Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trưởng SOM ASEAN Việt Nam, chủ trì họp báo về Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan chiều 7-9 tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN
Tham dự chuỗi hội nghị này, một trong những sự kiện quan trọng nhất trong Năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam, có bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, đại diện 27 nước đối tác và tổng thư ký ASEAN.
Thúc đẩy vai trò trung tâm ASEAN
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7-9 trước thềm sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhận định rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, từ cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, căng thẳng gia tăng ở các điểm nóng toàn cầu, cho tới tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như tác động tiêu cực của đại dịch tới kinh tế, xã hội các nước.
Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam tại chuỗi sự kiện này là tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như Việt Nam nói riêng, theo tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng".
Tinh thần này đồng thời sẽ là trọng tâm cho việc rà soát tình hình và thảo luận sáng kiến chống dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong các sáng kiến mới, những kế hoạch hợp tác của ASEAN với đối tác.
Bên cạnh đó, Việt Nam và ASEAN sẽ điểm lại tình hình quan hệ đối ngoại của ASEAN. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang gay gắt, ảnh hưởng tới hòa bình khu vực.
Tại chuỗi sự kiện này, các nước cũng tập trung thảo luận về các điểm nóng toàn cầu như tình hình Biển Đông, Triều Tiên, bang Rakhine (Myanmar)... Ưu tiên của Việt Nam và ASEAN sẽ đặt vào nhiệm vụ tìm ra tiếng nói chung cho các bên, qua đó cũng góp phần nâng cao hình ảnh và vai trò của ASEAN.
"Dù hoạt động hợp tác ASEAN chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19, Việt Nam đã và đang cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ chủ tịch ASEAN; đề xuất nhiều sáng kiến, duy trì và thúc đẩy hợp tác cả trong phòng chống dịch bệnh cũng như xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói.
Thách thức mang tên COVID-19
AMM 53 và các hội nghị liên quan lần này phải tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nước. Đây được xem là thách thức lớn cho Việt Nam từ khâu tổ chức, hậu cần cho tới khâu nội dung và mục đích thúc đẩy các chương trình nghị sự của Việt Nam.
Về mặt tổ chức, COVID-19 đã tạo ra khó khăn chưa từng có tiền lệ. Nhiều đại biểu sẽ phải dự họp trực tuyến vào rạng sáng, vì bản thân nội bộ ASEAN đã có 2 múi giờ, chưa kể 27 đối tác khác rải khắp 4 châu lục.
Cá biệt, phía Triều Tiên tại sự kiện lần này không thể tham gia họp trực tuyến, vì vậy giải pháp đặt ra là cử đại diện tới họp... trực tiếp tại Hà Nội. Đây cũng là đại diện họp trực tiếp duy nhất, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng.
Quan trọng hơn, khi không thể tổ chức gặp gỡ trực tiếp, việc theo đuổi ưu tiên trong chương trình nghị sự của Việt Nam và các nước đều gặp trở ngại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Zach Abuza (chuyên gia an ninh Đông Nam Á, ĐH Chiến tranh Mỹ), cho rằng việc tổ chức trực tuyến sẽ không tối ưu hóa ý nghĩa của một cuộc họp. "Một trong những điều các nhà ngoại giao sẽ bỏ lỡ là một số tín hiệu trực quan nhưng quan trọng hơn, họ sẽ bỏ lỡ các cuộc trao đổi hành lang, nơi rất nhiều điều diễn ra trên thực tế" - ông nói.
AMM 53 cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái quyết đoán hơn đối với tình hình Biển Đông, khiến giới quan sát chú ý đến Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo về AMM 53 chiều 7-9, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh "COC vẫn là ưu tiên của ASEAN", tuy nhiên cũng thừa nhận rằng đàm phán COC đã trì trệ trong thời gian khá dài do COVID-19, và dù "tất cả các bên đều sốt ruột, với tính chất đàm phán COC, rất khó để tổ chức họp trực tuyến".
20&40
Trong bốn ngày làm việc, dự kiến đại diện các nước tại AMM 53 sẽ tham gia khoảng 20 hội nghị, phiên họp cấp bộ trưởng và sẽ có khoảng 40 văn kiện được xem xét, ghi nhận và thông qua tại các hội nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận