05/04/2019 16:43 GMT+7

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Nhiều phụ nữ cảm thấy có sự thay đổi về thể chất hoặc tâm lý trong những ngày trước khi hành kinh. Khi những triệu chứng này xảy ra thường xuyên thì được coi là PMS.

Hội chứng tiền kinh nguyệt - Ảnh 1.

Tập aerobic đều đặn làm giảm nhẹ các triệu chứng của PMS. Ảnh: medisite.fr

   Nhiều phụ nữ cảm thấy có sự thay đổi về thể chất hoặc tâm lý trong những ngày trước khi hành kinh. Khi những triệu chứng này xảy ra từ tháng này qua tháng khác, và chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của người phụ nữ, thì được coi là Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome - PMS).

Những triệu chứng thường gặp của PMS

Những triệu chứng về cảm xúc bao gồm:

- Trầm cảm.

- Các cơn giận bộc phát.

- Dễ bị kích thích.

- Dễ khóc.

- Lo âu.

- Lẫn lộn, rối loạn.

- Xa lánh xã hội.

- Thiếu tập trung.

- Mất ngủ.

- Tăng ngủ ngày (Increased nap taking).

- Những thay đổi về ham muốn tình dục.

Những triệu chứng về thể chất bao gồm:

- Khát nước và thay đổi khẩu vị (thèm ăn).

- Ngực căng tức.

- Phù nề và tăng cân.

- Đau đầu.

- Bàn tay, bàn chân sưng phù.

- Đau nhức.

- Mệt mỏi.

- Các vấn đề về da.

- Các triệu chứng về tiêu hóa.

- Đau bụng.

Chẩn đoán PMS?

Để chẩn đoán PMS, nhân viên y tế cần xác nhận sự biểu hiện các triệu chứng.

Các triệu chứng của người phụ nữ bị PMS thường:

- Xuất hiện trong 5 ngày trước hành kinh và ít nhất 3 chu kỳ liên tiếp.

- Kết thúc trong vòng 4 ngày sau khi bắt đầu có kinh nguyệt.

- Ảnh hưởng đến một số hoạt động bình thường của người phụ nữ.

Việc ghi chép các triệu chứng của bạn có thể giúp nhân viên y tế xem xét bạn có mắc PMS hay không. Trong ít nhất 2-3 tháng, mỗi ngày hãy ghi lại và đánh giá mức độ của bất cứ triệu chứng nào bạn nhận thấy. Đồng thời ghi chú kỹ ngày tháng của chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

Những tình trạng khác có thể bị nhầm lẫn với PMS

Các triệu chứng của một số tình trạng khác có thể bị nhầm lẫn với PMS hoặc xảy ra chồng chéo với PMS. Bao gồm:

- Chứng trầm cảm.

- Sự lo âu.

- Tiền mãn kinh.

- Hội chứng mệt mỏi mãn tính.

- Hội chứng ruột kích thích.

- Bệnh tuyến giáp.

   Những rối loạn về trầm cảm và lo âu là những tình trạng hay xảy ra trùng lặp với PMS nhất. Khoảng một nửa phụ nữ mắc PMS có một trong các rối loạn này. Những triệu chứng của chứng trầm cảm và lo âu rất giống với các triệu chứng về cảm xúc của PMS. Tuy nhiên, ở những phụ nữ mắc chứng trầm cảm, các triệu chứng này hiện diện kéo dài suốt cả tháng. Những triệu chứng này cũng có thể nặng hơn vào thời điểm trước hoặc trong suốt chu kỳ của họ. Nhân viên y tế sẽ phải xác định xem bạn có mắc các tình trạng này không nếu như bạn có các triệu chứng của PMS.

   Ngoài trầm cảm và lo âu, các triệu chứng của các rối loạn khác có thể trở nên nặng thêm ngay trước chu kỳ hành kinh của bạn. Ví dụ như rối loạn co giật, đau nửa đầu, hen suyễn, và dị ứng.

   Nếu các triệu chứng của PMS nặng thêm và gây ra các vấn đề với công việc hay các mối quan hệ cá nhân, bạn có thể bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt hay rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder - PMDD). PMDD là một dạng nghiêm trọng của PMS, có ảnh hưởng đến một số ít phụ nữ. Các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) có thể giúp chữa trị cho một số trường hợp. Những thuốc này còn dùng để điều trị chứng trầm cảm.

PMS có chữa được không?

   Nếu các triệu chứng là nhẹ hoặc trung bình, chúng có thể được làm dịu đi bằng cách thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn. Nếu các triệu chứng PMS bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, bạn có thể quyết định điều trị nội khoa. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Trong các trường hợp nặng hơn, nhân viên y tế có thể sẽ chỉ định các thuốc cho bạn.

Tập luyện thể dục có làm giảm các triệu chứng của PMS?

   Với một số phụ nữ, tập aerobic đều đặn làm giảm nhẹ các triệu chứng của PMS. Nó còn có thể giảm mệt mỏi và trầm cảm. Tập aerobic hoặc đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, và bơi, làm tăng nhịp tim và chức năng phổi. Nên tập thể dục thường xuyên, chỉ trừ những ngày bạn có các triệu chứng. Tốt nhất là nên tập thể dục ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần.

Các phương pháp thư giãn có ích với PMS

   Tìm kiếm các phương pháp thư giãn và giảm bớt stress có thể giúp những phụ nữ mắc PMS. Nhân viên y tế có thể đề nghị giúp bạn một vài liệu pháp thư giãn làm giảm các triệu chứng PMS. Liệu pháp thư giãn bao gồm các bài tập hít thở, thiền, hay yoga. Liệu pháp massage cũng là một dạng khác của liệu pháp thư giãn mà bạn có thể thử. Một số phụ nữ thấy rằng các liệu pháp như phản hồi sinh học (biofeedback) và tự thôi miên (self-hypnosis) có thể có ích.

   Việc ngủ đủ giấc là quan trọng. Thói quen ngủ đều đặn (thức dậy và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày, ngay cả cuối tuần) có thể giúp giảm bớt sự mệt mỏi và ủ rũ.

Thay đổi về chế độ ăn để giúp làm giảm các triệu chứng của PMS

Những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn có thể giảm nhẹ các triệu chứng của PMS:

- Chế độ ăn giàu carbohydrate phức hợp, giúp làm giảm các triệu chứng về cảm xúc và sự thèm ăn. Carbohydrate phức hợp có thể thấy ở các loại thức ăn làm từ các loại hạt nguyên, như mì ống, ngũ cốc, bánh mì làm từ bột lúa mì nguyên hạt. Hoặc các loại khác như lúa mạch, gạo nâu (gạo lứt), các loại đậu, đậu lentil.

- Thêm các thức ăn giàu canxi, như sữa chua, các loại rau quả xanh,…

- Giảm lượng đường, muối và chất béo.

- Tránh các chất chứa caffein hoặc có cồn.

- Thay đổi giờ giấc bữa ăn. Ăn 6 bữa nhỏ 1 ngày tốt hơn là 3 bữa lớn, hoặc ăn ít hơn vào 3 bữa chính và thêm vào 3 bữa phụ. Việc giữ lượng đường trong máu ổn định có thể giúp giảm các triệu chứng.

Các thực phẩm bổ sung giúp giảm nhẹ triệu chứng của PMS

   Uống1.200 mg canxi (calcium) một ngày có thể làm giảm các triệu chứng về thể chất cũng như cảm xúc của PMS. Bổ sung magie (magnesium) giúp giảm bớt sự tích nước (phù), căng tức ngực, và các triệu chứng cảm xúc. Một nghiên cứu cho thấy rằng vitamin E cũng có ích với PMS.

   Hiện nay có nhiều sản phẩm được quảng cáo là giúp ích cho PMS. Phần lớn các sản phẩm này chưa được kiểm nghiệm hay chưa được chứng minh là có hiệu quả. Điều quan trọng là bạn phải hỏi ý kiến của nhân viên y tế trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm hay thực phẩm bổ sung cho PMS nào. Sử dụng với lượng lớn, hoặc dùng chung với các thuốc khác có thể gây hại cho bạn.

Các thuốc giúp làm giảm triệu chứng của PMS

   Các thuốc ngăn cản sự rụng trứng, như thuốc tránh thai, có thể làm giảm các triệu chứng về thể chất. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại này đều có ích với các triệu chứng về cảm xúc của PMS. Cần phải thử nhiều loại thuốc trước khi tìm được loại nào là tốt nhất.

   Thuốc chống trầm cảm có ích trong điều trị PMS ở một vài phụ nữ. Những thuốc này giúp giảm nhẹ các triệu chứng xúc cảm. Thuốc này cần được sử dụng 2 tuần trước khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, hoặc sử dụng trong suốt chu kỳ. Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, nếu loại này không hiệu quả thì nhân viên y tế sẽ kê cho bạn một loại khác.

   Nếu lo âu là triệu chứng PMS chính của bạn, thì một loại thuốc chống lo âu có thể được thử nếu các phương pháp điều trị khác dường như không có hiệu quả. Những thuốc này được dùng khi cần, tức khi bạn có các triệu chứng này.

   Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), như ibuprofen, có thể làm giảm đau. Trao đổi với nhân viên y tế trước khi bạn sử dụng NSAIDs. Việc sử dụng loại thuốc này kéo dài có thể gây chảy máu hay loét dạ dày.

   Thuốc lợi tiểu là các thuốc giúp giảm tích nước trong cơ thể. Nhân viên y tế có thể kê thuốc này nếu sự giữ nước là triệu chứng chủ yếu của bạn. Cần báo cho nhân viên y tế biết các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, đặc biệt là NSAIDs. Sử dụng đồng thời NSAIDs và thuốc lợi tiểu có thể gây nên các vấn đề về thận.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên