11/06/2017 09:35 GMT+7

Hội đồng nhân dân TP.HCM họp bất thường về môi trường

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Mục tiêu của kỳ họp bất thường hôm nay 11-6 là nhằm đánh giá đúng thực trạng về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Toàn cảnh kỳ họp thứ tư của HĐND TP.HCM khoá IX với chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, khai mạc sáng 11-6 - Ảnh: Tự Trung 

Sáng nay 11-6, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa IX đã khai mạc kỳ họp thứ tư (kỳ họp bất thường) để bàn chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn.

Đến dự kỳ họp có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP - cho biết mục tiêu của kỳ họp là đánh giá đúng thực trạng về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Theo bà Tâm, ngoài một số việc đã làm được, báo cáo của UBND TP cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về chất lượng môi trường nước, môi trường không khí và quản lý, xử lý chất thải.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị các đại biểu tại kỳ họp này phát huy tối đa trí tuệ, trách nhiệm, tập trung phân tích, bàn thảo và đưa ra các giải pháp mang tính định hướng cho công tác bảo vệ môi trường của TP trong thời gian tới.

Mỗi ngày TP thải ra 8.300 tấn rác, phần lớn đem chôn lấp

Để chuẩn bị cho kỳ họp, HĐND TP đã tổ chức 4 đoàn giám sát theo từng nhóm lĩnh vực và tập hợp báo cáo từ các sở ngành liên quan.

Báo cáo tóm tắc do ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường - trình bày tại kỳ họp cho biết mỗi ngày TP thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải và được thu gom bởi Công ty Môi trường đô thị, các công ty dịch vụ công ích quận huyện (40%) và hệ thống thu gom dân lập (60%).

Về xử lý, hiện bãi rác Đa Phước (Bình Chánh) chôn lấp khoảng 5.500 tấn/ngày, số còn lại được chôn lấp, tái chế và làm phân compost tại các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi.

Theo UBND TP, lượng chất thải y tế phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP khoảng 22 tấn/ngày từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân. Việc thu gom và xử lý chất thải y tế chủ yếu do Công ty Môi trường đô thị TP đảm trách.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết việc phân loại rác tại nguồn đã bắt đầu thí điểm từ năm 1998, nhưng khi đó do thực hiện không đồng bộ nên xảy ra tình trạng người dân phân loại xong các đơn vị thu gom lại “gộp chung” rồi đem chôn lấp nên kết quả không thành công.

Những năm gần đây, TP đã triển khai thí điểm giai đoạn hai và bước đầu đã xử lý, tái chế được một lượng đáng kể. “Mới đây UBND TP đã phê duyệt đề án phân loại rác tại nguồn và đang trong giai đoạn triển khai để thực hiện đại trà trên toàn TP” - ông Thắng nói.

Ngoài những việc đã làm được, báo cáo của UBND TP nhìn nhận chất lượng môi trường, tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện đáng kể so với yêu cầu, một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đặt ra.

Theo UBND TP, hiện phần lớn lượng rác thải sinh hoạt chỉ được chôn lấp nên tốn nhiều đất và chưa giải quyết được triệt để vấn đề mùi hôi. Do đó, TP đang xem xét theo hướng ưu tiên đầu tư các dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại hơn.

Theo chương trình dự kiến, kỳ họp sẽ diễn ra cả ngày.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình công nghệ mới về vận chuyển thu gom rác sáng 11-6 - Ảnh: Tự Trung 
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình công nghệ mới về vận chuyển thu gom rác sáng 11-6 - Ảnh: Tự Trung
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, tham quan mô hình nhà máy xử lý rác được triển lãm tại kỳ họp sáng 11-6 - Ảnh: Tự Trung 
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu khai mạc kỳ họp sáng 11-6 - Ảnh: Tự Trung
Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường, báo cáo về tình hình môi trường thành phố tại kỳ họp sáng 11-6 - Ảnh: Tự Trung
NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên