điểm nóng chính trị - an ninh khác.
Trung Quốc tạo đòn bẩy trước AMM 53
Gần như đồng thời với các cuộc họp tại AMM 53, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã ghé thăm các nước liên quan Biển Đông. Hôm 8-9, ông Ngụy đã có cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tại Jakarta. Chuyến đi này diễn ra một ngày sau khi ông Ngụy ghé thăm Malaysia và gặp gỡ Bộ trưởng quốc phòng Ismail Sabri Yaakob.
Trong cả hai sự kiện, phía Trung Quốc đều tường thuật lạc quan về kết quả, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh và hai quốc gia Đông Nam Á trên tìm thấy điểm chung trong vấn đề Biển Đông. Trên trang chủ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định hiện nay, với những nỗ lực chung giữa Trung Quốc và ASEAN, tình hình Biển Đông nhìn chung đã ổn định.
Tờ South China Morning Post ngày 8-9 dẫn nguồn tin cho biết hành trình tiếp theo của ông Ngụy là Brunei và Philippines. Như vậy, ông Ngụy đi tới 4/6 bên khác có vấn đề liên quan tới Biển Đông gồm: Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Zach Abuza (chuyên gia an ninh Đông Nam Á, ĐH Chiến tranh Mỹ) cho rằng Trung Quốc đang sử dụng đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ của mình khi các nước xung quanh (trừ Việt Nam) đang chịu sức ép suy thoái kinh tế.
"Bắc Kinh có hỗ trợ kinh tế, những hứa hẹn về vắcxin cho đại dịch COVID-19 nhằm tác động lên lập trường của các nước ASEAN" - ông Abuza nhận định.
Indonesia nêu hợp tác y tế, phục hồi kinh tế
Theo TTXVN, phát biểu tại AMM 53 sáng 9-9, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác y tế và phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Ngoại trưởng Marsudi đã kêu gọi ASEAN tăng cường hợp tác nhằm xây dựng khả năng phục hồi y tế với mục tiêu ngắn hạn là đảm bảo khả năng tiếp cận vắcxin và mục tiêu dài hạn là phát triển khả năng phục hồi y tế của khu vực.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cũng kêu gọi tái khởi động các hoạt động kinh tế của ASEAN nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế khu vực song song với việc thực hiện nghiêm ngặt các quy trình y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận